img

Đưa dân gian vào đương đại, câu nói khá quen với các bộ môn nghệ thuật nhạc - họa, nhiều thể nghiệm đã gặt hái thành công, nhiều sáng tác đương đại sử dụng chất liệu dân gian, dân ca được đông đảo thị trường đón nhận. Với jazz thì khác. Nói đến jazz, ít người cảm thụ. Sự kén chọn thị trường, cùng đặc thù của dòng nhạc vốn dĩ lấy kỹ thuật thể hiện làm điểm nhấn, khiến nghệ sĩ jazz dường như đơn độc trên hành trình nghệ thuật của mình.

Để phá thế "đơn độc" ấy, Quyền Thiện Đắc đã chia sẻ với Thanh Niên những cách anh dẫn nhập jazz vào dòng chảy dân gian Việt, và thành quả đem lại nhiều bất ngờ.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 1.

Sự kết hợp của jazz Quyền Thiện Đắc và piano Phó An My trong Cảm hứng Chiềng Đi

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 2.

Xin mở đầu với anh bằng khái niệm "đơn độc", nhiều người chơi jazz ở Việt Nam có cảm giác họ rất đơn độc, điều đó có đúng?

Luôn là thế, nếu ở khái niệm lựa chọn, họ đơn độc trên con đường mình đi, chấp nhận trả giá và tự tạo thương hiệu cá nhân riêng. Ở góc độ khác, người chơi nhạc jazz luôn có phần độc tấu, họ là người dẫn dắt, mở đường, nghĩa là chọn sự tiên phong, đơn độc. Cái mở ấy nếu tạo ra hứng thú, sẽ khiến người khác chấp nhận theo. Chơi nhạc jazz là thế, và đó cũng là cái đặc biệt của jazz.

Nhạc jazz là một ngôn ngữ, một nét văn hóa khác, khi đưa về với mình liệu có một mẫu số chung nào đó để định dạng, nghe thì biết ngay đấy là hồn cốt, là hơi thở Việt?

Phải bắt đầu từ âm thanh. Tôi chơi kèn, kỹ năng, kỹ thuật, những vòng hòa thanh mới… vẫn là kiểu xử lý của jazz. Nhưng âm thanh thì khác, nó liên quan đến hình ảnh, vùng miền, tập tính dân tộc. Chẳng hạn âm thanh khu vực Tây Bắc, liên quan đến người Thái, người Mông, họ có nhiều giai điệu đẹp, khi chuyển thể âm thanh ấy qua kèn saxophone, tôi phải nhớ âm thanh của riêng họ, nhưng không hoàn toàn cụ thể là của người Mông hay người Thái, mà chỉ thấy trong đó tinh thần của họ.

Chơi nhạc ở châu Âu, âm thanh vang sẽ khác; khi chơi nhạc trong núi, bản làng, âm thanh cũng sẽ khác. Tôi cần nhiều âm thanh bản địa như thế, để ngay cả khi chơi các bản nhạc nước ngoài, tôi vẫn có thể đưa âm thanh và hình ảnh Việt Nam vào, và quan trọng là nó phải thú vị.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 3.

Quyền Thiện Đắc và Phó An My, một kết hợp ngọt ngào kể Cảm hứng Chiềng Đi bằng nhạc cổ điển

Jazz đậm tính ngẫu hứng, nếu độc lập thì dễ, nhưng để nhiều dòng nhạc khác, như dân gian chẳng hạn, cùng ngẫu hứng với jazz, liệu có khó?

Tính ngẫu hứng trong jazz có độ mở rất lớn, nó giúp kết nối mọi thứ lại với nhau. Âm nhạc dân gian được các cụ truyền lại đa phần theo hình thức truyền khẩu, tam sao thất bản nên trong đó cũng đầy tính ngẫu hứng. Khi đem jazz tương tác các dòng nhạc dân gian, làm việc cùng nghệ nhân, nghệ sĩ, tôi sử dụng tính ngẫu hứng làm kết nối, trong ngẫu hứng có kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật, văn hóa, hiểu biết, đến cả tinh thần, hình ảnh, trải nghiệm thực tế…; từ đó ra hiệu quả âm thanh, và dùng âm thanh ấy đưa vào jazz.

Tôi từng làm thí nghiệm với nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh. Chúng tôi vào phòng thu, cùng hòa tấu với nhau trong 1 tiếng, sau đó đem ra nghe lại, những cái ngẫu hứng chạm nhau rất tự nhiên, và cái nào thú vị, chúng tôi dùng nó xây dựng tác phẩm. Tôi đi từ ngẫu hứng, tìm ra giai điệu, bố cục, thang âm và viết thành tác phẩm. Lần biểu diễn sau không lệ thuộc vào ngẫu hứng nữa, mà chỉ còn lại điều tiết, tương tác, dùng kỹ thuật mỗi người làm tác phẩm thêm đẹp.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 4.

Jazz, nhạc cổ điển, hội họa đương đại gặp nhau trong triển lãm Một đoạn đường của họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu

Nền âm nhạc văn minh chuẩn chỉ về kiến thức, lý thuyết, và đào tạo nhạc công, nghệ sĩ dựa trên bài bản kỹ thuật và kinh nghiệm; nhưng nhạc dân gian phần đa từ truyền miệng, từ khả năng thiên bẩm, để hai thứ làm việc với nhau, có lệch tông?

Tôi kết hợp theo kiểu mắt xích, làm việc với nhiều nghệ sĩ xung quanh, để họ hiểu và tương tác cùng. Tôi cũng thực hiện theo lối truyền miệng, thêm một số tổ chức về âm, nốt, khi đó độ ổn định của người nghệ sĩ và nghệ nhân ít nhiều tương đồng, có thể đạt 90% trở lên, dựa trên giai điệu, vần điệu và bố cục rõ ràng. Khi kết hợp lại với nhau, từ yếu tố kỹ thuật đến cảm giác âm nhạc sẽ hòa hợp, điều đó khiến tác phẩm hay hơn rất nhiều.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 6.

Nhiều hành trình kiếm tìm trong nghệ thuật giúp nghệ sĩ hoàn thiện, tôn giá trị mình lên, khi tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật khác để đưa jazz vào, điều anh muốn là gì?

Tôi muốn làm đẹp cho các lĩnh vực nghệ thuật tôi tiếp cận trước, bởi khi họ đẹp rồi, đương nhiên mình cũng sẽ có cơ hội đẹp hơn. Mỗi khi tương tác với nghệ sĩ đương đại, dân gian, hay các nghệ nhân… ai cũng có cá tính đặc biệt riêng, tôi phải tìm hiểu kỹ ngôn ngữ và màu sắc của họ, sau đó liên tưởng đến jazz và chọn lối khai thác sao cho tôi và họ phù hợp, quyện vào nhau, tạo thành món ngon, mới lạ, hấp dẫn, không hoàn toàn là bản địa, cũng không hẳn là jazz thuần túy.

Có sự kết hợp nào cho đến giờ anh cảm thấy tâm đắc và có thể đi xa thêm?

Lấy ví dụ với nhóm Đàn Đó. Nếu để Đàn Đó độc lập thì âm sắc, âm thanh đặc biệt nhưng bị giới hạn bởi tính năng nhạc cụ, họ không thể hiện tương tự hết được điều nhạc cụ phương Tây làm. Cái tương tác của tôi là mở rộng vấn đề ấy ra, dùng jazz bổ sung vào khiếm khuyết đó để chúng tôi làm cho nhau thêm đẹp hơn. Và chúng tôi nói được nhạc jazz bằng ngôn ngữ bản địa.

“Biểu diễn nhiều nhất có thể”, là cách Quyền Thiện Đắc miệt mài đưa chất Việt vào jazz

Đem jazz vào dân gian hoặc ngược lại, hai yếu tố ấy trong Quyền Thiện Đắc sẽ là sự song hành hay đồng nhất?

Ranh giới giữa hình thức và nội dung rất mong manh; nếu không kỹ, chỉ sử dụng chất liệu dân gian chẳng hạn lấy âm thanh sáo mèo rồi soạn ra bộ jazz hòa theo, đấy chỉ là hình thức. Cái tôi cần là tìm thú vị trong âm nhạc dân gian, đi thật sâu, hiểu rõ rồi mới quay ngược trở lại thể hiện, khi ấy mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, rất thật, và tạo nên sự đồng nhất.

Được biết anh cũng dành nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu nhạc cụ dân gian, vì sao?

Tôi dành 6 năm đi học và nghiên cứu các thể loại trống tuồng, chèo, kèn bóp, các làn điệu của người Thái… không phải mục đích chơi nhuần nhuyễn, mà để hiểu tinh thần rồi từ đó chọn ra cái hợp vào jazz. Lấy ví dụ đem jazz vào chèo thì dễ, nhưng tuồng khó bởi tuồng là thể hiện, bộc lộ, có cốt truyện, nhạc tuồng chơi cho kép hát, đào hát, bản chất là nhạc đệm, không phải solo nên muốn biến đệm thành solo thì phải sáng tác mới, điều đó không dễ và rất mất thời gian. Tôi cũng thử qua lĩnh vực đờn ca tài tử, nắm niêm luật hò - xự - xang - xê - cống - líu, thử cả jazz với cải lương, chọn ra điệu xuân phối cùng jazz, ăn ý nhau lắm.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 8.

Một kết hợp giữa jazz của Quyền Thiện Đắc và nhóm Đàn Đó

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 9.

Nhạc cụ phương Tây (saxophone) và nhạc cụ dân gian Việt, sự kết hợp tạo nên một “món ăn” thú vị

Gần đây, anh "lấn" cả qua hội họa, tham gia sáng tác, cũng với mong muốn đưa jazz vào hình hoạ chăng?

Tôi có nhiều trải nghiệm với nhạc, nhưng họa (về hình ảnh) là thứ tôi đang thiếu, bản nhạc có giai điệu hay nhưng để giai điệu ấy tả thành hình thì không nhiều. Tôi chơi với anh em họa sĩ đủ trường phái, cũng để cảm cách họ nhìn sự vật, sự việc, và diễn lại bằng hình. Tham gia hội họa là cuộc chơi, là trải nghiệm, mọi người đặt tôi vào đúng vị trí trong tác phẩm; khi sáng tác, tôi liên tưởng sắc màu bằng âm nhạc, thể hiện nét họa theo chuyển động của nhạc. Tôi cần làm việc này nhiều hơn nữa để tạo cho mình phản xạ có điều kiện, nhìn sự vật khác với góc nhìn thông thường, từ âm nhạc, hội họa, dân gian, khi đó sáng tác của tôi sẽ mang nhiều hình ảnh hơn, chuyển động âm nhạc có lý hơn. Về lâu dài, tôi muốn đi đến bước cuối là chơi với chữ, để khi sáng tác lời, tôi sẽ thể hiện tối giản, chữ ít, nhưng dày thông tin, độ mở lớn.

Nói đến jazz là sự phô diễn bất tận về kỹ thuật, thủ pháp, phong cách, nhưng anh lại đề cập đến chi tiết tối giản, đó là một điều lạ, vì sao?

Cách đây 20 - 30 năm, khi cầm kèn lên, tôi sẽ nói (thể hiện kỹ thuật) rất nhiều, từ tiết tấu nhanh, kỹ thuật phức tạp, độ khó cực đại. Nhưng càng về sau càng giản lược bớt, cũng như người có tuổi, họ nói ít đi, nói đúng tâm điểm, nội dung đưa ra xoáy vào người nghe. Jazz của tôi bây giờ là thế, không hoàn toàn là Tây, nó mang sự tối giản, và trong đó, người nghe cảm nhận ra âm thanh Việt.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 10.

Một Quyền Thiện Đắc trong trải nghiệm hội họa, đưa nhạc vào tranh

Chơi với jazz, nhiều nghệ sĩ muốn thể hiện cá tính và ngôn ngữ riêng, vì sao anh chọn hướng đem jazz hòa cùng các dòng nhạc khác?

Vì tôi muốn nhiều người có thể chơi cùng với tôi. Jazz có thể chơi với bất kỳ giai điệu gì, và nguyên lý nhạc cụ hơi cũng như giọng nói của mình vậy, chơi thế nào thì nói như thế, khi đạt đến độ kiểm soát sẽ diễn giải được điều mình muốn, bằng âm thanh. Tôi là người Việt, khi tạo âm thanh tôi nhắm vào tính bản địa nên sẽ ra chất Việt. Khi làm được điều đấy, có tác phẩm phù hợp, tôi muốn nó phải đủ mở để người khác có thể hoà vào với mình. Guitar cổ điển, piano, cho đến chèo, đàn đó, cải lương, quan họ, nhạc trẻ em… đều có thể chơi với tôi, điều đó cho thấy âm nhạc khi đủ độ mở, sẽ là sợi dây liên kết để mọi nền văn hoá có thể hòa vào nhau. Khi định hình được ngôn ngữ ấy, tức là tạo ra sự hợp lý trong âm nhạc, tôi có thể đi bất kỳ đâu, tiếp cận bất kỳ nhạc cụ ở bất kỳ nền văn hóa nào, mọi người đều có thể dùng ngôn ngữ riêng của họ chơi với jazz Việt, và đây là cuộc chơi chung, làm đẹp cho chuyện đời bằng âm nhạc.

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 11.

Anh có thể kể một số dự án jazz anh tâm đắc và có bao giờ nghĩ sẽ đem "jazz Việt" đi chinh chiến quốc tế?

Một trong những dự án tôi thực hiện là phối hợp cùng nghệ sĩ Phó An My ở thể loại cổ điển với tác phẩm của nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên có tên gọi Cảm hứng Chiềng Đi. Một bản nhạc gồm 3 chương, 9 đoạn, kéo dài 1 tiếng 15 phút. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện bản concerto với piano và dàn nhạc giao hưởng. Còn với nhóm Đàn Đó, chúng tôi đang tập trung xây dựng nội dung để sang năm đi dự liên hoan jazz quốc tế ở Glasgow, Scotland.

Ở công việc thường ngày, tôi luôn tìm cách tổ chức và biểu diễn nhiều nhất có thể, mỗi năm ra ít nhất 2 album cá nhân, kết hợp jazz với nhạc cụ dân tộc, sáng tác thể loại jazz tối giản, sáng tác các bản nhạc jazz dành tặng riêng gia đình, bạn bè và con cái.

Cảm ơn anh với những chia sẻ thú vị!

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Vào chơi jazz với tôi - Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.