Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 7: Vang chút tiếng đầm

26/08/2013 00:40 GMT+7

Làng rèn Tây Phương Danh (P.Đập Đá, TX.An Nhơn, Bình Định) tuy không phải chịu cảnh “hấp hối” như một số làng nghề truyền thống khác, nhưng người ta cũng đã nhận ra tiếng đầm đang thưa dần.

>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 6: Truân chuyên giữ nghề khảm xà cừ
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 5: Trống Lâm Yên sắp lâm chung
>> Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 4: 30 năm giữ chảo nấu đường

Phương Danh nổi tiếng có 4 làng với 4 nghề khác nhau. Tây Phương Danh từ hơn 200 năm nay nổi tiếng với nghề rèn. Còn Đông Phương Danh, Nam Phương Danh và Bắc Phương Danh lần lượt chuyên nghề buôn bán, dệt và nông nghiệp. 

Rèn vũ khí cho nghĩa quân Tây Sơn

Những người già ở Tây Phương Danh cho biết cụ tổ nghề rèn nơi này là Đào Giả Tượng. Cụ Giả Tượng từ bắc vào đây khai hoang, lập làng rồi truyền nghề rèn cho người dân địa phương làm kế sinh nhai. Sau này, hầu như khắp Tây Phương Danh nhà nào cũng theo nghề rèn. Sản phẩm rèn ở đây nổi tiếng cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài sản xuất các nông cụ như cày, cuốc bàn, cuốc chĩa, lưỡi liềm, lưỡi cày... họ còn nhận đóng các loại đinh ốc dùng trong tàu biển. Sản phẩm rèn Tây Phương Danh có mặt khắp miền Trung, nhất là Tây nguyên.

Nghề xưa còn một chút này - Kỳ 7: Vang chút tiếng đầm
Anh Bình (bìa trái), anh Yên đang gọt giũa rựa và đầm dao - Ảnh: Lê Xuân Thọ

Cũng vì ăn nên làm ra nên thời ấy mới có câu: “Nghề rèn không ruộng không trâu/Làm ăn no ấm nhờ đầu ông đe/Sáng ra phụt phụt sè sè/Vợ thổi chồng đập họ nghe rầm rầm”. Cứ thế nghề rèn Tây Phương Danh ngày một phất lên. Vào thế kỷ 18, khi anh em Tây Sơn dấy quân khởi nghĩa, ngoài sản xuất những vật dụng như trước kia, làng rèn này còn kiêm luôn việc cung cấp vũ khí cho nghĩa quân Tây Sơn. Một vài loại vũ khí này ngày nay vẫn còn được lưu giữ ở một số bảo tàng.

Ông Nguyễn Đình Long, 60 tuổi, Bí thư Chi bộ khu vực Tây Phương Danh, cho biết: “So với trước đây thì những hộ trực tiếp tham gia làm nghề rèn ít hơn rất nhiều, một số hộ khác sau khi bỏ nghề đã chuyển sang những công việc phục vụ cho nghề như mua bán sản phẩm rèn, thu mua sắt thép phế liệu, nguyên liệu... Nhà tôi tuy còn lò rèn đấy, nhưng không thường xuyên đỏ lửa được nữa”.

 

Cho đến bây giờ, người làng rèn Tây Phương Danh vẫn chưa biết tường tận thủy tổ của nghề rèn ở ngoài bắc. Hằng năm, vào các ngày từ 12 đến 14.2 âm lịch người dân ở đây tổ chức lễ hội làng rèn, hay giỗ nghề, nhằm tri ân cụ Đào Giả Tượng, người đã có công khai sinh làng rèn. Lễ hội có sức hút với cả những làng nghề ở các tỉnh và một số nghề liên quan đến nghề rèn như nghề làm sắt... Những người mang nghề rèn đi xa làm ăn, dịp này cũng về tham gia lễ hội.

Theo ông Long, đến tầm những năm 50 của thế kỷ trước, nghề rèn có dấu hiệu trầm xuống. Khoảng 10 năm sau đó, kéo dài đến năm 1975, nghề rèn lại vô cùng phát triển, có nhà vì ham rèn mà bỏ ruộng. Nghề rèn trở thành nghề chính, bao nhiêu nhà to, cửa rộng, tiện nghi thời ấy có được đều từ nghề rèn mà ra cả. Sau năm 1975, Hợp tác xã rèn Đập Đá được thành lập và đến trước khi đất nước đổi mới vào năm 1986, nghề rèn trở nên cực thịnh. “Bao nhiêu chỉ tiêu mà nhà nước đưa ra, chúng tôi đều hoàn thành rất nhanh. Hợp tác xã còn ký hợp đồng với Đà Nẵng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai... để họ cung ứng sắt, thép nguyên liệu”.

Dần dần, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, Hợp tác xã rèn Đập Đá không còn phát triển mạnh như trước nữa. Nguyên nhân là đầu ra của sản phẩm không được bao cấp, mà người  thợ rèn lại chưa “biết cách” tìm thị trường cho sản phẩm. Đến năm 1992 thì hợp tác xã chính thức giải thể. Theo các hộ rèn, một nguyên nhân nữa khiến nghề rèn ở đây “yểu” đi là ở miền Bắc có nguồn nguyên liệu rẻ nên một số người ngoài đó mang sản phẩm giá thấp vào đây bán, vì thế sản phẩm của địa phương không thể cạnh tranh. Điều này khiến cho nghề rèn Tây Phương Danh đi vào thoái trào. Những hộ còn làm cho đến ngày nay đều thừa nhận: nghề rèn bây giờ chỉ là phụ, sản phẩm làm ra thường là cho khách quen. 

Thưa thớt tiếng đầm

Qua cổng làng rèn Tây Phương Danh, thỉnh thoảng tôi nghe thấy những tiếng búa đập (gọi là tiếng đầm). Một người dân ở đây cho hay, so với trước kia thì những tiếng đầm ấy thật yếu ớt và lạc nhịp. Anh Đoàn Ngọc Bình, cán bộ Văn phòng UBND P.Đập Đá, cho biết nghề rèn bây giờ làm theo mùa vụ, ví như vào mùa nương rẫy thì làm cuốc, cày... mùa xây dựng thì làm bay, bàn chà...

Anh Đoàn Ngọc Yên (em trai anh Bình) nói thêm: “Sản phẩm rèn có nhiều loại nhưng đều trải qua những công đoạn gần giống nhau như lấy dập khuôn tạo hình, phôi, đầm...”. Để cho dễ hiểu, anh miêu tả cách làm một con dao: Sắt loại tấm được dùng kéo cắt đúng với khuôn làm một con dao (tùy lớn nhỏ), sau đó lên lửa để làm đuôi dao. Rồi dùng búa đập (dân nghề gọi là đầm), việc này thường không tốn nhiều sức nhưng đòi hỏi sự khéo léo.

Cũng theo lời anh Yên, vào mỗi thời gian trong ngày mà người thợ rèn làm từng công đoạn nhất định. Chẳng hạn như buổi sáng, khi thời tiết còn mát thì lên lửa để luyện phôi, tôi sản phẩm. Còn gần trưa thì đầm, qua buổi chiều thì bước vào những công đoạn hoàn thiện sản phẩm. “Hồi đó làm cả ngày không hết việc, nay thì thong thả lắm. Đúng là nghề rèn chưa chết thật, nhưng không biết nó sẽ sống đến được bao lâu nữa”.

Lê Xuân Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.