Nghệ sĩ trượt công khai, hội đồng chấm bí mật

06/07/2018 06:23 GMT+7

Có ý kiến cho rằng nên công khai phiếu của hội đồng xét danh hiệu nghệ sĩ để minh bạch chất lượng hội đồng. Điều này cũng sẽ giúp việc bỏ phiếu có chất lượng hơn.

[VIDEO] NS Lệ Thủy lên tiếng về việc trượt danh hiệu NSND của Minh Vương 
- Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên
Ba lần xét duyệt đều trượt
“Rõ ràng nếu 3 lần xét duyệt mà NSƯT Minh Vương vẫn trượt NSND thì oan khuất lắm chứ”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan chia sẻ. Câu chuyện 3 lần trượt xét duyệt đó của NSƯT Minh Vương không còn là sự cay đắng của riêng ông, mà còn của giới cải lương khi năm nay các bậc thầy cải lương bị trượt danh hiệu là nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu.
NSND Hoàng Quỳnh Mai, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, chia sẻ: “Chú Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu như là “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương. Nhiều nghệ sĩ trẻ học và ca theo cách mẫu mực đó. Trong nghề, chúng tôi còn nói là người này ca giống Thanh Tuấn, người kia ca giống Minh Vương, Giang Châu”.
Bộ VH-TT-DL đã công bố danh sách 77 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu NSND. Ở thời điểm này, chỉ có phép màu mới thay đổi được kết quả trượt NSND của các nghệ sĩ bậc thầy cải lương đó. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Tôi chịu không thể thay đổi được kết quả. Hội đồng họp rồi, đã quyết định rồi. Mình sinh ra hội đồng thì mình phải tôn trọng hội đồng”.
[VIDEO] Tranh cãi gay gắt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân
NSƯT Thanh Tuấn vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong vở Thầy Ba Đợi
Ông Cẩn cho hay, không thể tiết lộ số phiếu tuyệt đối. Tuy nhiên, với trường hợp của NSƯT Minh Vương, ông nói nghệ sĩ này thiếu vài phiếu, trong khi quy định là phải đạt 90% phiếu thuận của hội đồng 15 người.
“Bằng mọi cách tôi báo cáo hội đồng, nhưng việc mình trình bày và việc người ta đặt bút là hai việc khác nhau. Để giữ cho nghệ sĩ, không bao giờ chúng tôi nói số phiếu đó ra cả vì nghệ sĩ dễ bị sốc. Chúng tôi chỉ nói trong các văn bản là dưới 90% thôi. Chúng tôi không bao giờ công khai con số tuyệt đối. Còn cơ quan có trách nhiệm yêu cầu tôi giải trình thì tôi phải giải trình. Báo chí hỏi thì tôi chỉ nói dưới 90% số phiếu”, ông Cẩn chia sẻ.
Nghệ sĩ Giang Châu
Sự an bài này khiến công chúng nhớ đến việc “sầu nữ” Út Bạch Lan năm nào cũng không thể vượt qua các hội đồng để trở thành NSND. Công chúng cũng không thể quên NSƯT Chí Trung đã rớt khi xét NSND. Trong khi đó, họ là những nghệ sĩ được chính người trong nghề đánh giá cao. Và khi họ trượt, cũng là trượt đúng quy trình: nếu không thiếu huy chương cũng là chưa đủ 90% số phiếu tán thành của hội đồng.
Có những ông chẳng biết gì về nghệ thuật truyền thống, song lại ngồi xét trên bản lý lịch do các địa phương đưa lên thì chịu
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan
Vì sao không công khai?
Không chỉ không công khai số phiếu, ông Cẩn cũng không công khai danh sách Hội đồng cấp nhà nước xét duyệt hồ sơ nghệ sĩ. “Hội đồng không phải là tài liệu mật. Nhưng nó cũng không phải tài liệu đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Cẩn nói. Một trong những lý do ông Cẩn đưa ra là rất khó tìm người ngồi hội đồng. Mọi người không muốn ngồi vì mỗi khi kết quả không như ý là công chúng lại “ném đá” họ.
Ông Đặng Hoành Loan cho rằng, hệ thống “chấm” này có lẽ cần được thay đổi để tránh việc giải thưởng không tôn vinh được những nghệ sĩ tài hoa. “Cứ căn cứ vào liên hoan nên nhiều người tài hoa chẳng được phong gì hết. Nghệ sĩ tài năng có khi lại không đi thi bao giờ. Vì thế, xét duyệt có nhiều oan khuất lắm, chẳng biết làm thế nào”, ông Loan nói.
Hiện tại, Nghị định 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không có quy định đặc cách nào. Do đó theo ông Loan: “Rất nên quy định về các trường hợp đặc cách. Vì với nhiều nghệ sĩ như Minh Vương mà cứ đếm huy chương thì họ chẳng bao giờ được cái gì. Trong khi đó, giải thưởng là để tôn vinh nghệ sĩ”.
Về hội đồng và cách thức bỏ phiếu, ông Loan đề nghị mọi việc nên công khai, vì nếu hội đồng không công khai phiếu của mình thì không khác gì ném đá giấu tay. “Nên công khai danh sách hội đồng bởi vì người được duyệt họ cần được biết chân dung hội đồng. Nếu làm việc công tâm hết sức thì cần gì giấu tên. Việc công khai đó là rất nên để thành viên chịu trách nhiệm với lá phiếu. Có những ông chẳng biết gì về nghệ thuật truyền thống, song lại ngồi xét trên bản lý lịch do các địa phương đưa lên thì chịu. Chí ít người đó phải am hiểu tương đối về nghề mình chấm. Công bố rõ rệt, thậm chí thành viên hội đồng đó đã tham gia vào ngành nghề nghệ thuật nào. Trước giờ các hội đồng đều không công khai, nhưng theo tôi nên công khai rộng rãi”, ông Loan nói.
Bộ khẳng định do không đạt 90% số phiếu
Trong buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ VH-TT-DL diễn ra chiều 5.7 tại Hà Nội, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết trong lĩnh vực sân khấu truyền thống ở phía nam, trong đó có cải lương, nhiều nghệ sĩ không qua đào tạo ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp mà chủ yếu được truyền nghề, hay đi theo các đoàn nghệ thuật.
Trong khi, theo khoản 3, điều 3, Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét tặng hồ sơ. Tuy nhiên, ông Cẩn cho biết, cơ quan quản lý đã báo cáo với hội đồng xét tặng về đặc thù “không qua trường lớp”, trong hoạt động nghệ thuật truyền thống của nhiều nghệ sĩ ở phía nam, trong đó có loại hình nghệ thuật cải lương, hội đồng đã xem xét và ghi nhận ý kiến này. Còn lý do nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội ở phía nam trượt danh hiệu NSND được giải thích là vì “không đạt được 90% số phiếu của các thành viên hội đồng”.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.