|
8 giờ ngâm mình trong nước
Từ khi phong trào nuôi cá tra ao hầm phát triển, nhu cầu vệ sinh ao ngày một cao đã làm phát sinh thêm nghề lặn vét đáy hầm. Ở xã Hòa Lạc và Phú Bình (H.Phú Tân, An Giang) có nhiều hộ gia đình đầu tư máy hút bùn đáy ao, hầm rồi thuê các trung niên, trai tráng phụ việc. Một số gia đình đông con, không đất sản xuất cũng ráng đầu tư máy móc, thiết bị để đi vét bùn thuê. Các “thợ lặn” không chỉ phục vụ nhu cầu của người nuôi cá trong tỉnh mà còn đi khắp các tỉnh, thành có nuôi cá tra để làm thuê kiếm sống.
Cũng như mọi ngày, anh em ông Nguyễn Văn Khởi Anh và Nguyễn Văn Khởi Em dậy từ rất sớm. Ăn vội chén cơm nguội dằn bụng, ông Khởi Anh nổ chiếc máy dầu, rồi nhanh tay kéo ống hơi ngậm vào miệng lặn xuống dưới đáy ao. Chiếc máy nổ nặng dần, khói phụt đen nghịt vì lượng bùn hút lên ngày càng nhiều. Ở trên bờ, ông Khởi Em đang canh chừng máy chạy, khi nào gặp sự cố thì chỉnh sửa ngay để công việc được trôi chảy. Đã hơn 10 năm trong nghề, anh em ông Khởi rành nghề “dọn” đáy hầm hơn ai hết. Ông Khởi Anh kể: “Trước đây, gia đình khó khăn, trong xóm nuôi cá tra nhiều nhưng chỉ có vài người làm “dịch vụ” vét đáy ao nên đắt lắm. Thấy vậy, anh em tôi mới học và đầu tư mua chiếc máy dầu, ống hơi, ống nước… tốn gần 15 triệu đồng để làm kế sinh nhai”.
Lúc mới khởi nghiệp, do chưa có kinh nghiệm nên anh em ông Khởi gặp nhiều sự cố. Một lần vừa lặn xuống, ông Khởi Anh nghe có tiếng nổ lớn trong lỗ tai. Khi ông trồi lên mặt nước, máu từ trong lỗ tai vẫn còn rịn ra, vậy là ông bị thủng màng nhĩ, phải nằm dưỡng thương gần 1 tháng. “Vì cuộc sống gia đình, anh em tôi động viên nhau tích cực “khổ luyện” hơn 2 tuần mới theo nghề được. Hầu như ai làm nghề này cũng bị thủng màng nhĩ, điếc tai mới lặn được sâu. Trung bình mỗi ngày tôi lặn khoảng 6 - 8 giờ để vét bùn thuê”, ông Khởi Anh nói.
|
Nghề gian nan
Mặc dù có sự hỗ trợ của máy nhưng công việc lặn vét bùn đáy ao, hầm hết sức cực nhọc. Vừa trầm mình dưới nước sâu vừa phải vận động liên tục để tìm bùn kéo máy đến hút. “Tưởng lặn bằng ống hơi là dễ ăn sao, mệt lả người luôn. Mỗi lần xuống nước là tôi lặn khoảng 2 tiếng, hút khoảng 3 m3 bùn mới trồi lên xả hơi một chút. Ở dưới nước lâu nên rất lạnh, không gian tối chẳng thấy gì, chỉ dùng tay mò đụng bùn ở đâu thì làm đến đó. Lúc mới vào nghề, bị chủ hầm “mắng” hoài vì hút bùn không sạch. Nhưng giờ quen rồi, một cái hầm lớn, anh em tôi vét khoảng 2 ngày là xong”, thợ lặn Nguyễn Văn Đỏ cho biết.
Lâu dần, các chủ hầm gần xa đều biết danh những thợ lặn vét đáy hầm “khét tiếng” của An Giang, như: anh Bé, Nhanh, Đen, Gọn, Sang, Lá… Hiện nay, những thợ lặn này còn sang tận Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ lãnh vét hầm mướn, có khi cả tháng mới về một lần.
Anh Bé hồ hởi: “Mấy bữa rày giá cá tra tăng vọt, mấy đại gia bên Tiền Giang “thúc” cá để bán nên thuê tụi tôi làm không xuể. Mỗi cái hầm (tùy theo lớn nhỏ) lãnh mão ăn công từ 400.000 đến 3 triệu đồng. Nghề lặn đáy hầm tuy cực nhưng bù lại thu nhập cũng ổn. Đi làm càng xa thì tiền công được lãnh càng nhiều vì ở nơi đó không có người làm. Thấy chúng tôi làm kỹ, có chủ hầm còn chơi sộp “bo” thêm tiền xe nữa. Về lâu dài chưa biết bệnh hậu sẽ như thế nào nhưng trước mắt bảo đảm cuộc sống cái đã...”.
Bảo Quốc
>> Đề nghị dừng nạo vét sông Đồng Nai
>> Ì ạch công trình nạo vét cửa biển
>> Đối thoại với dân về việc nạo vét cảng Kỳ Hà
Bình luận (0)