'Nghệ sĩ nhí' khắc chữ thư pháp lên dưa hấu bên chợ hoa tết Kon Tum

20/01/2020 14:31 GMT+7

Cận Tết Canh Tý , giữa chợ hoa tết sôi động tại TP.Kon Tum (Kon Tum) có một cậu bé cặm cụi khắc chữ thư pháp lên những quả dưa hấu. Những tác phẩm của "nghệ sĩ nhí" này rất sắc sảo và bắt mắt.

Vào những ngày cuối năm, chợ hoa tết tại TP.Kon Tum nhộn nhịp hơn hẳn bởi người người qua lại thăm thú, mua sắm Tết. Giữa khu chợ, xuất hiện một cậu bé ngồi lặng im chăm chú khắc thư pháp lên vỏ dưa hấu.

Điều đáng nói, dù tuổi đời còn nhỏ nhưng các tác phẩm của cậu rất sắc sảo và bắt mắt. Cũng bởi vậy, sạp bán dưa hấu của cậu bé luôn thu hút được nhiều người đến mua, tham quan.

Anh Nguyễn Trần Vũ (28 tuổi, trú tại H. Đăk Đoa, Gia Lai, chủ sạp hàng) cho biết, "nghệ sĩ nhí" tên Trần Công Danh (11 tuổi, cháu anh Vũ). Vào dịp cuối năm, sau khi kết thúc các môn học, Danh theo cậu sang Kon Tum đi bán dưa hấu thư pháp.

Danh và cậu đến Kon Tum từ ngày 23 âm lịch, ban ngày mở sạp bán dưa, tối đến dựng trại ngủ bên đường

Ảnh: Đức Nhật

Anh Vũ theo nghề khắc thư pháp lên dưa hấu đã được 7 cái tết. Anh cũng là người đầu tiên đưa dưa hấu thư pháp đến thị trường ở Gia Lai, Kon Tum. Các năm trước anh mở sạp tại đường hoa ở TP.Pleiku (Gia Lai). Do năm nay khách mua ít nên anh dắt Danh qua Kon Tum bán thử.

“Hai cậu cháu đã đến Kon Tum bán dưa từ ngày 23 Tết. Dưa hấu rất dễ vỡ nên việc vận chuyển đi lại khá khó khăn. Cứ mặt trời lên là tôi cùng Danh mở cửa bán hàng, tối đến hết khách thì dựng trại ngủ bên đường. Hai cậu cháu dự định đến ngày 28 âm lịch mới dọn hàng về lại Gia Lai ăn Tết”, anh Vũ nói.

Anh Vũ chia sẻ anh đam mê viết thư pháp từ nhỏ nhưng không có điều kiện được học viết thư pháp một cách bài bản. Để thỏa đam mê, anh Vũ luôn tìm cách học viết thư pháp ở bất cứ đâu. Khoảng 8 năm trước, anh được một người bạn tặng cho quả dưa hấu có khắc thư pháp. Cũng bắt đầu từ đây, anh Vũ chuyển dần sang khắc thư pháp trên dưa hấu, vừa thực hiện được đam mê vừa có thể tăng thêm thu nhập.

“Thời gian đầu tôi làm hỏng nhiều dưa hấu lắm. Cứ khắc sai hay xấu là lại phải bổ ra ăn, có ai thèm mua của ấy chứ. Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt mà, đến nỗi có ngày tôi lỗ đến vài trăm ngàn. Bây giờ việc khắc chữ đã thành thục thì tôi lại đâm ra ngán dưa hấu luôn rồi", anh Vũ tếu táo.

Nhìn đứa cháu tỉ mần khắc chữ lên vỏ dưa, anh Vũ hất hàm: “Nó mới theo tôi học nghệ được mấy ngày nay thôi. Cháu nó đã khắc được chữ và các chi tiết đơn giản rồi, cũng có vẻ thạo nghề rồi đấy. Coi vậy chớ vài bữa bán xong cũng được trả lương như ai đó nghen".

Những câu chúc tết được Danh và cậu khắc lên vỏ dưa hấu

Ảnh: Đức Nhật

Như chẳng để ý đến câu chuyện của cậu, Danh vẫn cặm cụi đưa từng đường dao, trạm trổ những hoa văn, nét chữ bay bổng lên bề mặt trái dưa. Những đường nét cuối cùng được hoàn tất, trái dưa có chữ “Lộc” xung quanh được trang trí thêm quả pháo, bông hoa khá bắt mắt.

Danh bảo rằng, em bị cuốn hút ngay từ lần đầu thấy cậu khắc thư pháp lên vỏ dưa. Từ đó về sau mỗi khi mẹ mua dưa hấu về ăn, em thường bắt chước cậu lấy tăm trạm trổ các hình vẽ lên bề mặt. Ban đầu chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, chưa rõ hình thù, lâu dần những nét vẽ đã thanh mảnh hơn.

“Khi bắt tay vào khắc chữ em như bị hút vào những nét vẽ. Việc khắc chữ giúp em học được tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Nếu không cẩn thận, những đường dao bị lẹm ra ngoài, các hình ảnh trạm khắc méo mó thì cả quả dưa coi như bỏ, chỉ còn cách bổ ra ăn. Em thích công việc này vì vừa giúp đỡ được cậu vừa thỏa mãn được sở thích của mình”, Danh vui vẻ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.