Nữ tuyển thủ quốc gia Thái Thị Hồng Gấm đã có bước chuẩn bị cho tương lai của mình với một shop bán đồ thể thao ngay tại nhà và chuẩn bị mở cửa hàng cung cấp sản phẩm đa dạng hơn.
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 13: “Hotboy” taekwondo khoác áo nhiếp ảnh gia
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 12: Xạ thủ làm bà chủ cửa hang
|
Tự nhận mình không phải là dạng người có máu kinh doanh, mơ ước trước đây của Gấm vẫn thích được làm HLV cầu lông sau khi giải nghệ nhiều hơn. Tuy nhiên, với những suy nghĩ về tương lai bên cạnh thực tế là kiếm thêm thu nhập, cộng với những lời khuyên của bạn bè và đàn anh đàn chị đi trước, Hồng Gấm bắt đầu làm quen với “cuộc phiêu lưu” mới: mở shop bán đồ thể thao. Gặp Gấm ở ngôi nhà của chính cô tại một chung cư Q.Tân Bình với ngập đầy những cây vợt cầu lông, áo cùng những đôi giày xếp trên kệ và kể cả cái máy đan vợt để kiếm thêm chút tiền công, nữ tuyển thủ cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, tôi cùng một người bạn mở shop bán đồ thể thao trên đường 3 Tháng 2. Tuy nhiên, sau một năm làm việc với nhau tôi đã rút vốn để tự làm riêng ngay tại nhà mình”. Khi tách ra, Gấm đã gặp rất nhiều khó khăn bởi buôn bán ở nhà khó khăn hơn trong việc tìm những khách hàng mới. Dù vẫn có khách quen đến tận nhà Gấm mua đồ, nhưng chả đáng bao nhiêu bởi không phải ai cũng có thể gửi xe để đi lên tận tầng 13 mua một cái áo hoặc đôi giày nếu không quen biết Gấm. Để có thể kinh doanh được, ngoài những đồng nghiệp quen biết ủng hộ, cô còn đi đến các CLB cầu lông trong thành phố tiếp thị và nhờ cả học trò mình giới thiệu. Tuy nhiên, Gấm cho biết cách tiếp thị mạnh mẽ nhất hiện nay là bán hàng online và quảng cáo sản phẩm trên Facebook.
Chính vì vậy, phần lớn những giao dịch của Gấm với khách hàng thường qua điện thoại hoặc chat. Nếu đang tập luyện hoặc dạy thêm thì Gấm điện thoại cho người nhà đem hàng giao cho khách. Hồng Gấm tâm sự: “Với sự cạnh tranh quyết liệt của các cửa hàng trong thời buổi kinh tế khó khăn, phải nắm được tôn chỉ khách hàng là thượng đế, được phục vụ tận răng. Nhiều lúc chỉ một cuộc điện thoại khách sẽ có được ngay một món đồ dù chỉ là một cái áo hoặc một cây vợt gửi đan dây mà không cần đến cửa hàng”. Lợi thế duy nhất của Gấm ở chỗ cô là tay vợt chuyên nghiệp nên sẽ tư vấn cho những người mới chơi tìm được một món hàng phù hợp hơn. Hồng Gấm bảo: “Chỉ cần việc bán hàng thuận lợi, tôi sẽ tích cóp để hy vọng sẽ mở rộng cửa hàng của mình to lớn hơn”. Hiện nay sau vài tháng rong ruổi tìm cho mình một mặt bằng kinh doanh thuận tiện, Gấm đã chấm được một địa điểm rất ưng ý để thuê và mở thêm cửa hàng trên đường Lữ Gia. Đó cũng là nơi rất gần chỗ tập luyện và dạy thêm của Gấm.
Cô gái tuyển thủ cầu lông cho biết nhờ có thêm nghề kinh doanh nên yên tâm hơn trong việc duy trì tập luyện cùng đội tuyển, thỏa mãn ước mơ lớn nhất là chơi cầu lông của mình. Gấm nói: “Kinh doanh chỉ là công việc buộc phải làm để nuôi ước mơ và hoài bão trở thành HLV thôi”. Tuy nhiên việc làm thêm nghề tay trái cũng đã ngốn không ít thời gian của Gấm bởi khi là vận động viên, tất cả mọi giấy tờ đều đã có HLV hoặc lãnh đạo lo. Còn khi kinh doanh, tất cả mọi thủ tục cô đều phải tự “chạy”, từ tiếp xúc với chính quyền, làm thủ tục thuế, hợp đồng hoặc thuê mặt bằng. Và một điều cũng khiến các vận động viên khi tập tành kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn chính là cách tiếp xúc và sự năng động trong môi trường mới không bằng những người kinh doanh chuyên nghiệp. Tuy vậy, tay vợt nữ 27 tuổi vẫn mong muốn trở thành nhà phân phối độc quyền hay đại lý cho một hãng thể thao nào đó chuyên về cầu lông. Cô cho biết những hãng lớn hiện tại đều đã có nhà phân phối và cũng rất khó chen chân vào. Trong khi đó, những hãng mới có mặt ở Việt Nam thì cô chưa tìm ra “cầu nối” để thương lượng.
Minh Tân
>> Đôi Bảo Đức - Hồng Gấm được xếp hạt giống số 3
>> Bảo Đức - Hồng Gấm vô địch đôi nam nữ
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 11: Pha cà phê ngon khó hơn đá bóng
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 10: Sân Vườn Xoài của thủ môn Quang Huy
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 9: Quán phở của Danh Ngọc
>> Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 8: Ngôi sao điền kinh đi dạy quần vợt
Bình luận (0)