Nghệ sĩ Tòng Sơn: Một đời người - một cây kèn

13/06/2022 06:57 GMT+7

Vậy là, sau những ngày tháng liên tiếp phải vào bệnh viện cấp cứu, “chàng nghệ sĩ già rất mực phong lưu” của văn nghệ Sài Gòn cũng đã phải khuất phục số phận: Nghệ sĩ quái kiệt Tòng Sơn đã ra đi ở tuổi 92…

Người viết được may mắn quen biết và chơi thân với nghệ sĩ Tòng Sơn suốt hơn 20 năm nay. Dạo đó ông thường diễn chung với 2 người bạn, tạo thành bộ “tam sên”: Tòng Sơn (kèn harmonica), Huỳnh Hoa (kèn saxo), Huỳnh Hiệp (trống jazz). Mấy năm sau nghệ sĩ Huỳnh Hiệp qua đời, 2 người còn lại vẫn là cặp “song kiếm hợp bích” thật ăn ý. Rồi nghệ sĩ Huỳnh Hoa cũng xa khuất, từ đó nghệ sĩ Tòng Sơn trở thành tay kèn solo “độc chiêu, độc đáo và... độc hành”. Nếu bạn ở Sài Gòn, rất có thể bạn từng có dịp thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ Tòng Sơn trong một tiệc cưới hoặc buổi liên hoan nào đó, và chắc chắn bạn sẽ hết sức kinh ngạc khi chứng kiến những ngón nghề “độc chiêu” của ông: vừa ăn chuối (hoặc uống bia) vừa biểu diễn một lúc 2 cây kèn harmonica (thổi bằng mũi). Ông xử lý những cây kèn thật điêu luyện, tiếng kèn mượt mà, réo rắt cuốn hút người nghe một cách khó cưỡng lại được.

Nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn

Hà Đình Nguyên

Nghệ sĩ Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng (Sơn là tên của người cha, ông ghép vào tên mình thành nghệ danh), sinh năm 1930 tại Vĩnh Long. Ông kể rằng: “Thật ra chính cây kèn harmonica tìm đến với tôi chứ tôi không chủ động tìm nó. Số là hồi tôi còn là một cậu thiếu niên 15 - 16 tuổi, một hôm ngôi làng tôi đang ở bị Tây bố ráp. Mọi người hoảng loạn chạy trốn. Khi giặc rút, tôi tình cờ nhặt được một chiếc kèn harmonica của anh lính Pháp nào đó đánh rơi trong đám đổ nát. Lúc đó tôi chưa hề biết một nốt nhạc nào, rồi học thổi “vỡ lòng” với một người cậu... Năm 1950, tôi lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, vẫn không quên mang theo cây đàn “lượm mót” này để mỗi đêm lại trút nỗi buồn xa nhà vào tiếng kèn. Rồi với sự động viên, khích lệ của bạn bè, tôi chuyên tâm luyện tập. Đến khi Đài phát thanh Pháp - Á tổ chức cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” (tuyển giọng hát và nhạc công), tôi dự thi và trúng tuyển rồi biểu diễn chuyên nghiệp từ đó...”.

Nghệ sĩ Tòng Sơn đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 12.6.2022. Lễ tang của ông dự kiến sẽ tổ chức tại nhà thờ Tân Hòa (525/92 Huỳnh Văn Bánh, P.13, Q.Phú Nhuận), sau đó sẽ đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Với bề dày kinh nghiệm gần 80 năm gắn bó với cây kèn thân thuộc, tiếng kèn của lão nghệ sĩ giờ đây đã thuộc vào hạng “đệ nhất danh thủ”. Tiếng kèn điệu nghệ của ông đã chắp cánh cho những tác phẩm vốn đã bất hủ càng thêm tuyệt vời, như: Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn), Tôi đưa em sang sông (Y Vũ - Nhật Ngân), Xóm đêm (Phạm Đình Chương)... và cả những bản nhạc ngoại quốc như Tình ca du mục, Đồng xanh, Cánh bướm vườn xuân, Besame Mucho, Cầu sông Kwai...Không chỉ diễn hay, Tòng Sơn còn rất chú trọng đến thời trang. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, ông ăn vận rất “mode”, đó cũng là cách ông tôn trọng khán giả. “Vật bất ly thân” của ông là chiếc cặp đựng toàn là kèn: cây ngắn, cây dài, cây thẳng, cây cong... Có khi ông chơi một sê-ri kèn đến... 21 cây!

Thời hoàng kim đã qua - dù ngày 9.12.2005 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) có trao bằng “Kỷ lục gia” cho ông, khi công nhận “Nghệ sĩ Tòng Sơn - Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam” thì ông... vẫn ở nhà mướn. Hết sống trên một căn gác nhỏ ở chợ Trần Hữu Trang, ông lại về hẻm 128 Bàn Cờ (Q.3), rồi về ở đậu nhà cô em gái trong một con hẻm đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.