Nghệ thuật cân bằng quan hệ với các nước lớn

Phan Xuân Dũng
(nghiên cứu sinh ngành quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Úc)
23/07/2024 07:15 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một di sản đối ngoại to lớn và sâu sắc cho Việt Nam.

Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp.

Có thể nói, Tổng Bí thư đã định hình và vận dụng thành công nghệ thuật cân bằng quan hệ với các nước lớn cho Việt Nam.

Nghệ thuật cân bằng quan hệ với các nước lớn- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19.11.2023

TTXVN

Ngoại giao cây tre

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14.12.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Việt Nam đã xây dựng nên "trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển",... thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam".

Ngoại giao Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát là "kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc". Tư tưởng này đã được thể hiện xuyên suốt trong cách tiếp cận của Tổng Bí thư trong việc xử lý hài hòa, đúng đắn và hiệu quả quan hệ với các nước lớn.

Nghệ thuật cân bằng quan hệ với các nước lớn- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 12.12.2023

TTXVN

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cách ứng xử mềm dẻo và linh hoạt, vừa kiên định bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư năm 2011, hai nước đã ký kết Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Điều này thể hiện chủ trương của Việt Nam trong giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tháng 1.2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trong đó hai bên nhấn mạnh sẽ kịp thời trao đổi, giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, duy trì đà phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung. Tiếp đó, tháng 10.2022, ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết quản lý tốt bất đồng trên biển thông qua đối thoại và tham vấn. Tiếp nối những kết quả này, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12.2023, hai bên đã làm sâu sắc hơn quan hệ với Tuyên bố chung về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ và được đón tiếp tại Nhà Trắng. Chuyến thăm được đánh giá là "chuyến thăm lịch sử", mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung, thể hiện quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác về các vấn đề khu vực, quốc tế.

Năm 2023, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden đã đánh dấu một bước ngoặt nữa trong quan hệ Việt - Mỹ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Quyết định này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư trong việc tận dụng cơ hội hợp tác với các nước lớn để phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đáng chú ý, khuôn khổ hợp tác mới không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại, mà còn mở rộng sang những lĩnh vực then chốt của thế kỷ 21 như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, lĩnh vực bán dẫn và chip.

Nghệ thuật cân bằng quan hệ với các nước lớn- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh chung trước khi tiến hành hội đàm, ngày 10.9.2023

TTXVN

Bên cạnh việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ truyền thống hữu nghị với Liên bang Nga. Năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, củng cố quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đáng chú ý, vào tháng 6.2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt - Nga mà còn thể hiện sự khéo léo của Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.

Kiên định "bốn không"

Trước cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, gây áp lực chọn bên cho Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước lớn rằng Việt Nam kiên định thực hiện chính sách "Bốn không": không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính nhờ kiên định trong những nguyên tắc này mà Việt Nam duy trì được tự chủ chiến lược, đồng thời khẳng định uy tín "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự tiếc thương sâu sắc không chỉ từ nhân dân Việt Nam mà còn từ cộng đồng quốc tế, trong đó có nguyên thủ các nước lớn. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để viếng và ghi sổ tang. Trong bài viết tại sổ tang, ông Tập đã gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc", khẳng định những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Trung. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gửi lời chia buồn, ca ngợi Tổng Bí thư là "người ủng hộ mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Mỹ và Việt Nam". Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thư chia buồn đã nhấn mạnh: "Nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư như một người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội".

Sự chia sẻ, đánh giá cao của lãnh đạo các nước không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn phản ánh thành công của nghệ thuật cân bằng quan hệ với các cường quốc mà Tổng Bí thư đã đặt nền móng và duy trì trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc kế thừa và phát huy di sản đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là tư tưởng ngoại giao cây tre, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Nâng đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã đạt "nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với tập thể Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo các vấn đề đối ngoại quan trọng, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, đánh giá, dự báo sát và đúng tình hình, "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế", để linh hoạt "biết cương, biết nhu", "biết tiến, biết thoái" trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Một trong những "di sản" đối ngoại mang dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc chúng ta không chỉ giữ vững "trong ấm, ngoài êm" để phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế đang trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, mà còn nâng lên tầm cao mới với chất lượng mới, nội hàm chiến lược mới, độ tin cậy chính trị cao hơn và hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trong quan hệ với các nước láng giềng, các cường quốc hàng đầu, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống cũng như uy tín, vị thế mới của Việt Nam trên cả bình diện song phương và đa phương. Những thành tựu này đã góp phần khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư luôn để lại cho các đối tác, bạn bè quốc tế ấn tượng tốt đẹp về một nước Việt Nam phát triển năng động, giàu văn hiến, hòa hiếu, đề cao chính nghĩa, lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế, ứng xử có lý, có tình, là bạn bè thủy chung, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; về hình ảnh một nhà lãnh đạo có uy tín lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy sắc bén, ứng xử mẫu mực, tinh tế, chân thành, gần gũi và giản dị.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.