>> NGỮ YÊN

Những năm gần đây, các vai diễn sân khấu của anh thưa thớt dần. Anh cũng có những công việc khác như trợ lý đạo diễn sân khấu, diễn viên phim truyền hình. Sân khấu trong anh là thế nào?

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ mình sang làm phim truyền hình hay cả phim điện ảnh chỉ là sang làm chơi thôi. Công việc của mình vẫn là sân khấu. Có lẽ là vì xuất phát điểm làm nghề ở tại Nhà hát Kịch VN, lại học với các cô các chú mà đến giờ vẫn là thế hệ giỏi nhất của sân khấu Việt. Chú Nguyễn Đình Nghi, người làm việc không ai nghiêm túc hơn. Hay những nghệ sĩ quá tài năng như chú Trọng Khôi, chú Đoàn Dũng, cô Mỹ Dung... Thời kỳ đó, ai ai cũng biết đến họ dù họ chỉ làm mỗi sân khấu thôi.

Lúc vào nghề, tôi cũng chẳng có khái niệm yêu nghề hay không, nhưng trong quá trình tiếp xúc với các cô các chú ấy, được đóng vai chạy cờ quần chúng, tôi thấy yêu thêm. Học xong, tôi đi bộ đội 2 năm, rồi sau đó mới về Nhà hát Kịch VN làm diễn viên. Đó là giai đoạn sân khấu đang mạnh, thậm chí là hoành tráng nhất. Trước đấy nữa, vào cuối những năm 1980 - 1990, sân khấu vẫn sướng lắm, chất lượng vở diễn thực sự được đầu tư. Tôi không nói về chuyện tiền bạc hồi đấy đâu. Tôi nói việc không có chuyện chọn nhạc hay ánh sáng do đạo diễn chỉ đạo. Ánh sáng có người độc lập sáng tạo để nó không chỉ đẹp mà có ý nghĩa trong từng cảnh diễn. Nhạc cũng là mỗi vở mời một nhạc sĩ chữ không phải đi nhặt nhạc ba lăng nhăng. Mỗi bộ phận đều thực sự chuyên nghiệp.

Khi ấy, chuyên gia nước ngoài đến làm việc nhiều, chuyên gia Nga, chuyên gia Bulgaria. Còn diễn viên của nhà hát cũng quá giỏi. Tôi nhớ khi bác Đào Mộng Long đóng trong bộ ba vở diễn về Lê Nin, chính chuyên gia Liên Xô còn phải khen bác ấy diễn còn hay hơn cả diễn viên Liên Xô đóng vai đó nữa. Mà chú ấy người bé tí tẹo. Cũng không phải chỉ mình tôi đâu, cả khóa diễn viên đều hấp thụ được lòng yêu nghề. Quan trọng nhất là lòng yêu nghề.

Anh còn nhớ những bài học với các cô chú diễn viên thời đó không?

Chúng tôi thần tượng các cô chú, muốn hỏi cái gì cũng nghĩ kỹ mới hỏi. Tôi còn nhớ bác Đào Mộng Long giỏi lắm, có một cảnh bác độc diễn như nói chuyện với người trước mặt. Tôi hỏi bác, hỏi ngô nghê thôi, khi bác diễn thì bác thấy người nào đấy trước mặt không. Bác Long nói, không hẳn là như vậy, nhưng cũng gần như có người như thế. Rồi tôi hỏi chú Trọng Khôi khi diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt tại sao lúc chú chết chú lại há mồm ra như thế. Tôi không còn nhớ lý do nữa, nhưng chú Khôi giải thích rất nhiệt tình.

Hoặc vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, chú Nguyễn Đình Nghi làm đạo diễn. Hôm đấy rét quá, tôi đóng lính mặc một cái áo mỏng lắm. Nên tôi mặc áo len mỏng ở trong rồi mặc áo mỏng của lính ra ngoài, cài kín nhưng chú Quang Thái ra bảo mày mặc thế này không được, phải hy sinh vì nghệ thuật chứ. Thế là tôi vào trong, cởi luôn áo len ra. Các chú ấy quá nghiêm túc với từng chi tiết như thế. Nên tôi đã thực sự coi Nhà hát Kịch VN không chỉ là ngôi nhà thứ hai. Đã có lúc muốn bỏ đi, chuyển sang đơn vị khác nhưng rồi những chuyện xưa làm mình không thể làm thế được.

Nhiều diễn viên sân khấu giờ nổi lên bằng các vai hài hơn là bằng chính kịch. Anh có nghĩ là những diễn viên hài bây giờ thực sự có tài không, hay chỉ do được thời? Tình trạng đó có đáng buồn không?

Tôi thấy thực sự có những bạn diễn hài duyên dáng. Anh Quốc Khánh ngoài diễn hài ra còn bi cũng tốt. Thực sự là anh ấy đóng chính kịch oách luôn. Hay Công Lý tôi cũng thích. Anh Chí Trung đài từ hài buông rất tốt, đài từ của hài là loại số 1. Đó là những điều rất đáng kể. Và chúng ta cũng không quên là có nhiều vở diễn hài của các đoàn, các nhà hát cũng rất tốt. Bệnh sĩ chẳng hạn, đó cũng là một vở hài thành công. Hoặc Ả cave nhà hàng Maxim cũng của Nhà hát Kịch VN. Hay anh Hoài Linh, thực sự anh ấy là nghệ sĩ của nhân dân. Anh ấy có thiên bẩm, như chú Trần Tiến trước, không ai đào tạo được. Rồi chính họ tự phát triển mình lên. Đúng là hiếm.

Sau khi học diễn viên xong anh đi bộ đội luôn. Lúc đó, cảm giác của anh thế nào?

Lúc đó chúng tôi có 4 người cùng đi bộ đội: tôi, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Chinh. Cả 4 thằng đều là đóng vai chính trong 2 vở tốt nghiệp và chúng tôi đang ở trong cơn say nghề nên cũng buồn vì không tiếp tục được làm nghề. Thời điểm đó cũng có đoàn kịch Tổng cục Chính trị đánh tiếng nếu về đấy thì sẽ đưa về. Chúng tôi hội ý và quyết định đi bộ đội vì chúng tôi muốn có cơ hội về lại Nhà hát Kịch VN.

Ngoài thu nhập thì phim truyền hình có thể mang đến gì cho một người quyến luyến sân khấu như anh?

Diễn viên kịch chúng tôi đi làm lồng tiếng rồi làm diễn viên phim truyền hình. Trước đây, chúng tôi chỉ nghĩ đi làm phim truyền hình có thêm thu nhập. Nó cũng không hẳn là lấy ngắn nuôi dài nhưng thực sự là nghề đó giúp chúng tôi sống. Nhưng dù thế nào tôi cũng quan niệm làm sân khấu hay phim, muốn kiếm được tiền thì phải làm thật tốt. Còn nếu ăn xổi một, hai lần thì thôi.

Nghệ sĩ Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch VN trong một lần trò chuyện có nói nhà hát rất muốn các diễn viên có thể xây dựng thương hiệu cá nhân ở chỗ khác, nơi có đông công chúng, từ đấy xây dựng thương hiệu kịch. Anh nghĩ sao về điều đó?

Trước đây, tôi cũng từng đề nghị lãnh đạo nhà hát, những người có thể giúp nhà hát có khách, phải có chế độ riêng. Đó là chế độ ngôi sao. Và lúc bấy giờ tôi đề xuất Quốc Khánh và Xuân Bắc, khi đó nhà hát chỉ có 2 người đấy có thể khiến người ta bỏ tiền mua vé kịch.

Trông anh hiền và trầm. Thú vui của anh là gì?

Ngay từ hồi trẻ tôi đã mê đá bóng, còn ở nhà tôi thích đọc sách. Ngày tôi trẻ cũng là thời kỳ có nhiều người mê đọc sách. Ngày xưa làm gì có tiền mà mua sách, toàn thuê sách để đọc. Thuê được sách thì phải đặt cọc 3 đồng, và ai cũng cố đọc nhanh. Có lần, tôi đi chơi với bạn gái nhưng hết tiền nên phải trả sách sớm rồi lấy tiền về. Nó cũng đau đớn lắm (cười). Hồi tôi cùng với bố ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà chật nhưng có gác xép gỗ thông, trên đó toàn sách. Bọn tôi đi đâu mà sách rẻ hơn Hà Nội là lại tha về. Hồi năm 1988, tôi nhớ có lần đi Kon Tum, rẻ quá, tôi mua cùng lúc 8 quyển Trăm năm cô đơn về. Tôi cho người này người kia và cuối cùng chính tôi lại không giữ được quyển nào.

Lương Bổng của Người phán xử và bố Sơn của Về nhà đi con, ông thích vai nào hơn?

Thật ra, tôi để dành thời gian cho Lương Bổng nhiều hơn, mất công nhiều hơn. Nó hơi xa thực tế so với bản thân mình một chút, thậm chí trái chất hoàn toàn. Tôi nghĩ, nó là cơ hội để thay đổi dạng nhân vật. Ở nhà, tôi cứ lẩm bẩm diễn một mình như cái thằng dở hơi. Khi quay, các bạn quay phim dùng 3 máy quay một lúc, quay nhiều góc nên có điều kiện mình thể hiện. Chỉ cần biểu cảm bằng cái nhìn. Tôi cũng muốn đưa cái tình vào đó nữa. Chẳng hạn, Lương Bổng rất rắn nhưng lúc cần thì vẫn dùng tình chứ không bắn ngay. Với đối thủ, nếu cần thì vẫn dùng tình, chứ không chỉ bắn là bắn.

Diễn viên ít có thể chủ động, mà luôn phụ thuộc vào lời mời. Anh có thấy hạn chế vì điều đó? 

Đúng là mình phụ thuộc vào lời mời. Nhưng mình có thể nhận hoặc từ chối. Tôi thường chỉ nhận lời khi đạo diễn có sự thoải mái trao đổi. Chẳng hạn, khi diễn Về nhà đi con, chúng tôi cũng trao đổi để thay đổi nhân vật. Lúc đầu, nhân vật ông Sơn nếu không cân bằng lại thì sẽ ủy mị, và còn bị ung thư. Nên ngay từ buổi đầu nói chuyện với đạo diễn, tôi đã nói nếu đúng ông Sơn tính cách ủy mị như thế làm sao ông ấy ở vậy nuôi mấy đứa con gái được. Rồi cũng có những thay đổi để có không khí vui của gia đình thật, không ảm đạm quá.

Với tôi để nói đến cùng, tôi vẫn muốn làm sân khấu.

Xin cảm ơn ông!

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: NVCC

Báo Thanh Niên
24.08.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.