Khi sự nghiệp đã khá ổn định, NSƯT Lê Trung vẫn “lều chõng” tham gia thi giải Trần Hữu Trang. PV Thanh Niên đã trò chuyện với anh về “chuyện lạ” này.
* Xin chào anh. Quả thật là một bất ngờ khi khán giả thấy anh trong danh sách dự thi giải Trần Hữu Trang. Mọi người nghĩ anh đã đạt danh hiệu NSƯT rồi thì cần gì phải thi nữa…
- NSƯT Lê Trung Thảo: Tất nhiên tôi đã có sự ổn định, không cần phải thi. Nhưng thú thật là tôi vẫn kiên quyết chạm tay vào giải này, bởi tôi ấm ức, mình đi thi mấy lần vẫn trượt, trong khi các cuộc thi khác thì thành công. Không lẽ tôi không có “duyên” với giải Trần Hữu Trang? Người ta nói chữ “duyên” hình như cũng có thật, nhưng tôi vẫn không muốn tin, cứ làm hết sức mình khi còn có thể. Mình còn chưa già, còn đi thi nổi thì không bỏ cuộc.
* Nhưng anh có lo lắng hay không, bởi nếu không thành công thì “quê” với đàn em cùng đi thi với mình?
- Ồ, tôi không sợ “quê” đâu. Đã nói là có khi chữ “duyên” chi phối cuộc sống chúng ta, thì mình cứ bình thản mà sống. Làm hết sức thôi, còn lại chuyện gì xảy ra thì mình cứ vui vẻ đón nhận.
|
* Anh ăn chay trường, có lẽ vậy mà luôn có thái độ sống rất tự tại, bình tĩnh. Và vai diễn của anh trong vòng sơ tuyển là Lý Huệ Tông trong trích đoạn Dấu ấn giao thời, cũng là một vị vua đi xuất gia, xem ra rất phù hợp. Vai này anh từng diễn rất thành công, tuy nhiên có thắc mắc vì sao anh không chọn một vai mới khác?
- Tôi thích vai này nên dự thi thôi. Nhưng tôi đã làm mới hoàn toàn, từ hai nhân vật Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung trong trích đoạn, tôi chỉ giữ lại một nhân vật và viết thêm lời, thêm bài ca, vì vậy có cơ hội thi thố khả năng độc diễn. Độc diễn được xem là khó nhất trong biểu diễn, tôi muốn thử thách bản thân.
* Anh từng độc diễn nguyên vở Nhật thực trong hơn 1 tiếng đồng hồ, lần này có khó gì với anh?
- Mỗi vở là một nhân vật mới, mình cũng có thử thách mới. Nói chung, cứ tạo cho mình sự thú vị khi làm nghề, thắng - thua tính sau.
* Nghe nói anh không chỉ đi thi mà còn kiêm luôn “giáo viên” kèm cặp cho mấy bạn diễn khác. Anh và họ cùng “đấu” với nhau để giành giải, liệu anh có truyền hết bí quyết cho họ không?
- Tôi đi dạy học đã nhiều năm, chưa từng giấu nghề, tôi chỉ mong lớp trẻ học hết nghề và giỏi hơn cả thầy thì cải lương mới sống và phát triển. Mỗi ông thầy mà giấu lại một tí thì coi như nghề sẽ mai một. Dù tôi và các bạn đứng chung “sàn đấu” nhưng tôi nghĩ ai thắng cũng được, nếu bạn trẻ thắng mình thì tôi cũng rất mừng.
* Giải Trần Hữu Trang năm nay có gì khiến anh thú vị?
- Thú vị trước tiên ở chỗ huy chương của giải đã có giá trị toàn quốc. Bởi một giải uy tín về cải lương mà trước nay nhiều nghệ sĩ chúng tôi vẫn bị thiệt thòi, huy chương không được tính vào khi xét duyệt phong tặng danh hiệu. Tất nhiên mình không chạy đua theo danh hiệu, nhưng khi đã xét duyệt thì nên có sự công bằng. Thứ hai, có nhiều giải khác cho các vai lão, độc, lẳng là cơ hội cho các nghệ sĩ lão thành thi thố tài năng. Nhiều bậc cha chú có công với cải lương, đóng nhiều vai rất hay, nhưng trước giờ chưa có giải gì để tôn vinh họ. Âu cũng là một cơ hội để cải lương khẳng định, tôn vinh những tên tuổi tiền bối của chúng tôi.
* Cảm ơn anh. Chúc anh sẽ bước tiếp vào những vòng trong và chạm tay tới giải Trần Hữu Trang mà anh đã mong mỏi rất lâu.
Bình luận (0)