Nghệ sĩ Việt bắt tay với những 'ông lớn' của làng thu âm thế giới

09/08/2020 04:00 GMT+7

Các hãng thu âm danh tiếng thế giới đang dần lấn sân vào thị trường Việt Nam, hợp tác cùng nhiều nghệ sĩ Việt trẻ tài năng như Vũ Cát Tường , Thái Vũ, Chillies, Phùng Khánh Linh...

Nghệ sĩ Việt lọt vào ‘mắt xanh’ của các hãng thu âm thế giới

Sau khi chiếm lĩnh ngành công nghiệp âm nhạc châu Mỹ và châu Âu, nhiều hãng thu âm danh tiếng trên thế giới bắt đầu đặt chân sang các thị trường ở khu vực châu Á, trong đó có các nước Đông Nam Á và dĩ nhiên không thể thiếu Việt Nam. Trong tiến trình mở rộng này, nghệ sĩ Việt nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của nhiều hãng thu âm lớn trên thế giới.
Năm 2016, Hà Lê và Phúc Bồ (nhóm PB Nation) ký hợp đồng quản lý 10 năm với Sony Music Group (Mỹ). Tháng 4 năm nay, Thái Vũ (nghệ danh: Vũ) và nhóm Chillies chính thức đầu quân về Warner Music Group (Mỹ). Mới đây, hãng thu này cũng nắm lấy cơ hội trở thành đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý tại Việt Nam. Không kém cạnh trên đường đua, Universal Music Vietnam công bố Phùng Khánh Linh là nghệ sĩ độc quyền đầu tiên hôm 26.7.

Vũ Cát Tường làm việc tại phòng thu United Recording (Mỹ)

ẢNH: NVCC

Việc các “ông lớn” đổ bộ vào Việt Nam không nằm ngoài chiến lược toàn cầu hóa, khi họ nhận thấy châu Á đang dần trở thành mảnh đất giàu tiềm năng, cần được khai phá. Đầu năm nay, trên trang chủ Sony Music Group, Rob Stringer - Chủ tịch hãng thu âm, cho biết: “Châu Á và Trung Đông là những động lực mới nổi của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu và là một phần quan trọng trong tiến trình lâu dài của chúng tôi”. Ngày 31.7, tờ Variety dẫn lời Calvin Wong - Giám đốc điều hành Universal Music Đông Nam Á sau buổi ký kết hợp đồng với Phùng Khánh Linh: “Đây là khởi đầu thú vị cho văn phòng mới của chúng tôi tại Việt Nam - một thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và là quê hương của nhiều nghệ sĩ tài năng”.

‘Phép thử’ dành cho nghệ sĩ trẻ

Gia nhập thị trường Việt Nam, các hãng thu âm lớn thường săn lùng tài năng trẻ chứ không phải là giọng ca đã khẳng định tên tuổi, bởi họ dồi dào năng lượng, có độ phủ sóng rộng rãi trong giới trẻ và dễ dàng khởi đầu những xu hướng mới.
Ký hợp đồng với những đơn vị quản lý hàng đầu thế giới là bước ngoặt cho nhiều nghệ sĩ Việt. Hà Lê - nghệ sĩ thuộc Sony Music Vietnam, chia sẻ việc đầu quân cho một trong những hãng thu âm hàng đầu thế giới là điều may mắn, giúp anh tiếp cận với quy trình làm việc chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế. “Tôi xây dựng được ê-kíp cho riêng mình, lên kế hoạch cho từng năm hoạt động, tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đặc biệt là cực kỳ yên tâm về mảng phát hành sản phẩm”, nam rapper nói.

Phùng Khánh Linh hóa thân thành cô gái dân tộc, diện trang phục lấy cảm hứng từ văn hóa Tây Bắc trong MV Thế giới không anh

ẢNH: NVCC

Cơ hội rộng mở cũng đồng nghĩa với việc nghệ sĩ phải nỗ lực gấp nhiều lần. Thích nghi với môi trường làm việc quốc tế là nhân tố then chốt đầu tiên quyết định sự thành công. Cuối năm 2019, Vũ Cát Tường giới thiệu album song ngữ Inner Me được thực hiện tại phòng thu United Recording - một trong những tổ hợp phòng thu thành công nhất Hollywood (Mỹ). Trong buổi họp báo, nữ ca sĩ nói phải luyện tập, chỉnh sửa nhiều lần để sáng tác và hát tốt bằng tiếng Anh như một người bản xứ thực thụ.
Bên cạnh đó, các ca sĩ cũng phải liên tục làm mới phong cách, bắt nhịp với xu hướng âm nhạc đang thịnh hành trên thế giới và thể hiện được cá tính riêng của mình. Đã từng là - ca khúc đầu tay của Thái Vũ khi trở thành nghệ sĩ của Warner Music Group, đánh dấu bước chuyển mình của anh. Nhiều khán giả nhận ra ca từ của Vũ vẫn đượm buồn như thường thấy, song cách hòa âm phối khí đã thay đổi hoàn toàn. Tương tự, Chillies với ca khúc Vùng ký ức mang đến làn gió mới nhờ sự kết hợp giữa hai dòng nhạc rock và ballad.
Tín hiệu lạc quan bước đầu cho thấy, những sản phẩm hợp tác cùng hãng thu danh tiếng vừa nhận được sự ủng hộ từ công chúng trong nước, vừa giúp ca sĩ trẻ hiện thực hóa giấc mơ tiến ra thị trường khu vực và thế giới. Tạp chí Billboard của Mỹ ngày 3.1.2020 nhận xét, album Inner Me đánh dấu cột mốc mới khi Vũ Cát Tường lần đầu tiên làm việc với ê-kíp người nước ngoài, đồng thời cho thấy khả năng sáng tác và trình diễn của cô với khán giả quốc tế. Mới đây, Phùng Khánh Linh bất ngờ được tờ Variety gọi là “hiện tượng nhạc pop Việt Nam” sau khi cô ký hợp đồng với Universal Music Vietnam và ra mắt MV Thế giới không anh.

Khẳng định bản sắc trên đường vươn ra biển lớn

Đặt chân vào khu vực châu Á, các “đại gia” trong ngành thu âm thế giới kỳ vọng nghệ sĩ sẽ trở thành cầu nối giữa họ với thị trường nội địa. Tạp chí Billboard từng dẫn lời Adam Granite - Giám đốc phát triển thị trường của Universal Music Group, cho biết hãng thu này đang thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong việc tìm kiếm và quản lý nghệ sĩ, vốn thường đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ các văn phòng xa xôi ở Mỹ hoặc châu Âu. “Chúng tôi cố gắng tránh xa cách tiếp cận cũ. Thực tế là bạn cần những người có liên quan và hiểu văn hóa địa phương, theo cách mà  sẽ không bao giờ làm được vì chúng tôi không lớn lên ở đây”, ông Adam Granite nói.

Hà Lê và tạo hình trong album Ở trọ - sản phẩm thuộc dự án Trịnh Contemporary

ẢNH: NVCC

Bản thân các nghệ sĩ Việt cũng ý thức được việc gìn giữ bản sắc riêng trên đường vươn ra biển lớn. Xu hướng đưa yếu tố truyền thống, văn hóa dân gian vào âm nhạc hiện đại đã không còn xa lạ và ngày càng được ưa chuộng. Phùng Khánh Linh đưa hình ảnh văn hóa Tây Bắc và những địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội vào trong MV Thế giới không anh - sản phẩm đầu tiên cô hợp tác với Universal Music Vietnam.
Trước đó, Hà Lê tạo được sức hút riêng với dự án Trịnh Comtemporary ra mắt vào tháng 5.2020. Ca sĩ tiết lộ, Sony Music tạo điều kiện tốt nhất để anh tập trung cho âm nhạc và khuyến khích ý tưởng sáng tạo từ chất liệu truyền thống, như việc làm mới nhạc Trịnh bằng âm nhạc điện tử. Nam rapper chia sẻ thêm: “Việc hội nhập với thị trường quốc tế là điều tất yếu, nhưng ta chắc chắn phải có màu sắc riêng của mình trước và đó là điều mà Sony Music luôn định hướng cho nghệ sĩ của họ”.
Có thể thấy, sự xuất hiện của các hãng thu âm ngoại không chỉ mở ra cơ hội cho nghệ sĩ Việt, mà còn đem đến bài học cho các hãng thu âm trong nước. Đó là cách thức chuyên nghiệp hóa quy trình từ xây dựng chiến lược, kết nối nhà đầu tư, quản lý tài chính... đến sản xuất, phân phối, quảng bá, quản lý bản quyền... một tác phẩm hoàn chỉnh; từ đó tạo ra được một hệ sinh thái âm nhạc riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.