Chúng tôi đến thăm lò rèn còn sót lại giữa lòng phố thị vào một chiều cuối năm. Tiếng “chát”, “bụp” của quai búa chính là “đặc sản” trên đường Tô Ngọc Vân (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức). Tôi không khỏi trầm trồ trước tấm biển “Lò rèn Phương” có phong cách mộc mạc, bề mặt bị hoen gỉ với nét chữ vẽ tay phai mờ theo năm tháng.
Lân la vào hỏi chuyện, tôi gặp một người đàn ông trung niên với vóc dáng mạnh mẽ, rắn rỏi đang vung búa đập từng nhát lên khối kim loại đỏ rực. Đó là anh Trần Mậu Quốc Toản (52 tuổi), là thế hệ thứ 5 trong gia đình có truyền thống giữ lửa cho lò rèn.
Nghề vất vả
Anh Toản không nhớ cụ thể lò rèn hình thành chính xác từ năm nào; nhưng chỉ biết khoảng 80 năm trước. Xưa, lò rèn của gia đình anh chỉ là cái chòi nhỏ, thợ rèn vừa sản xuất vừa cư ngụ. Sản phẩm thường dùng để làm ruộng như: cuốc, xẻng, lưỡi hái…, tất cả được làm thủ công và vận hành bằng sức người.
“Trước đây, ông cố tôi phải dùng quạt gió quay bằng bánh xe để kích thích than đá cháy, chứ không dùng quạt tự động như hiện nay”, anh Toản kể.
Những năm 1984 của thế kỷ trước nghề rèn rất thịnh và được xem là thời hoàng kim nhất. Lúc đó, Sài Gòn có trên dưới 50 lò rèn lớn nhỏ. Từ đe búa, dao, rựa, kéo cắt tôn đến các dụng cụ để phục vụ nghề gò hàn, sửa chữa máy móc đều được đưa tới tay thợ rèn. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nghề rèn trầm xuống và tỷ lệ các lò rèn còn lại không nhiều.
Kể về cái duyên đến với nghề, anh Toản nhớ lại, năm 1993 anh làm cho công ty điện lực nhưng đến năm 37 tuổi, anh quyết định nghỉ việc và về tiếp quản “cơ ngơi” của cha đến nay cũng gần 20 năm.
“Người mới như chúng tôi cần học trong bao lâu thì có thể sống được với nghề rèn?”, chúng tôi hỏi. Anh cười, rồi lắc đầu nói: “Nghề này khó mà cực lắm, lớp trẻ bây giờ không có ai làm được đâu. Người ta thường đùa lò rèn là chốn cực nghèo. Thợ gõ búa kêu “cực”, rồi thả đồ vào nước kêu cái “xèo” tức là nghèo”.
Người “nghệ nhân” không những cần sự chăm chỉ, khéo léo và sức khỏe dẻo dai để chịu được cái nóng của lửa, tiếp xúc với than đá độc hại; mà còn biết biến ý tưởng của khách hàng thành hiện thực. Khi khách yêu cầu làm một món đồ, thợ “chế tác” phải nhanh chóng hình dung, phác thảo hình ảnh và bản vẽ trong đầu; sau đó vẽ ra để khách xác nhận đúng ý chưa mới bắt tay vào làm.
Để rèn ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, tốn nhiều sức và đòi hỏi sự khéo léo. Bởi yêu cầu của nghề phải chính xác đến từng chi tiết.
Ngoài ra, thợ rèn giỏi là biết nhóm lò sao cho lửa đều và nhiệt độ luôn ổn định. Phải biết cách chọn than, am hiểu về các loại vật liệu, đặc biệt là chỉ số cacbon trong thép để quyết định cách tôi luyện như: đốt ở nhiệt độ cao hay thấp, nhúng dầu hay nước.
“Nếu không nắm rõ những điều này thì không thể theo được nghề. Tôi may mắn được học nghề cơ khí và tiếp xúc với nghề từ nhỏ, nhờ đó tích lũy được kinh nghiệm trong công việc. Nói chung làm riết sẽ quen, nghề dạy người”, anh Toản trần tình.
Anh Toản nói, đó là điều kiện cần để làm được nghề rèn nhưng điều kiện đủ để bám trụ lâu với nghề thì người thợ cần có sự yêu thích. “Khi nhìn thấy sản phẩm do chính bàn tay, mồ hôi mình uốn nắn ra nó đã lắm”, anh Toản đưa thanh sắt vào nung đỏ, khắp người anh đổ mồ hôi nhễ nhại, nói.
Theo anh Toản, điều kiện đủ để bám trụ lâu với nghề, người thợ cần có sự yêu thích
ẢNH: UYỂN NHI
Giữ “hoa lửa” lò rèn
Anh Toản cho hay, sản phẩm rèn có nhiều loại nhưng đều trải qua những công đoạn gần như giống nhau như: dập khuôn tạo hình, phôi, đốt nóng, dùng búa đập và uốn nắn kim loại. Khi sản phẩm đã định hình, người thợ tiến hành tôi luyện sản phẩm.
“Hồi đó làm cả ngày không hết việc, bây giờ thì thong thả hơn nhiều. Đúng là nghề rèn chưa chết thật, nhưng không biết nó sẽ sống đến được bao lâu nữa”.
Lò rèn của anh Toản chuyên gia công các loại dao, rựa, đục bê tông, sản phẩm kỹ thuật...
ẢNH: UYỂN NHI
Nói về giá cả, anh Toản chia sẻ, ở chợ 1 cây đục có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng, nhưng khi đến tiệm của anh Toàn thì giá lên đến 100.000 đồng. Tôi thắc mắc hỏi, điều gì khiến giá ở đây cao hơn nhưng khách vẫn chọn đặt hàng. Anh Toản cười và trả lời ngay: “Khách đặt hàng thì tôi làm kỹ hơn, tôi chọn vật tư tốt và sử dụng bền hơn”.
Anh Đẹp (46 tuổi, ở Q.Bình Thạnh), là công nhân xây dựng công trình, cũng là khách gắn bó với tiệm anh Toản gần 20 năm chia sẻ: “Tôi đến đây để làm xà beng và đục. Ở đây làm sản phẩm bén, nhọn và tôi bắn đường hoài không bị tụ đầu hay bị gãy. Hàng thủ công lúc nào cũng bền hơn".
Hiện, cuộc sống có nhiều thay đổi, các vật dụng đa số đều được sản xuất hàng loạt và nhanh chóng nên các lò rèn thủ công không còn nhiều khách như thời hoàng kim. Khách hàng chủ yếu là khách quen mấy chục năm và các nhà thầu xây dựng, công ty cần sản phẩm số lượng lớn. Anh Toản kể, nhiều người lớn tuổi ở Long An, Củ Chi… vẫn tìm đến tiệm anh để ủng hộ.
Anh Toản nói anh vẫn chưa tính đến chuyện bỏ nghề, vì anh muốn duy trì nghề truyền thống của cha ông đến khi nào “không làm được nữa thì thôi”.
Cuộc sống có nhiều đổi thay, những nghề truyền thống dần mai một trước sự phát triển của công nghệ, hình ảnh những lò rèn đỏ lửa giữa lòng Sài Gòn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một nghề xưa đầy tự hào.
Người thợ rèn không chỉ giữ lửa cho những công cụ sản xuất mà còn giữ lửa cho một phần ký ức vàng son của phố thị. Nghề rèn “xưa nhưng chưa cũ” như một lời nhắc nhở về những giá trị không bao giờ phai nhạt.
Bình luận (0)