>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 4: 30 năm giữ chảo nấu đường
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 3: Nghệ nhân cuối của gánh tuồng cổ
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 2: Bặt tiếng xe tơ xứ tầm tang
Nhất trống Lâm Yên
Theo con cháu họ Phan tại thôn Ấp Nam ngày nay, nghề làm trống Lâm Yên được cha ông họ mang vào làng từ gần 200 năm trước. Ông tổ nghề là Phan Công Thiên, gốc gác từ Hải Dương trên đường “nam tiến” đã dừng lại “cắm dùi” trên đất Lâm Yên và mưu sinh bằng nghề này. Đã qua 6 đời, các thế hệ người tộc Phan tiếp nối nhau giữ nghề trong sự tự hào được tôn xưng Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều.
Ở đất Quảng Nam, trống xuất xứ từ ngôi làng này nổi tiếng bền, đẹp không địa phương nào sánh kịp. Cụ Phan Ba tuổi đã ngoài 80, có thâm niên làm trống hơn 50 năm, tự nhận: “Trống được người trong làng làm ra xuất bán khắp nơi và khi nào cũng đắt khách. Hồi đó, trống làng tôi mà nhì thì chắc không có ai nhất đâu…”. Còn ông Phan Thiệp (60 tuổi) cắt nghĩa, sở dĩ trống Lâm Yên được đánh giá cao là vì mỗi chiếc trống đều cho ra âm thanh cực chuẩn.
|
Tất cả các loại trống từ nhỏ như trống lệnh, trống chầu hay đến cả những trống “khủng” mà nhiều người vẫn thường gọi là trống sấm (trống bát nhã), người làng Lâm Yên đều có thể làm được. Tùy vào mỗi loại, kích cỡ mà quy trình làm trống có phần khác nhau. Nhưng về cơ bản thì các loại trống giống nhau ở hai công đoạn chính: làm tang trống (thân trống) và căng da. Ông Thiệp cho biết tang trống nhất thiết phải là gỗ mít, càng già càng tốt. Để chiếc trống bền với thời gian và đảm bảo thẩm mỹ thì công đoạn làm tang trống, nhất là khi ghép dăm rời, người làm phải biết thêm nghề mộc.
Tang trống Lâm Yên thường được ghép mà không cần móc khớp gì giữa các miếng dăm. Theo ông Thiệp, đó là sự khác biệt của trống Lâm Yên so với chiếc trống được làm ra từ nơi khác. Còn đối với loại trống tang liền (thân mít đục rỗng bên trong) như trống sấm thì khó làm nhất là lúc gia công lấy hết phần gỗ ruột. Do đây là loại trống thường được dùng khi các nhà sư “công phu, tịnh độ” tại chùa nên làm sao để lấy lộng phần lõi, tạo âm sắc trầm ấm là rất khó.
|
Theo nhiều thợ trống Lâm Yên, nếu làm tang trống tốt để tạo “thể xác” rắn chắc thì căng da trống là làm nên “linh hồn”. Đây cũng chính là giai đoạn công phu nhất và là khâu quyết định “số phận” mỗi chiếc trống, chỉ cần sơ suất có khi bỏ luôn cả bộ da đắt tiền. Cách làm da có thể mỗi thời mỗi khác nhưng chiếc trống Lâm Yên đặc biệt ở chỗ, da trâu sau khi được phơi khô với độ “chín” vừa phải sẽ được bào, gọt bằng tay hết sức cẩn thận.
Cụ Phan Ba tiếp lời: “Phơi da trống khổ lắm, già nắng thì sợ giòn, thiếu nắng lại sợ nhanh mục. Cho nên để có miếng da trâu ưng ý phải canh chừng đủ điều”. Không những vậy, để trống cho âm chuẩn người thợ phải bào da sao cho chính giữa mặt trống là nơi dày nhất và giảm dần độ dày ra tận đai, niềng trống. Ngoài “tạo” âm, việc gọt da trâu trước khi căng cũng là một bí quyết để làm nên chiếc trống Lâm Yên có tuổi thọ cao hơn so với trống của các địa phương khác. Những kỹ thuật này đều dựa vào cảm tính, kinh nghiệm nên cha con, anh em - những người có điều kiện gần gũi sẽ dễ truyền nghề cho nhau hơn. Nhưng khổ nỗi, ngày nay chính con cháu của tộc Phan cũng không mấy ai còn mặn mà với nghề.
Khó như… truyền nghề
Cũng có người nói rằng, phải là người làng Lâm Yên, lớn lên đã nghe tiếng trống hằng ngày mới nối nghề được. Cách giải thích này khi “vận” vào việc nghề trống của làng đang tàn phai, mai một dần thấy cũng có lý. Bởi đến đời thứ 7, họ Phan không còn ai nối nghiệp nữa. Lớp hậu sinh lớn lên đã sớm ra khỏi làng làm nghề khác. Ngay chính gia đình ông Thiệp, hai con trai ông đã ra Đà Nẵng để định cư từ khi còn rất trẻ. Hỏi: “Con ông có ai biết làm trống?”, ông trầm ngâm: “Làm gì nữa. Nếu làm cha thì anh có cho nó theo nghề không, trong khi đầu ra không có”. Ông An (46 tuổi), một thợ trống lành nghề hiếm hoi mang họ Nguyễn, cho biết: “Tôi lớn lên từ nhỏ trong làng nên may mắn có được đôi tai thẩm âm, có thể nghe và cảm nhận được trống làm đã đạt hay chưa. Người sinh ngoài làng khó nối nghề lắm... Thợ làm trống giỏi là người có thể làm mọi công đoạn nhưng để đạt như thế thì chắc chắn sẽ không còn ai nữa...”.
Trước đây, cả làng xem làm trống như nghề chung thì nay chỉ còn chưa đầy 10 hộ dân gắng bám trụ, chấp nhận lao đao vì yêu nghề. Không phải vì cách làm trống của người Lâm Yên nay tệ hơn trước mà phải nói ngay rằng vì trống từ làng này “chậm chân” hơn khi hòa nhập với thị trường. Để đưa trống đến người có nhu cầu, dân làng Lâm Yên cũng đã nghĩ đến cách “tận dụng” mối “quan hệ” nhất, nhì của câu ca dao Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều. “Nhưng ngay cả khi tôi đưa trống ra gửi các tiệm bán đồ đồng Phước Kiều dọc tuyến QL1 tại H.Điện Bàn thì cũng năm thì mười họa mới có người mua. Sống với nghề đã cực, truyền cái cực cho con cháu làm chi…”, ông An thở dài.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)