Nhiều “đặc sản” văn hoá vùng miền của Việt Nam
Các đại biểu thanh niên Việt Nam đã mang đến toạ đàm những đặc trưng văn hoá ở từng vùng miền của Việt Nam, trong đó anh Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư tỉnh Đoàn Gia Lai mang đến không gian văn hoá cồng chiêng “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” được UNESCO công nhận.
Với nhiều hình ảnh sinh động về loại hình nghệ thuật này như: các chàng trai cô gái trong các trang phục dân tộc gắn với nhà Rông; các điệu nhảy múa, tiếng cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống…, anh Phong đã mang đến cho đại biểu một trải nghiệm thú vị về nét văn hoá truyền thống này.
|
Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Phó bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang đã giới thiệu về Đờn ca tài tử - niềm tự hào của người dân Nam bộ và vai trò của thanh niên trong việc phát huy và bảo vệ Đờn ca tài tử. Anh Thái cho biết ở Việt Nam đờn ca tài tử là "đặc sản" vùng sông nước Cửu Long. Năm 2013, “Đờn ca tài tử Nam bộ” được UNESCO vinh danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Anh Thái cũng chia sẻ về những ngôi làng cổ ở Vùng Tây Nam bộ, thể hiện kiến trúc của người Chăm và vùng đất này với các lễ hội tập tục truyền thống của người vùng Tây Nam bộ. Bên cạnh đó là văn hoá miệt vườn hình thành từ những khu du lịch sinh thái và văn hoá ẩm thực của vùng Tây Nam bộ.
Để bảo tồn văn hoá vùng Tây Nam bộ, anh Thái cho rằng, thanh niên cần phải ý thức trong việc bản tồn văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc văn hoá trên thế giới, xây dựng ý thức văn hoá, đấu tranh với những sản phẩm không lành mạnh; mỗi thanh niên cần trở thành chiến sĩ chống lại văn hoá xấu độc, thanh niên tích cực chăm sóc khu di tích lịch sử, bảo tồn văn hoá của dân tộc.
“Vai trò của nhà nước cần phổ biến giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng chính sách bảo tồn phát triển văn hoá, đấu tranh các hiện tượng phản văn hoá…”, anh Thái nói.
|
Đặc biệt tại đây chị Phạm thị Thuỳ Dung, Bí thư tỉnh đoàn Hậu Giang đã trình bày bài ca vọng cổ khiến khán phòng xúc động và ấn tượng với văn hoá vùng miền của Việt Nam.
Đội hình gìn giữ bản sắc văn hoá
Giới thiệu về thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, việc bảo tồn văn hoá là trách nhiệm của toàn xã hội và thanh niên có vai trò quan trọng. “Chúng tôi tiếp thu các tốt, loại trừ cái xấu để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, anh Tiến cho biết.
Đồng thời anh Tiến giới thiệu về thủ đô Hà Nội với tuổi đời 1010 năm, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc. Những năm qua, tổ chức Đoàn Thanh niên và thanh niên Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, ý nghĩa trong việc tham gia bảo tồn truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
|
Anh Tiến cho biết, một số mô hình, cách làm tiêu biểu của thanh niên Hà Nội để góp phần gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá văn hóa lịch sử Hà Nội có thể kể đến như: Đội hình Tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội được triển khai hoạt động tại các di tích lịch sử để giới thiệu cho du khách miễn phí về lịch sử hình thành, quá trình phát triển của di tích lịch sử đó; cũng như cung cấp các thông tin về văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến; Đội hình hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội với 300 tình nguyện viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, truyền tải những nét văn hóa tốt đẹp về Hà Nội đến với bạn bè quốc tế…
“Với mong muốn mỗi đoàn viên thanh niên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các hoạt động mà Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa lịch sử đến với những người trẻ và bạn bè quốc tế. Nhiều mô hình của Đoàn Thanh niên thành phố đã được báo chí quốc tế ghi nhận, truyền thông; nhiều mô hình đã đạt được một số giải thưởng trong nước và khu vực ASEAN”, anh Tiến cho hay.
Cách bảo tồn “đặc sản” văn hoá Nga
Các bạn trẻ Nga cũng mang đến toạ đàm nhiều nét văn hoá Nga như văn hoá du mục, với nét riêng về ẩm thực, thủ công mỹ nghệ… Để bảo tồn văn hoá du mục các bạn trẻ Nga xây dựng dự án Tiếng gọi trái đất từ lễ hội các dân tộc du mục. Đồng thời cung cấp thông tin truyền thông trên mạng xã hội; xây dựng các bài giảng lớp học, chiếu phim chủ đề dân tộc; tổ chức các tour du lịch dân tộc thông minh; xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu bán sản phẩm dân tộc.
|
Đại diện Trường đại học Phát triển nhân văn xã hội (Nga) đã chia sẻ về Dự án “Đất nước trong mắt bạn”, nhằm lan toả trong giới trẻ phong trào tìm hiểu về sự đa dạng sắc tộc và giúp người dân thành thị làm quen với văn hoá truyền thống và sự phát triển cộng đồng trẻ ở các vùng hẻo lánh ở Nga. Dự án “Trên con đường tình bạn” kết nối các bạn trẻ ở nhiều nước trên thế giới khác nhau để bảo vệ sự đa dạng, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ của các dân tộc…
Đặc biệt nhiều tiết mục thể hiện văn hoá Nga - Việt đã được biểu diễn tại toạ đàm mang đến cho đại biểu những trải nghiệm thú vị về đa dạng văn hoá Việt -Nga.
Bình luận (0)