Nghẹn ngào lời hứa hết dịch kiếm tiền mua máy tính cho con học
Do hoàn cảnh khó khăn , nhiều phụ huynh đã không thể mua nổi thiết bị điện tử cho con học trong bối cảnh không được đến trường do dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều em đã gián đoạn việc học, không có cơ hội tiếp thu kiến thức. Rất nhiều phụ huynh đã trăn trở, rơi nước mắt vì không thể làm gì khác.
Tự động phát
Đã gần hết học kì 1 nhưng con gái bà Nguyễn Thị Kiều Loan (ở Q. Bình Tân, TP.HCM) vẫn chưa có thiết bị để học trực tuyến. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, suốt gần 1 học kỳ không có thiết bị để con gái học trực tuyến, bà Loan nuốt nước mắt vào trong mỗi khi nghe con hỏi “bao giờ được học như các bạn?”
Bà Loan quê ở Bến Tre, lên Sài Gòn đã 8 năm nay, ngày thường đi làm mướn để mưu sinh. Bà Loan chia sẻ, có lần trộm cắt cửa vào nhà, lấy sạch vốn liếng mà hai vợ chồng chắt chiu dành dụm bao nhiêu năm. Gần nửa năm nay, dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng bà lâm cảnh thất nghiệp, cả gia đình sống dựa vào tiền trợ cấp và túi an sinh của địa phương.
Bà Loan nước mắt đỏ hoe tủi thân khi không có đủ tiền mua máy tính cho con học |
lê nam |
Em Nguyễn Thị Cẩm Liên (9 tuổi) năm nay học lớp 4, trường tiểu học Bình Thuận (Q. Bình Tân) là con gái út của bà Loan. Trên Liên còn có 2 anh chị; chị cả đã lấy chồng ra ở riêng; anh trai 18 tuổi hiện cũng đã đi làm phụ ba mẹ.
Hơn 1 tuần nay, người hàng xóm cùng khu trọ thương cảm hoàn cảnh của gia đình bà Loan nên cho bé Cẩm Liên mượn điện thoại để học tạm. Gặp lại bạn bè ở lớp học trực tuyến, Liên vô cùng mừng rỡ, còn bà Loan vẫn đau đáu lời hứa sẽ kiếm tiền để mua thiết bị học tập cho con.
Giống như bà Loan, anh Minh Trí (39 tuổi) là lao động thời vụ vệ sinh môi trường ở huyện Bình Chánh, vợ anh cũng làm công nhân công ty dịch vụ công ích, hai vợ chồng thu nhập rất bấp bênh.
Anh trí là lao động thời vụ, công việc ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên không thể mua máy tính cho con học trực tuyến |
lê nam |
Con anh Trí năm nay học lớp 1. Trong học kì 1 vừa qua, em không có thiết bị điện tử để học tập nên cô giáo phải photo tài liệu gửi về để em tự học. Trước câu hỏi bao giờ được học như các bạn của con, anh Trí chỉ biết nghẹn ngào hứa sau dịch sẽ ráng kiếm đủ tiền để mua máy tính.
Lắng nghe những câu chuyện cảm động ấy, từ ngày 17.11, Báo Thanh Niên và nhà tài trợ FPT Shop đã tổ chức nhiều buổi trao tặng những chiếc máy tính bảng chất lượng chính hãng, cấu hình tốt, phù hợp với việc học trực tuyến cho các em học sinh khó khăn trên địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Những chiếc máy tính bảng được trao đi, không chỉ các em nhỏ có thêm thiết bị học tập mà phụ huynh cũng giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Ông Lâm Hiếu Dũng, Ủy viên ban Biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh |
Đào ngọc Thạch |
Ông Ngô Quốc Bảo - Đại diện nhà tài trợ FPT Shop cho biết: "Năm 2021 thực ra là một năm rất nhiều khó khăn không chỉ với người dân mà còn với cả Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT, gồm FPT Shop và chuỗi dược phẩm Long Châu bởi vì có rất nhiều cửa hàng của chúng tôi đã phải tạm dừng kinh doanh theo yêu cầu giãn cách an toàn của chính quyền.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc trải nghiệm khách hàng và marketing FPT Shop, trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh |
Đào ngọc Thạch |
Tuy nhiên cũng ý thức và thấu hiểu được sự khó khăn của toàn thể cộng đồng, chúng tôi cũng muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc hỗ trợ những mảnh đời khó khăn, mong muốn sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng bằng những hoạt động nhỏ bé của mình".
Em Nguyễn Phúc Vinh, học sinh lớp 1/4 Trường tiểu học Trần Nhân Tôn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và cha vui mừng với chiếc máy tính bảng mới được tặng để học trực tuyến |
lê nam |
Dịch Covid-19 khiến hầu hết các em học sinh tại TP.HCM phải học trực tuyến tại nhà trong suốt thời gian qua. Còn rất nhiều trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua sắm thiết bị mới, khiến việc học tập của các em bị gián đoạn. Trong thời gian tới, Báo Thanh Niên và nhà tài trợ FPT Shop sẽ tiếp tục đồng hành với các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em thực hiện ước mơ của mình.
Bình luận (0)