Ngay từ năm lớp 1, Trung Tadashi đã biết khởi thảo những nét vẽ bỡ ngỡ ban đầu nhờ vào sự hướng dẫn của… má. Cũng ít ai ngờ rằng người phụ nữ nhỏ bé quanh năm thêu thùa may vá mưu sinh cho cả nhà lại là người thầy xuất sắc đầu tiên chắp đôi cánh ước mơ cho anh. Tốt nghiệp trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), anh có thời gian dài sang Nhật lao động hợp tác. Cũng từ đó, các thể loại hình xăm trong văn hóa xứ sở mặt trời mọc: Samurai, Geisha, cá koi, Hannya, hoa anh đào, hạc trắng... và trong văn hóa Á Đông nói chung tự dưng ngấm vào máu và cứ thế bàng bạc trong các tác phẩm của anh.
Trung Tadashi tên thật là Trần Nhật Trung. Vì có ba mẹ nuôi người Nhật Bản nên anh chọn cho mình nghệ danh Trung Tadashi. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, anh bắt đầu xây dựng thương hiệu xăm hình nghệ thuật mang tên Tadashi Tattoo và gặt hái những thành công đầu tiên trong sự nghiệp khi tham gia Vietnam Tattoo Convention 2013, cùng các nghệ sĩ xăm hình của VN, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Đức...
Lý do nào đã tạo ra ngã rẽ mang tính "bước ngoặt" trong suy nghĩ để từ một họa sĩ ký họa, anh tìm đến với nghệ thuật xăm hình và say mê sáng tác trước nhiều định kiến của xã hội khi ấy vẫn chưa cởi mở như bây giờ?
Vào những năm 2000, nói đến xăm hình, mọi người vẫn còn dè dặt lắm. Khi ấy, tôi vô tình xem bộ phim của Hồng Kông, kể chuyện một cô gái mở cửa tiệm xăm nhỏ chỉ 4 m2 làm việc rất bài bản. Mọi khách đến được cô tư vấn kỹ nghệ thuật xăm hình khiến tôi vỡ lẽ: Xăm hình chẳng có gì xấu, nếu ta biết cách làm cho đẹp.
Tìm hiểu thêm qua lịch sử, tôi phát hiện ra trái với suy nghĩ của rất nhiều người rằng hình xăm chỉ là một sở thích bột phát của giới trẻ hay chỉ là hình thức trang trí của giới giang hồ. Thực ra xăm hình khởi nguồn từ thời xa xưa và mang nhiều ý nghĩa văn hóa tốt đẹp: ngư dân xăm mình để hóa trang thành thủy tộc tiện lợi cho việc đánh cá, quân lính xăm ký hiệu của nhà vua để đánh dấu quân đội của triều đình. Thời nước ta có tên là Văn Lang, người dân đánh bắt cá thường bị Giao Long quấy phá. Vua Hùng cho rằng chúng ta là dân tộc trên núi, không phải loài Rồng dưới nước, nếu biết hóa trang thành Rồng dưới nước trông giống như con cháu của Long Vương thì Giao Long sẽ không gây trở ngại nữa. Vua ra lệnh cho dân lấy màu xăm vào người, hóa trang cơ thể giống như loài Rồng để thuận lợi cho việc đánh cá. Nối tiếp tục lệ của người Việt cổ, tục lệ xăm tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào thời Lý - Trần. Đặc biệt vào thời nhà Trần, từ vua quan đến thần dân ai cũng thích xăm hình vào người. Tập tục này đã thể hiện sự yêu thích của người đương thời với nghệ thuật xăm hình, xem đó như một phần nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt.
Từ đó, mê xăm hình quá, tôi mượn tiền gia đình mua máy về mày mò tự học, mời bạn tới nhà làm mẫu miễn phí, rồi quyết định sống chết với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
"Vạn sự khởi đầu nan", hẳn quá trình khởi nghiệp đối với anh cũng gặp nhiều gian nan khi mọi thứ vẫn còn quá mới mẻ. Vì sao trong các tác phẩm anh lại thích thể hiện chủ thể về rồng, trong khi linh vật này để xăm hình nghệ thuật không hề dễ?
Hồi đó internet chưa có nhiều kênh đa phương tiện tương tác nên tôi chỉ biết lên Yahoo!360 thập thò giới thiệu. May mắn được các bạn ở vũ đoàn ABC rất nổi tiếng khi ấy làm những khách hàng đầu tiên, rồi từ đó người này giới thiệu người kia nên… tôi "liên tục phát triển" tới nay.
Tính tôi lạ lắm, người khác muốn gặp chuyện dễ để làm, còn tôi lại mong toàn "ca khó". Xăm hình nghệ thuật phức tạp nhất là rồng với quá nhiều chi tiết thì tôi lại thích. Cùng với chim phượng hoàng, rồng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nền văn hóa Á Đông, biểu trưng của quyền lực hoàng gia và đại diện cho những gì tốt đẹp, may mắn. Hình xăm rồng châu Á cũng là một trong những thể loại hình xăm được lựa chọn nhiều nhất dựa trên những ý nghĩa đặc biệt. Để thực hiện một hình xăm rồng đẹp, người nghệ sĩ phải thực sự hiểu văn hóa châu Á, thể hiện được tinh thần dũng mãnh và cao thượng của rồng trong các tác phẩm, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong công việc.
Hình xăm rồng của nghệ sĩ Trung Tadashi
Nói về hình rồng, từ năm học cấp 2, nhìn vào các decal tôi đã thử vẽ nên khá quen tay. Tuy nhiên, đối với xăm hình nghệ thuật phải thêm rất nhiều chi tiết khác: vảy, sừng, chân… kết hợp sao cho hợp lý và uyển chuyển. Để thể hiện tỉ mỉ chân rồng, tôi tìm hiểu kỹ chân cá sấu, gà, chim… Khi chân trước rồng xòe ra thì các chân sau vừa đạp xong xếp lại trong trạng thái nghỉ ngơi, bố trí cho đẹp mắt là không hề đơn giản. Đặc biệt, các tác phẩm này đều thực hiện bằng kỹ thuật freehand - vẽ tay trực tiếp lên da - phải ôm trọn các khối cơ trên cơ thể, phải mô tả được ngoại hình sống động của rồng. Vì khá cầu toàn cái gì cũng phải thật tinh xảo, nên ngày trước để hoàn thành tác phẩm hình xăm bằng tờ giấy A4, tôi mất 5 tiếng đồng hồ thì nay tôi làm tới 7 - 8 tiếng mới xong.
Ngoài xăm rồng sở trường và các tác phẩm phong thủy tứ linh mang đậm phong cách Á Đông như phượng hoàng, lân, rùa, thì hình xăm cá mang dấu ấn cá nhân của Trung Tadashi ra sao?
Thật ra hình xăm cá chép hay hình xăm cá chép hóa rồng đều có ý nghĩa mang lại may mắn. Bởi vì bản thân cá chép vốn là loài vật biểu tượng cho sự may mắn, còn rồng là biểu tượng của sự cao quý, uy quyền. Cá chép hóa rồng được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật với hình dáng linh vật đầu rồng, thân cá được rất nhiều người yêu thích bởi ý nghĩa phong thủy đặc biệt: tài năng, nỗ lực và thêm một chút may mắn để tạo nên những kỳ tích.
Cá nhìn đơn giản vậy chứ rất khó vẽ. Lúc bắt tay vẽ loài cá nào, tôi tìm đến hồ lớn đi tới đi lui ngắm chúng cả ngày, coi cách cá chép ăn mồi, cá koi lúc bơi rồi hít thở ra sao. Những gợn sóng nước khi những đàn cá đi qua sống động cùng cơ thể, tôi như "scan" hết vào trong đầu, rồi lấy máy ảnh chụp tiểu tiết xung quanh, về vẽ thì tác phẩm mới có hồn được.
Anh từng có một dự án tâm huyết tại hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) để quảng bá hình ảnh VN thông qua nghệ thuật xăm hình ra thế giới?
Phong cảnh nước ta rất đẹp và con người VN cực kỳ hiếu khách, nên không phải từ bây giờ mà trước đây tôi đã xăm hình nhiều về đề tài này và được du khách nước ngoài vô cùng yêu thích. Các thắng cảnh, địa danh nổi tiếng: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), chùa Một Cột (Hà Nội), lăng tẩm các triều vua (Huế), động Phong Nha (Quảng Bình), chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) luôn hiện diện trong các tác phẩm của tôi.
Khi hang động lớn nhất hành tinh và cũng là hang động hùng vĩ nhất tại VN là Sơn Đoòng được phát hiện, tôi mong ước được một lần tới đó, đứng trước không gian kỳ vĩ của thiên nhiên thực hiện tác phẩm độc đáo nhất, mà có lẽ chưa thợ xăm nào trên thế giới may mắn làm được nếu không phải người VN. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, cũng như xếp hàng chờ 1 - 2 năm nên tôi phải chờ đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí một thời gian phù hợp gần nhất.
Nghệ sĩ Trung Tadashi phác thảo chợ Bến Thành và bắt tay và thực hiện
Quỳnh Trân
Nghe nói gần đây anh "bội thu" niềm vui. Vậy nếu cho một điều ước gì muốn phải thực hiện ngay, anh sẽ làm gì?
Tôi có tới… 4 sự kiện mang dấu ấn trong đời trong thời gian gần đây là tổ chức được riêng một triển lãm cá nhân xăm hình nghệ thuật đầu tiên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tiếp đó là niềm vui trở thành tân hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tháng 3 năm nay lại được thêm xác lập kỷ lục VN và ra mắt tác phẩm mới Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành). Tôi vô cùng hạnh phúc vì những sáng tạo nghệ thuật bước đầu cho đi của tôi đã được công nhận.
Nếu có một điều ước phải làm ngay à? Gấp thế sao? Nếu vậy, tôi sẽ mở một trường dạy nghề cho trẻ em thiệt thòi, thiếu may mắn. Trong thời gian sống tại Nhật, tôi thấy nước bạn có nghĩa cử rất nhân văn là mỗi công ty thường đỡ đầu cho một hoặc vài người khuyết tật, bảo đảm có công việc phù hợp mà họ yêu thích để có tiền lương ổn định. Các bạn nhỏ khiếm khuyết cơ thể thường có tâm lý sợ tổn thương, tìm việc làm cũng khó, nên tôi dự định dành dụm một số tiền sớm thực hiện tâm nguyện này. Qua đó, tôi có thể dìu dắt, hướng dẫn các em học nghề mà tôi đang làm. Thời gian qua, nhiều bạn khuyết tật được tôi giúp đỡ đều vượt lên số phận và thành công.
Bình luận (0)