Đề xuất xét danh hiệu cho nhà nhiếp ảnh
Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN vừa gửi văn bản cho Bộ VH-TT-DL về việc góp ý dự thảo (lần 3) Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT). Theo đó, hội nhắc tới việc luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi) 2022 có bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" tại điểm b, khoản 1, điều 66. Tuy nhiên, dự thảo nghị định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ mà Bộ VH-TT-DL đang soạn thảo lại chưa quy định đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Văn bản này có đoạn: "Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN không đồng ý với ý kiến trình Chính phủ chưa quy định đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại dự thảo nghị định này". Hội cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL triển khai các cuộc đối thoại trực tiếp để đưa ra được quy định phù hợp cho "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Qua văn bản, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tiếp tục đề xuất ngoài những đối tượng đang được xét tặng danh hiệu theo quy định cần bổ sung thêm đối tượng "nhà nhiếp ảnh". Hội nêu rõ đây là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn nhiếp ảnh gia trong cả nước. Văn bản có đoạn: "Đối với đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh chỉ đề xuất một đối tượng duy nhất là nhà nhiếp ảnh. Nhà nhiếp ảnh là cá nhân hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật từ T.Ư tới địa phương".
Văn bản này cũng phản đối ý kiến cho rằng tác phẩm của các tác giả sáng tạo văn hóa nghệ thuật cũng đang thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Theo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, khoản 2, điều 4, chương 1, nghị định nêu rõ "không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT". Hội cho rằng việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là vinh danh cho những tác phẩm xuất sắc; còn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là vinh danh những đóng góp tài năng nghệ thuật của tác giả, là vinh danh con người.
Văn bản nêu: "Giải thưởng là dành cho tác phẩm, danh hiệu là dành cho con người, hai đối tượng hoàn toàn khác nhau và sản phẩm đó lại không được dùng chung để làm tiêu chí cho cả 2, nghị định đã quy định rất rõ. Như vậy, những ý kiến trên là chưa hiểu đúng bản chất nội dung của nghị định, không thuyết phục, đề nghị ban soạn thảo xem xét thấu đáo, tiếp thu có chọn lọc, có căn cứ, đảm bảo sự công bằng".
Hội muốn, hội từ chối, nhà quan sát sợ lạm phát danh hiệu
Trong khi đó, thông tin từ Hội Nhà văn VN cho biết Hội này vẫn giữ nguyên quan điểm tại Công văn số 46 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi năm 2022. Theo đó, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn VN đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn. "Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn ưu tú hay Nhà văn nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng "nhà văn" là cao quý, thiêng liêng", Hội Nhà văn VN nêu rõ.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho biết quan điểm cá nhân không đồng ý việc đề xuất kiến trúc sư được xét NSND, NSƯT. Ông nói: "Kiến trúc một phần lớn là khoa học, kỹ thuật, và sinh thái..., không phải chỉ là nghệ thuật, nghệ sĩ. Vì vậy trao danh hiệu NSND, NSƯT cho kiến trúc sư là không cần thiết".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho biết hội không bao giờ đề xuất đưa họa sĩ và nhà điêu khắc vào diện được xét NSND, NSƯT. Về việc có lo lắng không công bằng giữa các họa sĩ với nhau khi họa sĩ cho phim, cho sân khấu có thể được xét tặng NSND, NSƯT còn những họa sĩ khác thì không, ông Đoàn nói: "Lĩnh vực của thiết kế sân khấu, điện ảnh là thuộc về Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Điện ảnh. Bây giờ quy định như thế thì không nên".
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, cho rằng nếu cứ theo logic có nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh ưu tú thì rồi chắc cũng phải có nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú, rồi kiến trúc sư nhân dân, kiến trúc sư ưu tú... "Và cứ theo cái đà ấy, nhiều lĩnh vực sáng tạo khác cũng đề nghị (thậ
m chí là đòi) phải có cho họ những danh hiệu như thế. Có mà loạn! Danh hiệu nghệ sĩ, tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang "lạm phát" ít nhiều đấy, đang có những tiêu cực của căn bệnh thành tích đấy!", ông Kỷ nói.
Cũng theo PGS-TS Kỷ, Nghị quyết ĐH 13 của Đảng xác định chúng ta phải tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa VN, con người VN gắn với gia đình VN. "Nếu muốn thực hiện định hướng này của Đảng, Nhà nước thì chúng ta phải chấn chỉnh lại nhiều thứ, nhiều điều, trong đó có các danh hiệu. Chứ nếu ngành nào cũng đòi tôi cũng nhân dân, tôi cũng ưu tú thì sẽ "hòa cả làng", "vui cả làng". Mà thực ra cái gì ít mới quý. Tới lúc gặp ai cũng NSND, NSƯT cả thì người ta sẽ cảm thấy không còn quý gì nữa", ông Kỷ nói.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cảnh báo: "Đừng để lạm phát danh hiệu, lạm phát và đảo lộn hệ giá trị. Đây đó, người này, người kia đã "trăm nghìn đổ một trận cười như không" đấy thôi!".
Bình luận (0)