Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh

15/12/2021 17:53 GMT+7

Di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lúc 17 giờ 11 phút ngày 15.12, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những vòng xòe không có giới hạn số lượng người tham gia

tl

Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc.

Xòe Thái được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Xòe Thái cũng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đáp ứng 5 tiêu chí để ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thứ nhất, di sản Xòe Thái đi kèm với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành xòe. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể là nhạc công trong các cuộc xòe.

Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người với mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau. Trẻ em học xòe từ ông bà, cha mẹ. Các thầy cúng truyền dạy xòe cho các con nuôi. Các nghệ nhân và những người thực hành xòe còn truyền dạy trong các đội văn nghệ, các trường phổ thông và trường nghệ thuật.

Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp tết đến xuân về, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người.

Thứ hai, ở cấp độ địa phương, sự ghi danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái, cũng như về di sản văn hóa nói chung của cộng đồng. Sự ghi danh sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thể hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Ở cấp độ quốc gia, sự ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam. Sự ghi danh cũng sẽ tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Sự ghi danh khẳng định chính sách bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa.

Ở cấp độ quốc tế, sự ghi danh sẽ nâng cao tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Sự ghi danh tăng cường đối thoại giữa các đội văn nghệ và cộng đồng người Thái. Sự ghi danh cũng góp phần làm cho nhiều biểu đạt sáng tạo văn hóa được chú trọng.

Nghệ thuật Xòe Thái gắn kết cộng đồng người Thái và gắn họ với những cộng đồng khác

nhà nghiên cứu đặng hoành loan

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng tại 4 tỉnh, nỗ lực của họ trong việc thành lập các đội văn nghệ và đóng góp cho công tác nghiên cứu và xuất bản sách về di sản. Các nghệ nhân truyền đạt tri thức về xòe cho người học và nỗ lực khôi phục một số điệu xòe.

Chính phủ đã thông qua và sửa đổi, bổ sung luật Di sản văn hóa, có cả một chương về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Chính phủ vinh danh các nghệ nhân và hỗ trợ về mặt tài chính, hợp tác tổ chức ngày hội văn hóa, hội diễn, và hội thi. Nhiều biện pháp bảo vệ được đề xuất, bao gồm truyền dạy thông qua hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy, nghiên cứu, kiểm kê và tư liệu hóa. Tất cả các biện pháp đều có sự hợp tác với các nghệ nhân và người thực hành. Những người đại diện cộng đồng cũng tham gia vào quá trình xây dựng hồ sơ ghi danh và nhận diện, đề xuất các biện pháp bảo vệ.

Thứ tư, hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong nghiên cứu, tư liệu hóa và kiểm kê vào năm 2017 - 2018, sau đó sửa lại hồ sơ vào năm 2019 và có sự tham gia của cộng đồng trong việc chỉnh sửa. Quá trình làm hồ sơ có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các Sở VH-TT-DL, kết hợp với đại diện của các đội văn nghệ ở các làng bản, huyện, thị trấn trong 4 tỉnh. Thư đồng thuận của cộng đồng được triển khai rộng rãi, phản ánh sự tham gia đông đảo của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân liên quan.

Thứ năm, những thành tố khác nhau của di sản Xòe Thái được đưa vào Danh mục kiểm kê quốc gia vào những năm 2014 và 2016. Di sản được đưa vào Danh mục kiểm kê của Ngân hàng dữ liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam vào năm 2016. Ngân hàng dữ liệu được cập nhật hàng năm dựa vào những số liệu của các dự án di sản văn hóa phi vật thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia với sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Theo Bộ VH-TT-DL, việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Nghệ thuật này thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.