Nghệ thuật hay kiếm hiệp

01/10/2015 10:05 GMT+7

Tám năm vắng bóng kể từ Three times, nhà làm phim nghệ thuật lừng danh Hầu Hiếu Hiền đã quay trở lại bằng tác phẩm kiếm hiệp đầu tiên của mình - The Assassin (tựa tiếng Việt là Thích khách Nhiếp ẩn nương ). Bộ phim đã đem về cho Hầu Hiếu Hiền giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes vừa qua, đồng thời đại diện cho điện ảnh Đài Loan tham gia tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar sắp tới.

Tám năm vắng bóng kể từ Three times, nhà làm phim nghệ thuật lừng danh Hầu Hiếu Hiền đã quay trở lại bằng tác phẩm kiếm hiệp đầu tiên của mình - The Assassin (tựa tiếng Việt là Thích khách Nhiếp ẩn nương). Bộ phim đã đem về cho Hầu Hiếu Hiền giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes vừa qua, đồng thời đại diện cho điện ảnh Đài Loan tham gia tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar sắp tới.

Bộ phim lấy bối cảnh cuối đời nhà Đường của Trung Quốc thời điểm mà quyền lực triều đình đang bị lung lay. Nhiếp ẩn nương xuất thân là con gái của vị quan dưới quyền Ngụy Bác. Ở tuổi lên mười, nàng bị một vị đạo cô vốn là công chúa đương triều đưa đi. Mười năm sau, Nhiếp ẩn nương trở thành một nữ sát thủ vô cùng lợi hại. Sau thất bại vì lỡ động lòng trắc ẩn, Nhiếp ẩn nương bị sư phụ phạt bằng một mệnh lệnh mới - trở về Ngụy Bác để ám sát kẻ đứng đầu Điền Quý An. Đây chính là người đã phụ hôn ước với Nhiếp ẩn nương năm nào... Nếu cố gắng tìm cho được một nội dung rõ ràng thì Thích khách Nhiếp ẩn nương cũng có chi tiết để kể. Song bởi vì tên tuổi Hầu Hiếu Hiền vẫn gắn liền dòng phim cảm giác nên ở tác phẩm lần này, người ta háo hức để xem cách ông xử lý một câu chuyện cổ trang như thế nào với thứ ngôn ngữ điện ảnh rất độc đáo của mình. Không để khán giả thất vọng, Hầu Hiếu Hiền cho thấy sự chờ đợi của nhiều nhà làm phim và khán giả yêu phim trên thế giới dành cho ông là hoàn toàn hợp lý. Hầu Hiếu Hiền, một lần nữa, đã chứng minh khả năng bậc thầy của ông qua những thước phim đẹp mê hồn và cái trạng thái u uất xuyên suốt phim mà chỉ những đạo diễn xuất sắc trong việc thấu hiểu con người như Hầu Hiếu Hiền mới làm được. Riêng về mặt xúc cảm, Thích khách Nhiếp ẩn nương tạo ra cho người xem một cảm giác tương tự như lúc xem phim đoạt giải Cành cọ vàng năm ngoái là Winter sleep, tức là ngưỡng mộ nhưng không phấn khích.
Nếu bỏ qua cái mác kiếm hiệp, có thể nhận thấy ở tuổi sáu mươi tám, Hầu Hiếu Hiền đã bắt đầu thể hiện sự cầu toàn. Bằng chứng rõ nhất là qua sự kết hợp với nhà quay phim tài năng Mark Lee Ping Bing lần này, Hầu Hiến Hiền có lẽ đã có được bộ phim đẹp nhất trong sự nghiệp đạo diễn của mình. Không khó để tìm thấy Mark Lee Ping Bing ngay từ những thước phim mở màn, mà điều này thì làm gợi nhớ đến một Mark Lee Ping Bing khi làm phim với Vương Gia Vệ và Trần Anh Hùng hơn là làm cùng Hầu Hiếu Hiền. Một mặt, trong Thích khách Nhiếp ẩn nương, đạo diễn họ Hầu đã quay trở về những tác phẩm thời kỳ đầu của ông, điển hình là việc ông sử dụng toàn cảnh rất nhiều, khác với những phim được làm trong hơn một thập niên qua của ông. Vẻ toàn mỹ của bộ phim làm người xem tự hiểu lý do khiến bộ phim tiêu tốn tới tận bảy năm trời. Mọi thứ đều hoàn hảo, ngay cả cái dung nhan đã bị làm cho xấu đi, phải nói là xấu nhất từ trước đến giờ của Thư Kỳ. Không một giây phút nào người xem thoát ra được nỗi bứt rứt mà bộ phim đem lại. Những thứ ấy trả lời cho câu hỏi, tại sao không phải những tác phẩm được đánh giá là truyền cảm hứng cho hầu hết những nhà làm phim nghệ thuật như Good men, good women, Goodbye south, goodbye!, Flowers of Shanghai hay Millennium Mambo mà chính là The Assassin lại giúp cho Hầu Hiếu Hiền đoạt giải thưởng danh giá kia. Mặt khác, chính sự chú tâm quá vào cái đẹp theo mực thước của Hầu Hiếu Hiền, nhấn mạnh lại đã sáu mươi tám tuổi và bắt đầu thể hiện sự cầu toàn, chứ không phải là phong cách trì hoãn mới làm bộ phim trở nên bớt thú vị.
Nghệ thuật hay kiếm hiệp 2
Đấy là so sánh Hầu Hiếu Hiền với chính ông. Thích khách Nhiếp ẩn nương là biến kiếm hiệp thành arthouse hay ngược lại? Đã có một số đạo diễn làm phim nghệ thuật tên tuổi của Hoa ngữ thành công ở việc lấn sân sang mảng kiếm hiệp, dù người viết không đánh giá cao lắm những tác phẩm ấy như Lý An với Ngọa hổ tàng long hoặc Trương Nghệ Mưu với Thập diện mai phục. Thích khách Nhiếp ẩn nương của Hầu Hiếu Hiền giống với trường hợp Đông tà Tây độc của Vương Gia Vệ hơn, ở việc cả hai đều vẫn giữ được ngôn ngữ điện ảnh nhất quán của mình, và ở chỗ ít giống kiếm hiệp nhất, dù đạo diễn họ Hầu đã sử dụng lối thoại đậm chất cổ điển của Trung Quốc. Thật ra, đó lại là một điều may mắn cho những người lỡ yêu phong cách làm phim của Hầu Hiếu Hiền. Sự khắc kỷ và tinh thần đương đại của vị đạo diễn đã góp phần làm thay đổi diện mạo điện ảnh Đài Loan, không cho phép Thích khách Nhiếp ẩn nương trở thành con mồi cho những tiệc phim phương Tây - nơi tôn sùng cái lạ đến cực đoan, đôi khi là lố bịch. Nó không lấy một cái chất gì đấy mà chỉ Trung Quốc mới có ra lôi kéo sự chú ý. Nó đạt tới một tiếng nói độc lập và đáng tin cậy, giữa muôn vàn tiếng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.