Nghệ thuật đường phố sôi động trở lại

07/08/2022 07:30 GMT+7

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã sôi động trở lại tại các thành phố lớn.

Tổ chức trình diễn định kỳ

Sở VH-TT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM cho phép tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố định kỳ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, giai đoạn 2022 - 2025, nhằm tăng thêm các hoạt động phục vụ người dân và thu hút du khách.

Các nghệ sĩ biểu diễn vũ điệu chim lạc, trống đồng tại carnival đường phố Sun Fest ở Đà Nẵng

Nguyễn Tú

Cụ thể, Sở đề xuất tổ chức các chương trình định kỳ từ tháng 8 này vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần tại 2 vị trí: trước tòa nhà Sun Wah và giao lộ Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (nhằm đảm bảo âm thanh các chương trình biểu diễn không bị ảnh hưởng lẫn nhau).

Theo Sở VH-TT TP.HCM, việc tổ chức trở lại các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm tại TP, làm mới và phong phú thêm các hoạt động tại không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng như duy trì loại hình nghệ thuật đường phố đã được tổ chức nhiều năm trước đây, như trình diễn của các ban nhạc, nhóm nhảy và các loại hình khác như xiếc, ảo thuật, thể thao nghệ thuật, âm nhạc dân gian, cổ điển... Tổ chức các hoạt động mang tính chất nhỏ gọn, tiếp cận gần gũi và tương tác cao với khán giả như: biểu diễn nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hát bội tại Bảo tàng Lịch sử, biểu diễn nghệ thuật trước tiền sảnh Nhà hát TP.HCM sáng cuối tuần, trình diễn nhóm nhạc tại khu vực Đường sách Nguyễn Văn Bình, trước Bưu điện Thành phố, trình diễn nghệ thuật đường phố tại một số địa điểm thuộc Q.10 hay dự án nghệ thuật cộng đồng Thành phố tình yêu - Lively Saigon tổ chức tại Công viên Lam Sơn và một số địa điểm văn hóa, lịch sử khác trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đại diện một công ty du lịch cho biết mong muốn có thông tin cụ thể để sớm đưa vào kế hoạch tour, vì hoạt động biểu diễn ở phố đi bộ nếu tổ chức định kỳ, dài lâu và thực sự hiệu quả, sẽ không chỉ là sản phẩm văn hóa du lịch “tặng kèm” trong hành trình khám phá thành phố mà còn trở thành không gian giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc đến du khách quốc tế.

Biểu diễn nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nhật Thịnh

Nhà hát “xuống đường”

NSND Trần Quốc Chiêm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng tại thủ đô, các hoạt động nghệ thuật đường phố chủ yếu tập trung ở khu phố đi bộ Hồ Gươm. Ngay từ những ngày đầu phố đi bộ hoạt động, Sở VH-TT đã xây dựng một số kế hoạch biểu diễn tại đây. Theo đó, có những chương trình của các tổ chức, cá nhân xin tổ chức và có những chương trình do các nhà hát thuộc Sở thực hiện.

“Các khán giả, nhất là khán giả nước ngoài, thường thích chương trình của các nhà hát truyền thống. Chúng ta có chèo và xẩm được biểu diễn thường xuyên. Chèo biểu diễn gần đền Bà Kiệu, còn xẩm thì ở phía đền thờ vua Lê. Hai chương trình này thường diễn buổi tối. Cũng có thêm chương trình của Nhà hát kịch Hà Nội nữa”, ông Chiêm nói.

Đường phố Đà Nẵng trở nên tưng bừng nhờ đoàn xe diễu hành trong suốt mùa hè 2022

S.X

Những chương trình nghệ thuật đường phố này bị đứt đoạn do dịch Covid-19. Tới tháng 4.2022, Sở VH-TT đã nối lại việc các nhà hát “xuống đường”. Theo đó, lúc 20 giờ tối thứ bảy và chủ nhật 2 tuần đầu tháng, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội có chương trình biểu diễn các tiết mục nghệ thuật xiếc và tạp kỹ tại sân khấu khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu. Cùng lúc, Nhà hát kịch Hà Nội sẽ biểu diễn các trích đoạn, các tiểu phẩm kịch ngắn tại trước rạp Công Nhân trên phố Tràng Tiền, Nhà hát múa rối Thăng Long múa rối ngay cửa nhà hát. Nhà hát Chèo được phân công biểu diễn tối thứ sáu, thứ bảy của 2 tuần đầu tháng tại sân khấu đền Bà Kiệu; Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn cải lương, dân ca… trước cửa rạp Chuông Vàng. Hai tuần cuối tháng, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn ca múa nhạc tại sân khấu khu vực đền Bà Kiệu… Mới nhất, tháng 7.2022, Nhạc hội Cảnh sát ASEAN cũng đã diễn ra tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ Hồ… rất thu hút công chúng.

Một nhà nghiên cứu đánh giá không gian phố đi bộ là nơi rất thích hợp với các hoạt động nghệ thuật kiểu cộng đồng phục vụ cộng đồng. “Nghệ thuật dân gian là cực hay. Miền quê có nhiều cái hay lắm. Hà Nội mời các tỉnh về, điều phối các hoạt động đó thì vừa giới thiệu được nghệ thuật truyền thống, vừa đông người xem. Tuy nhiên, nó sẽ thách thức khả năng điều phối, tham gia mạng lưới của cán bộ quản lý văn hóa Hà Nội”, ông chia sẻ.

Hát xoan ở phố đi bộ hồ Gươm

Phan Huy

Những chuỗi nghệ thuật đường phố đặc sắc ở Đà Nẵng

TP.Đà Nẵng vừa kết thúc carnival đường phố Sun Fest, lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện Take me to the Sun kéo dài 1 tháng nằm trong khuôn khổ lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022” do Sở Du lịch TP.Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức. Carnival đường phố diễn ra vào các tối thứ bảy, chủ nhật, quy tụ 10 xe diễu hành trang hoàng lộng lẫy cùng gần 160 vũ công, trong đó có 76 vũ công và nghệ sĩ quốc tế. Tại mỗi điểm dừng, khán giả được xem các vũ công múa lửa, trình diễn trống malambo cùng nhiều màn biểu diễn hấp dẫn khác.

Trước đó cũng đã có nhiều hoạt động tương tác nghệ thuật đường phố về đêm như Light up Đà Nẵng với các phần thi hip-hop, Kpop cover, DJ show, nhảy flashmob… Du khách đến với TP đã có những ngày hè tưng bừng và sôi động trên các nẻo đường khám phá Đà Nẵng về đêm.

Ngay từ đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn, gồm 13 hoạt động định kỳ, 36 hoạt động thường niên và 1 hoạt động khác. Xuyên suốt cả năm, TP.Đà Nẵng có nhiều chương trình về đêm như vũ hội đường phố, âm nhạc đường phố, hát dân ca, hô hát bài chòi và biểu diễn âm nhạc dân tộc, ảo thuật đường phố…

Nơi nghệ thuật tương tác với cộng đồng

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ một trải nghiệm thú vị về nghệ thuật đường phố ở hồ Gươm cách đây mấy năm. Khi đó, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) tổ chức một chương trình triển lãm ASEAN gần phố đi bộ và có mời các nghệ nhân hát xoan Phú Thọ đến giới thiệu di sản đã được UNESCO ghi danh này. Sau đó, các nghệ nhân tràn ra phố đi bộ biểu diễn. “Khi đó, nhiều người đứng lại xem, dần dần thu hút rất đông người. Tôi nghĩ phố đi bộ là nơi thích hợp để tạo các tương tác nghệ thuật với cộng đồng”, ông Bình nói.

Trinh Nguyễn

Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết từ năm 2016 danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn đã được UBND TP.Đà Nẵng ban hành (mỗi năm có sự điều chỉnh nên tiếp tục ký ban hành danh mục mới), qua đó đã huy động các lực lượng nghệ sĩ tham gia phục vụ cộng đồng. Chuỗi hoạt động này cùng với carnival đường phố đã góp phần thu hút du khách thông qua các chương trình nghệ thuật từ truyền thống đến đương đại đặc sắc.

Theo bà An, thời gian tới Sở VH-TT tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn. Sở cũng đang tìm kiếm, nghiên cứu các hoạt động mới, hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc và mở rộng không gian về phía khu vực Hòa Xuân, cầu Thuận Phước… để chuỗi sự kiện dài ra, giúp người dân và du khách có thêm điều kiện thưởng thức nghệ thuật đường phố.

“Cuối năm 2021, TP đã ban hành đề án các lễ hội gắn với chuỗi hoạt động về đêm. Đề án sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội… đến năm 2025, Sở VH-TT đang kết nối với các doanh nghiệp”, bà An nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.