“Tuyệt chiêu” chạm lộng
300 năm tuổi - chừng đó thời gian đủ để các thế hệ làng Văn Hà (xã Tam Thành, H.Phú Ninh, Quảng Nam) làm nên một “thương hiệu” nghề mộc không thể lẫn vào đâu được. Lối chạm trổ mềm mại, cá tính của các tay thợ Văn Hà thể hiện rất rõ trong các vi kèo, thanh trính nhà cổ… hay đồ dùng gia dụng bằng gỗ tồn tại đến tận ngày nay. Ai đã từng được tận mắt ngắm những ngôi nhà cổ tại vùng Tiên Phước hẳn phải trầm trồ thán phục tay nghề của người thợ mộc Văn Hà xưa. Nhắc đến nghề mộc, người xứ Quảng thường nhắc đến ngôi làng này và làng Kim Bồng (Hội An).
Lão thợ Đinh Thẩm (94 tuổi), nghệ nhân cuối cùng của làng bảo với tôi rằng, có một câu chuyện liên quan đến “bí kíp” chạm lộng trứ danh của người thợ mộc Văn Hà mà không phải ai muốn là có thể học được. Và chính nhờ khả năng này mà những người thợ mộc ngày xưa đã được các đời vua Nguyễn ban sắc phong nghệ nhân. “Thời còn trai trẻ, tôi được nghe cha ông kể nhiều về chiến thắng vang dội trong một cuộc đấu tại kinh thành Huế. Năm đó, các làng mộc nổi tiếng khắp nơi tề tựu để chạm trổ một trụ đèn gỗ. Phường thợ mộc Văn Hà chúng tôi đã chạm một con rồng uốn lượn xung quanh trụ đèn này. Nhưng nếu chỉ có vậy thì có lẽ rất khó để thắng được các phường thợ khác nên thợ làng tôi đã dùng “tuyệt chiêu” chạm lộng để làm nổi con rồng này lên. Vì nét chạm tinh xảo và độc đáo, vua Thành Thái đã không tiếc lời khen ngợi và ban tặng biển vàng, sắc phong cho 27 nghệ nhân trong làng”, cụ Thẩm kể.
|
Theo cụ Thẩm, những sắc phong này vẫn còn được lưu giữ trong từ đường tộc Đinh Văn. Trong các đời vua Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, người thợ mộc Văn Hà đều được tôn vinh vì những đóng góp to lớn vào việc xây dựng đền đài, nội thất trong cung. Tên tuổi làng mộc tiếp tục lan rộng hơn khi các phường thợ tỏa ra các vùng khắp tỉnh Quảng Nam, vào tận Quảng Ngãi để hành nghề. Dấu ấn mộc Văn Hà vẫn còn để lại tại hơn 60 ngôi nhà rường cổ tại các huyện Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành. Đặc biệt, ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước) được đánh giá là ngôi nhà đỉnh cao của nghệ thuật nhà rường cũng do một tay các thợ mộc Văn Hà thi công, chạm khắc.
Cụ Thẩm cho biết, năm 18 tuổi, cụ đã theo cha đi đến nhiều vùng tại Quảng Nam để dựng nhà rường cho các gia đình có quyền thế. Chính tay cụ đã làm nên nhiều nhà cổ với lối kiến trúc đặc trưng, như: “tam nhị hạ thiên”, “tam gian tứ hạ”, “năm gian hai chái cổ lầu”… với những nét chạm khắc tinh xảo. Có ngôi nhà toàn gỗ mít, phải mất 3 năm công mới làm xong.
Người cuối cùng làm bàn “ma thuật”
Cách đây một năm, tôi đã tìm về làng Văn Hà để “diện kiến” cụ Đinh Thẩm, không chỉ để nghe cụ nói về chuyện nghề mà còn để thỏa mong muốn được gặp người cuối cùng biết cách làm chiếc bàn “ma thuật”. Đó là chiếc bàn mà khi úp tay lên mặt bàn sẽ tự xoay một cách bí ẩn mà đến nay, nhiều người vẫn còn tranh cãi về nguyên lý vận hành của nó. Theo xác nhận của nhiều người thì chỉ còn mỗi mình cụ nắm bí quyết làm ra chiếc bàn này. Hôm tôi đến nhà, dù mắt đã mờ, tay cũng run hơn so với năm trước nhưng cụ vẫn cầm đục, dùi cui chạm hình “Ông Thọ nắm quả đào tiên”. Thấy tôi, cụ móm mém khoe: “Tôi mới làm thêm 2 chiếc bàn tự xoay đó, vô xem cho vui. Phải làm thêm nữa, chứ tôi sợ sẽ không còn nhiều thời gian…”.
Thời hoàng kim của nghề mộc Văn Hà đã qua. Cụ Thẩm biết điều đó nên hào hứng kể về thời quá vãng bao nhiêu thì cụ lại càng khắc khoải, cay đắng khi nói về thực tại bấy nhiêu. Mấy mươi năm qua, mặc sức cụ tìm truyền nhân nghề mộc nhưng người đó vẫn chưa xuất hiện. “Ông tổ nghề là người vùng Nghệ Tĩnh, trên bước đường vào nam đã dừng lại mảnh đất Văn Hà ngày nay để định cư. Từ đó, nghề mộc thành nghề chung và mang lại hưng thịnh cho cả làng. Đến nay, đã là đời thứ 13 nhưng không lẽ chỉ dừng ở đời thứ 13 là nghề lụi tắt”.
Theo thống kê, hiện tại xã Tam Thành chỉ có 5 người thợ mộc khá rành nghề nhưng “phong độ” cũng thất thường do không làm thường xuyên. Đã không ít thợ bỏ nghề sang làm việc khác phần vì thu nhập không nhiều, trình độ nghề tụt dần so với làng nghề Kim Bồng đang “phất”. Ông Phạm Miên, một học trò của cụ Thẩm đã từng nhìn nhận rằng, nếu không vì làng có chiếc bàn “ma thuật” thì có lẽ từ lâu cái tên Văn Hà không còn ai nhớ đến.
Một đời sống vì nghề, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hằng ngày cụ Thẩm vẫn bày đồ nghề ra “làm vài đường” cho đỡ nhớ. Cụ trăn trở: “Nghề mộc là nghề khó, để thành công với nghề không phải chăm chỉ là được mà còn phải sáng ý nữa. Tôi đã từng này tuổi, gần đất xa trời rồi. Không mở lớp đào tạo thợ trẻ e là muộn mất…”.
Hỗ trợ làng nghề truyền thống Mới đây, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định phân bổ vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2013 cho các địa phương có làng nghề truyền thống với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng. Trước sự tàn lụi của các làng nghề trong đó có mộc Văn Hà, UBND tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, mỗi làng nghề sẽ được vay tín dụng ưu đãi 500 triệu đồng làm đường giao thông vào làng nghề và nhà trưng bày sản phẩm. |
Hoàng Sơn
>> Hội chợ triển lãm nông nghiệp và làng nghề Việt Nam
>> Nghệ nhân Bát Tràng “biến đất thành hoa”
>> “Nghệ nhân” Tháp Bút
>> Mai một những làng nghề truyền thống
Bình luận (0)