Lâu nay nhiều nghệ sĩ đã từng “vạ miệng” khi phát ngôn về một vấn đề nào đó trên báo chí hoặc mạng xã hội. Nhưng thời gian gần đây chuyện phát ngôn gây sốc của giới nghệ sĩ một lần nữa lại “bùng nổ” với những cái tên như NSƯT Đức Hải, Hứa Minh Đạt, Hiệp Gà… Dù đã lên tiếng đính chính, thậm chí xóa status nhưng với những lời lẽ thiếu văn hóa như thế từ những tài khoản được cho là “chính chủ” cũng khiến hình ảnh nghệ sĩ ngày càng xấu xí trong mắt công chúng.
Trong thời đại 4.0, nghệ sĩ vốn có nhiều kênh tương tác hơn với khán giả và họ cũng có quyền thể hiện quan điểm cá nhân lên mạng xã hội về một vấn đề nào đó. Nhưng nó lại trở thành một “con dao hai lưỡi” nếu như nghệ sĩ đó không kiểm soát được cảm xúc, hiểu rõ ý thức và trách nhiệm với những phát ngôn của mình trước công chúng. Nghệ sĩ cũng là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị văn hóa, giải trí để công chúng thưởng thức thì cũng phải hiểu rằng công chúng khó chấp nhận người làm văn hóa mà lại có những hành xử, phát ngôn vô văn hóa. Nhất là trên mạng xã hội, nơi có rất nhiều những fan hâm mộ, những người trẻ đang xem họ là thần tượng thì sự ảnh hưởng và hệ lụy từ những phát ngôn “gây sốc” ấy không hề nhỏ.
Trong email của một cá nhân gửi đơn đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã được xác thực, người này bức xúc bày tỏ: “Nghệ sĩ mất đạo đức cá nhân thì cho dù tác phẩm có hay thế nào thì việc xuất hiện trên tivi hay mạng internet cũng gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức cộng đồng. Nhất là trong thời đại mạng phát triển, các phát ngôn xấu đó lại càng phát tán nhanh chóng, ảnh hưởng đến trẻ em, người xem nhỏ tuổi, cổ vũ các lối sống sai lầm”. Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự thất vọng, ngao ngán khi đọc những status thô tục ấy của vài cá nhân trên nhưng vô hình trung họ cũng thể hiện sự bất mãn với giới nghệ sĩ: “Thật vô cùng bất mãn, không còn lời nào để nói với nghệ sĩ hiện nay”, “Mất niềm tin vào cái gọi là nghệ sĩ…”.
Nói một cách công tâm thì bất cứ một ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng có người này người kia. Cũng có rất nhiều nghệ sĩ luôn biết “giữ mình” trong mắt công chúng, ít ra là về hình ảnh trên mạng xã hội bởi họ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Sự “vạ miệng” ấy hoặc cố tình phát ngôn gây sốc chỉ để thỏa mãn cái tôi, những cảm xúc nhất thời và chỉ khiến hình ảnh nghệ sĩ “xuống cấp” trong mắt công chúng mà thôi. Nhưng nói như thế không có nghĩa là nghệ sĩ không thể nói lên tiếng nói của mình, không dám phát ngôn. Quan trọng là họ biết chọn “lời hay ý đẹp”, chọn cách hành xử văn minh, ngôn từ có giới hạn… để bảo vệ chính hình ảnh của mình khi mang danh nghệ sĩ. Đã là người của công chúng thì không thể nói bậy, chửi bậy, nhất là ở “mảnh đất” mạng xã hội nhiều tai mắt như thế. Chẳng khác nào tự khiến mình kém sang.
Có lẽ nhiều nghệ sĩ cũng nên tự quản chuyện phát ngôn của mình trêng mạng xã hội. Bởi khi “sự cố” xảy ra dù bị hack tài khoản như NSƯT Đức Hải đã phản hồi hay là vì bất cứ lý do gì thì cũng tạo nên những thị phi khó giãi bày và trách nhiệm cũng bị quy về một phần ở nghệ sĩ đó như một bạn đọc đã bày tỏ: “Dù bị hack hay không thì cái sai vẫn thuộc về Đức Hải, vì việc tự bảo quản tài khoản mạng xã hội là trách nhiệm của cá nhân”. Đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa nên có những động thái chế tài, xử lý nghiêm với những nghệ sĩ đã vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản về phát ngôn trên mạng xã hội.
Bình luận (0)