Thu lời cao
Phòng trào vỗ béo trâu bò bắt đầu tự phát từ vài ba hộ ở các huyện thuộc khu vực Bảy Núi. Do điều kiện nuôi thuận lợi, thời gian ngắn lại có thể kiếm tiền nhanh nên nghề này nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương khác. Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, trong dịp tết này, toàn tỉnh có khoảng 12.000 con trâu bò được vỗ béo sẽ xuất bán. Đó là chưa kể một số hộ có khả năng đứng ra mở trại cung cấp con giống và làm thêm nghề lái bò.
Một nông dân chuyên nghề vỗ béo trâu bò ở H.Tịnh Biên cho biết hầu hết số bò nuôi vỗ béo là giống bò da trắng, được các "lái bò"qua tận Campuchia mua về bán lại cho người nuôi. Tùy kích cỡ lớn nhỏ, con đực hay cái… mà bò có giá dao động từ 10 - 12 triệu đồng/con. Khi mua về, bò thường rất ốm yếu, nhưng chỉ sau 2 - 3 tháng chăm sóc, chúng sẽ mập mạp và “mướt” lên thấy rõ. Lúc đó, người nuôi thường bán lại với giá từ 14 - 17 triệu đồng/con. Nếu nuôi vỗ béo “khéo” từ 1 năm trên lên, giá bán có thể lên đến 25 - 32 triệu đồng/con.
|
Anh Trần Văn Đẳng là một hộ nuôi bò vỗ béo điển hình ở xã An Cư (H.Tịnh Biên). Hiện nay, anh có trên 10 cặp bò, phải thuê 2 người giúp việc để cắt cỏ và chăm sóc bò. Nhờ nuôi bò vỗ béo mà gia đình anh đã thoát nghèo và trở nên khấm khá. Anh Đẳng cho biết anh vừa mở rộng diện tích và mua thêm 10 con bò từ Campuchia về nuôi vỗ béo trong vòng 1 - 2 tháng để bán vào dịp tết năm nay.
Ngoài nuôi bò, ông Chau Kim (ngụ xã Ô Lâm, H.Tri Tôn) còn mua trâu về nuôi vỗ béo. Nuôi trâu, ông tận dụng sức kéo cày, đến khi nào ra vụ có thể xuất bán cho thương lái. “Thời điểm cuối năm, lượng trâu bò tiêu thụ rất mạnh. Vì vậy, 10 tháng trước đây, tôi đã qua Campuchia mua 8 con trâu ốm về nuôi vỗ béo để bán tết”, ông Kim cho biết. Tính sơ bộ từ đầu năm đến nay, ông Kim đã cho xuất chuồng được 3 lứa, mỗi lứa lời trên dưới vài chục triệu đồng. Còn lứa cuối năm nay, ông sẽ cho xuất bán vào khoảng 20 tết (âm lịch).
|
Khuyến khích nhân rộng
Anh Trần Đại Nghĩa (ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An, H.Chợ Mới) - người có kinh nghiệm trên 13 năm với nghề nuôi bò vỗ béo, chia sẻ kinh nghiệm: “Thời gian đầu mới đem trâu bò về phải thường xuyên tẩy giun sán. Tiếp đến là tiêm phòng lở mồm long móng và chích thuốc bổ cho trâu bò phục hồi sức khỏe, để chúng tiếp nhận cách vỗ béo của mình. Ngoài cỏ tươi và các phụ phẩm nông nghiệp, còn cho bò ăn dặm thêm rơm phơi khô được rưới lên ít muối. Ăn xong, cho chúng uống một ít nước muối pha loãng để giúp tiêu hóa nhanh”. Trước đây, trại bò của anh có đến 100 con, nay anh chỉ nuôi vỗ béo 50 con chờ bán rồi mới lấy tới đợt khác. Tuy nhiên, cái khó đối với anh Nghĩa hiện nay là nguồn thức ăn cho bò. Anh phải đặt mua thêm thức ăn và lập kế hoạch trồng cỏ, dự trữ rơm khô mới đáp ứng đủ cho đàn bò.
Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn cho biết: “Nuôi trâu bò vỗ béo, xuất bán trong dịp tết là công việc hết sức thiết thực, hiệu quả đối với nông dân. Một mặt, bà con có thể tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi trước đây; mặt khác, đây cũng là cơ hội cho một số hộ ít ruộng đất có công ăn việc làm ổn định và nguồn thu nhập thường xuyên”. Cũng theo lời ông Mì, hiện nay, địa phương đã mở nhiều lớp truyền đạt kiến thức chăn nuôi trâu bò để giúp bà con rút ngắn thời gian vỗ béo, tăng số lượng con trong đàn; đồng thời địa phương còn tạo điều kiện cho bà con vay vốn ngân hàng để phát triển nghề này trong những năm tới.
Đặng Ngọc
Bình luận (0)