Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 3: Nghệ nhân cuối của gánh tuồng cổ

21/08/2013 03:20 GMT+7

Gánh hát tuồng Đức Giáo từng làm nức lòng bao nhiêu người ái mộ khắp xứ Quảng giờ chỉ còn một nghệ nhân ở tuổi gần đất xa trời.

>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 2: Bặt tiếng xe tơ xứ tầm tang

Làng Nhị Ca

Trước khi lâm cảnh thoái trào kể từ sau một trận bom ác liệt năm 1972, Đức Giáo (nay là thôn Khánh Đức, xã Quế Châu, H.Quế Sơn, Quảng Nam) nổi tiếng là một gánh tuồng mang nhiều phước lành đến các xóm làng. Vậy nên, Đức Giáo không đến thì thôi, chứ đã đến đâu thì già trẻ, gái trai nườm nượp đổ về xem cho kỳ được. Tuồng hay đến mức ngày nay người ta vẫn còn nhắc lại chuyện, nhiều thiếu nữ sẵn sàng bỏ cả việc nhà, chấp nhận bị ba mẹ rầy la để đi xem gánh tuồng biểu diễn. Nhưng không chỉ thế, thời kỳ huy hoàng của nghề hát tuồng Đức Giáo còn có một “dấu son” quan trọng: được triều đình nhà Nguyễn phong là làng Nhị Ca (chỉ đứng sau tuồng Cung đình Huế).

Ông Huỳnh Hoa tìm lại dấu tuồng xưa trong những lần làm 'tổng' đám ma - d
Ông Huỳnh Hoa tìm lại dấu tuồng xưa trong những lần làm 'tổng' đám ma - Ảnh: H.S 

Nhớ lại chuyện xưa, nghệ nhân Huỳnh Kiệt (83 tuổi) tự hào kể: “Quanh năm suốt tháng, người làng tôi lúc ở nơi này, khi ở nơi khác biểu diễn tuồng để mưu sinh. Cha tôi kể, vì tiếng thơm hát bội lan ra đến Huế nên có lần vua Nguyễn cho mời gánh hát Đức Giáo ra kinh thành biểu diễn và được phong là làng Nhị Ca từ đó”.

Theo lời cụ Kiệt, làng hát tuồng quê cụ hình thành cách đây hàng trăm năm do một nhóm người từ Huế vào định cư khởi dựng. Cái tên Đức Giáo cũng ra đời từ đây và dần dần xác lập thành một ngôi làng độc lập, tách riêng ra khỏi làng Khánh Đức. Có điều đặc biệt, người làng Đức Giáo luôn xác định nghề chính của họ là hát xướng để kiếm sống chứ không phải nghề “bán mặt cho đất”.

Ý thức hát tuồng là một “cần câu cơm” chân chính nên cứ mỗi độ đầu xuân, trước khi chia nhau lên rừng, xuống biển làm ăn, gánh hát Đức Giáo với 2 rạp (trên 20 người) đều tổ chức cúng lễ “ra quân” hết sức bài bản. Tục lệ này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay dẫu chỉ một lần trong năm.

Cụ Kiệt tự mình sắm vai Kim Lân, đứng dậy múa vài đường “phi lộ” một đoạn trong vở tuồng Sơn hậu. Cụ cười khà: “Cha tôi dạy hết đó. 17 tuổi, tôi đã rong ruổi cùng cha khắp vùng lưu diễn, kiếm tiền lo toan cuộc sống”. Cụ Kiệt kể ra một loạt vở mà đến nay cụ vẫn khắc sâu trong đầu như Ngũ hổ bình liêu, Tam quốc chiến, Trần Bình Trọng… “Đã là người của làng nghệ sĩ thì ai cũng thuộc lòng những vở tuồng đó, từ cử chỉ, điệu bộ, cách phục trang, hóa trang từng nhân vật cho đến nội dung từng lớp của tuồng. Hồi đó, Nhưng Y, Nhưng Trí, cha tôi -nghệ nhân Huỳnh Xuân… là những người cực kỳ giỏi trong nghệ thuật tuồng. Họ mất đi, đến thế hệ tôi kế tục, hát bội vẫn còn thịnh lắm”, cụ Kiệt tiếp lời.

Tìm dấu tuồng trong... đám ma

Đó là công việc lắm xót xa mà ông Huỳnh Hoa (62 tuổi) - được xem là truyền nhân cuối cùng của gánh hát Đức Giáo - đang làm, như một cách để giải tỏa nỗi lòng với nghề.

Gánh tuồng đã “gãy”, không còn theo nghiệp lưu ca khắp chốn, ông Hoa đành tìm điệu bộ, dáng dấp của tuồng trong những lần ông làm “tổng” đám ma. “Làm “tổng” đám ma thu nhập cũng khá và tôi thấy phù hợp với mình vì có chút gì đó giống với nghề diễn tuồng. Nhưng quan trọng hơn là mình vẫn còn giữ được nghề, sống với nghề dù chỉ còn một chút. Cha mẹ mất sớm, từ thuở lên 7, lên 8, tôi đã là một chân chạy việc cho gánh hát trong làng. Tuy không phải là người được học bài bản nhưng nhờ sáng dạ, nhớ lâu mà tôi đã học lỏm được từ nhiều thầy. Dần dà, tôi trở thành kép chính của gánh Đức Giáo, đi biểu diễn với thù lao khá cao. Nhưng đến năm 1972, một trận bom khủng khiếp trút xuống làng làm đạo cụ, trang phục cháy sạch. Nhà thờ ông tổ nghề cũng tan hoang, đổ nát. Nghề hát bội bắt đầu suy vong...”, ông Hoa giọng đầy tâm sự.

Sau ngày thống nhất đất nước, những nghệ nhân luống tuổi trong làng nỗ lực khôi phục nghề. Cụ Huỳnh Xuân (cha cụ Huỳnh Kiệt) thỉnh lư hương ông tổ nghề về thờ phụng trong nhà với hy vọng lấy đó làm điểm tựa tinh thần để bắt đầu “công cuộc” chấn hưng. Nhưng cũng từ sau năm 1975, diễn tuồng chỉ tồn tại dưới hình thức văn nghệ xóm làng. Các kép, ông bầu gánh hát ngày xưa chuyển sang làm nghề khác, tuồng Đức Giáo từ đó chỉ còn lại cái tên. Ngay cả người tâm huyết như cụ Huỳnh Kiệt cũng đành bó tay vì không còn ai muốn theo nghiệp hát xướng nữa. Cụ đứng ra huấn luyện nghệ thuật tuồng cho một vài người thuộc lớp trẻ nhưng chỉ đủ để duy trì ở mức độ “chơi vài chầu đầu năm cho vui”.

Cách đây khoảng 10 năm, đến lượt ông Huỳnh Hoa đứng ra tổ chức dạy tuồng cho học sinh với mong muốn giữ lại chút gì cho quê hương. Nhưng rồi tập được vài bữa, số học sinh này cũng bỏ lớp vì tuồng khó học, khó nhớ. Trăn trở với nghề xưa là vậy nên sau khi đội tuồng đồng ấu do ông chỉ dạy tan rã, ông vẫn không chịu ngồi yên. 10 năm qua, để vơi bớt nỗi nhớ tuồng, ông Hoa đã tự học nghề làm “tổng” đám ma để được đội mũ, trang điểm, mang râu rồi xướng hát như kép. Đó cũng là một cách để giải tỏa nỗi niềm với nghề xưa vậy… 

Đưa tuồng vào trường học

Từng “đứng lớp” chỉ dạy học sinh, ông Huỳnh Hoa hiểu vì sao đội tuồng đồng ấu không duy trì được.

Một phần thiếu sự quan tâm của địa phương, một phần vì nghệ thuật tuồng “lép vế” với những nghệ thuật hiện đại. Theo ông Hoa, để tuồng thấm vào giới trẻ, cách thức hữu hiệu nhất là đưa tuồng vào trường học. “Nhà trường xem như đó là một hoạt động ngoại khóa để rèn luyện các em. Còn chính quyền địa phương nên có khoản kinh phí dù nhỏ để khuyến khích các em luyện tập thì tôi tin tuồng Đức Giáo vẫn còn cơ hội “sống sót”, ông Hoa giãi bày.

Hoàng Sơn

>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 3: Sen giấy thất truyền lại nở hoa
>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 2: Hồi sinh pháp lam Huế
>> Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây
>> Nghề xưa còn một chút này - Mai một làng mộc Văn Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.