Dẫu mang trong mình bề dày lịch sử và từng có các cơ sở nghề thủ công truyền thống đồ sộ nhưng sản phẩm thủ công truyền thống Huế nay được đánh giá là “quá bèo”, không quyến rũ được du khách.
Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, H.Phú Vang) khó biến thành mặt hàng lưu niệm - Ảnh: Đình Toàn
|
Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế cho biết, theo quy hoạch phát triển nghề và làng nghề đã được phê duyệt thì toàn tỉnh hiện có 94 làng nghề, hoạt động ở 27 nhóm nghề và nghề khác nhau.
Trong số 94 làng nghề có 32 làng nghề thủ công truyền thống nhưng chỉ có một số ngành nghề hoạt động tốt như đúc đồng, mộc mỹ nghệ, nón lá, mây tre đan..., phần nhiều các làng nghề còn lại vẫn hoạt động trung bình nếu không nói là khốn khó và có nguy cơ mai một.
Tại cuộc hội thảo “Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống” được UBND TP.Huế phối hợp với Phân viện nghiên cứu Văn hóa - nghệ thuật tại miền Trung tổ chức ngày 29.4 nhân dịp Festival nghề truyền thống Huế, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa thẳng thắn nói rằng dù là thành phố văn hóa, du lịch nhưng sản phẩm thủ công truyền thống Huế hiện quá nghèo nàn và quá bèo.
Theo ông Hoa, khách du lịch tới những quầy hàng lưu niệm thì hết sức chán ngán, chẳng biết mua gì về làm quà.
Cùng chung nhận định, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đóng góp thêm rằng cơ quan hữu trách cần xác định mặt mạnh của nghề thủ công truyền thống Huế. Đó là những ngành nghề sản xuất sản phẩm gia dụng, mây tre đan, gốm, trang trí nội thất, mộc mỹ nghệ, chạm khắc… Đồng thời phải có cuộc khảo sát xem những mặt hàng nào còn sản xuất được, nghiên cứu thị hiếu du khách ra sao; những mặt hàng nào của nước ngoài đang được bày bán để có cách nhìn nhận đúng đắn, thực tế hơn.
Nên học người Nhật
Tại cuộc hội thảo nói trên, nhà nghiên cứu, chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn chia sẻ rằng nói đến dấu ấn Huế, bản sắc Việt thì phải làm sao cho những người thợ sản xuất sản phẩm thủ công hiểu dấu ấn, bản sắc là cái gì. Nếu họ không hiểu họ sẽ đi sao chép mẫu mã của nơi khác, lại đâm ra nghèo nàn và nhàm chán.
“Hình ảnh 20 thắng cảnh đất thần kinh tôi chưa thấy được phổ biến trên sản phẩm thủ công truyền thống Huế bao giờ. Trong khi đó ở Nhật Bản, hình ảnh trên hàng thủ công truyền thống họ có khi rất giản đơn, đó là một người quét rác, một bà mẹ bồng con. Còn mình thì toàn sao chép hình tượng thần linh ở đâu đâu”, ông Sơn nói.
Liên quan đến câu chuyện người Nhật phát huy giá trị sản phẩm thủ công truyền thống, TS Trần Đức Anh Sơn (Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng) nói rằng một trong những lý do đưa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia thành công là sản phẩm của họ là sản phẩm phong phú, đa dạng, giá cả thích hợp; kích thước nhỏ gọn tiện cho việc đóng gói vận chuyển… Trong khi đó, ở Huế, thì thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch văn hóa tâm linh không thực sự phong phú, cho dù Huế là nơi có nhiều địa điểm du lịch văn hóa tâm linh bậc nhất VN.
Còn PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương (Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia VN) thì cho biết tại Nhật Bản, Kanazawa là thành phố đã được UNESCO công nhận là thành phố của sự sáng tạo về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian từ năm 2009. Đây là ví dụ về sự thành công điển hình trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống mà tựu trung là do cơ bản họ tập trung thực hiện theo ba hướng chính: văn hóa kết nối với kinh doanh; tạo ra sự kế thừa có sáng tạo; thu hút sự chú ý của quốc tế.
“Sự kết hợp giữa truyền thống và công nghiệp văn hóa, giữa nghệ nhân và họa sĩ, giữa lưu giữ và sáng tạo là hướng đi mới tạo triển vọng và cơ hội tạo lập sức sống cho nghề thủ công truyền thống”, PGS Hương chia sẻ.
Bình luận (0)