Nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu: "Làm ơn hát đúng tông được không?"

16/10/2022 10:00 GMT+7

Đi dự đám cưới , một trong những điều phát rầu, nhức đầu nhất có lẽ là phải chịu đựng những màn thể hiện âm nhạc một cách... thảm họa.

Có thể khẳng định, ở 100% đám cưới đều có chương trình văn nghệ. Khi những món ăn được bưng bày lên bàn, là lúc ai cũng có thể trở thành... "ca sĩ" bước lên sân khấu để góp lời ca tiếng hát. Để rồi, dù những "sơn hào hải vị" hiện diện trước mắt, nhưng nhiều người... "nuốt không trôi, ăn không vô" mà chỉ muốn... bịt tai lại để không nghe thấy những màn... "hát không ra hát, vè chẳng ra vè".

Nhiều người rất mê hát ở đám cưới bất kể khả năng hát hay hoặc dở

Q.P

"Nhạc đi đường nhạc, lời đi đường lời"

Nguyễn Kim Cương (cựu SV Trường ĐH Văn Lang) nhớ lại chuyện cách đây chưa đầy nửa tháng, khi dự đám cưới của người bạn cùng quê tại một nhà hàng ở Q.Tân Bình. "Đi đám cưới mà tưởng đang xem chương trình... Giọng ải giọng ai. Bởi có nhiều người dù không có khiếu ca hát vẫn tự tin đăng ký cầm mic hát một cách say sưa. Khổ nỗi, đã hát không hay mà hát đến hai, ba bài liên tục. Nghe mà phát nản", Cương kể.

Chuyện của Cương khá phổ biến, khi nhiều người cũng từng là khán giả bất đắc dĩ, dù muốn dù không cũng phải chịu đựng nghe những màn trình diễn hát mà như... đọc. "Mà ngộ lắm, nhiều người thích hát một cách lạ lùng. Họ đăng ký hát cho bằng được trong các đám cưới. Và khi tới lượt, được MC gọi tên lên sân khấu, đã hát một cách... trớt hoớt", Nguyễn Thị Thùy Sinh (27 tuổi, làm việc ở Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.HCM), cho biết.

"Có lần, một anh chàng cũng đẹp trai bước lên sân khấu, nghe giới thiệu về tên ca khúc, tên nhạc sĩ... một cách trôi chảy, cũng tưởng anh chàng này hát hay lắm. Đâu có ngờ, nhạc đi đường nhạc mà lời đi đường lời. Nhạc đã ra đến Bình Thuận mà lời chỉ mới tới Đồng Nai", Hoàng Thị Diệu Linh (30 tuổi, làm việc ở một công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM), tỏ ra ngán ngẩm.

Nhiều người dù hát không hay nhưng rất tự tin cầm mic để... hát mà như đọc

X.P

Cũng theo Linh, lần đó khi anh chàng đang mải mê chìm đắm trong những giai điệu nhạc, thì ở phía dưới, nhiều người tỏ ra khó chịu: "Hát gì dở dữ vậy trời?", "Hát vậy mà cũng hát". Cũng có người bảo: "Hát không hay không quan trọng. Nhưng có thể nào làm ơn hát vô nhịp, hát đúng không được không"... Và rồi, sau hơn 4 phút, khi anh chàng đã thể hiện xong màn trình diễn, mọi người vỗ tay rào rào. "Không phải để ngợi khen, mà vỗ tay vì... mừng quá. Kiểu như mừng vì cuối cùng anh chàng ấy cũng "hát" xong, đã đưa bài hát về... đến bờ, và mừng vì không phải nghe một giọng ca... í ẹ đến vậy", Linh nói.

Có những người trẻ cũng kể, nhiều khi đi đám cưới mà... quạu. Quạu chỉ vì rơi vào tình cảnh chẳng đặng đừng, phải nghe những: Đồi thông hai mộ, Đắp mộ cuộc tình... trong một không khí hân hoan, tươi vui như đám cưới. "Dù có thể hát những bài hát không hợp với đám cưới, nhưng thà hát hay cũng đỡ. Đằng này, đã chọn bài hát... trật quẻ mà còn hát lạc nhịp nữa thì... đúng là mệt mỏi toàn tập", anh Lê Nguyên Phương (32 tuổi, nhà ở Block A10, chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM), tâm sự.

Những đám cưới luôn không thể thiếu những tiết mục văn nghệ

Q.P

Cãi nhau hầm bà lằng

Có nhiều người còn kể, không những nhức đầu vì phải nghe những màn thể hiện khả năng âm nhạc "khó có thể... dở hơn", mà còn nhức đầu vì phải chứng kiến những tình cảnh trời ơi đất hỡi. Mà nguyên nhân chính cũng liên quan đến chương trình âm nhạc ở đám cưới.

"Hồi tháng 3 có đi dự đám cưới người cùng ty tại một nhà hàng nổi tiếng ở Q.4. Đang ăn uống, tự nhiên trong bàn có người nổi sùng rồi buông lời chửi thề. Hóa ra người này đã viết phiếu đăng ký để được hát từ lúc món ăn đầu tiên vừa mới bưng ra. Vậy mà cho đến khi chuẩn bị ăn tráng miệng vẫn chưa được hát nên bực dọc, la lối", Nguyễn Công Trọng (34 tuổi, làm việc tại một công ty môi trường ở Q.7, TP.HCM), nhớ lại.

Trọng kể tiếp: "Người đàn ông ấy gọi MC lại để hỏi lý do vì sao chờ quá lâu vẫn chưa đến lượt. MC mong thông cảm, vì lượng người đăng ký quá đông. Người này lại hỏi còn mấy bài nữa thì có thể hát. MC thú thật thời gian đã "lố" nên chương trình văn nghệ phải khép lại. Thế là người đàn ông nổi cơn tam bành la lối om sòm".

Có người hát ở đám cưới mà thể hiện những ca khúc... Đắp mộ cuộc tình, Đồi thông hai mộ

X.P

Mới đây, bản thân người viết từng tham dự một tiệc cưới. Chú rể và cô dâu chỉ mới 25, 27 tuổi nên đa phần khách khứa đều trẻ. Và những màn thể hiện ca nhạc đều là những ca khúc hot, hit hiện nay. Dù người cầm mic hát những bài: Bên trên tầng lầu, Và ngày nào đó, Hạ còn vương nắng hay: Từ khi gặp em, Dù cho mai về sau... thì ban nhạc cũng "chung tần số", chơi một cách ăn khớp, ngọt xớt.

Nhưng có người lên yêu cầu ban nhạc chơi một bài... cải lương. Cả ban nhạc lập tức "đứng hình". Người chơi guitar nhìn người chơi trống. Người chơi trống nhìn người chơi cajon. Ai nấy đều nhìn nhau hoang mang: "bài này nhạc phải chơi thế nào?". Khi đại diện ban nhạc mong hãy đổi ca khúc, dù bài gì cũng được nhưng đừng là cải lương, "người đàn ông tưởng chừng sắp được hát cải lương"... không hát nữa mà... chửi oang oang vào mic: "ban nhạc ở Sài Gòn mà tệ hơn ở quê", "cái bài đấy mà đánh nhạc không được", "đánh nhạc cải lương không được mà bày đặt đi nhận sô đám cưới". Kèm theo mỗi câu là đệm những từ khó nghe. Để rồi màn cãi nhau hầm bà lằng của hai bên diễn ra gần cả 15 phút. Mọi người ngồi dưới nhìn lên ngơ ngẩn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra...

"Ớn nhất là mấy trường hợp đã ngà ngà hơi men. Được lên sân khấu cầm mic là... cầm luôn. Không cho MC lấy lại. Và sau đó hát liên tục như liveshow của họ", (Trần Đình Trung, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

"Có những khi đi đám cưới mà chưa kịp ăn uống gì phải ra về. Do không chịu nỗi những màn hát dở banh nóc", (Vũ Tuấn Cường, SV Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM).

"Mong là mọi người tự lượng sức mình, nếu đã hát dở thì đừng lên sân khấu. Vì đó không phải là "góp vui", mà là... "góp bực" cho đám cưới", (Phan Phương Phương, quản lý tại một nhà hàng tiệc cưới ở Q.Tân Bình, TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.