Mới đây, tôi có dịp về thăm quê vài ngày ở tỉnh Quảng Ngãi cũng là lúc đứa cháu gái gọi tôi bằng bác, con người em trai đang ôn thi, chuẩn bị thi vào lớp 10. Cháu và ba mẹ đã đặt nguyện vọng vào một trường THPT công lập nổi tiếng của tỉnh nhà. Cháu gái học rất giỏi và đều các môn học.
Lịch ôn thi 'dày đặc'
Em trai tôi cho biết, gần một tháng nay cháu ôn thi cật lực để chuẩn bị thi vào lớp 10 và tự tin "hứa" với ba mẹ sẽ thi đỗ vào ngôi trường đã chọn. Tuy nhiên, bản thân tôi cảm thấy "nghẹt thở" khi nhìn thấy lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm các môn toán, văn, Anh và lịch ôn thi của cháu.
Cụ thể, buổi sáng, cháu học ở trường, về đến nhà là gần 12 giờ trưa. Ăn cơm trưa xong chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, 13 giờ, cháu được ba mẹ chở đến nhà thầy cô giáo để luyện thi, giải các bài toán nâng cao "ngoài sách vở". Theo cháu, việc ôn thi ở lớp là "chưa đủ đô" để có thể "cạnh tranh" với các bạn ở những trường khác và khó có khả năng thi đỗ vào lớp 10.
Đến 17 giờ, ba mẹ lại chạy xe đến nhà thầy cô đón cháu về nhà. Tắm rửa, ăn tối "qua loa" xong, hơn 18 giờ cháu lại tiếp tục "cuộc hành trình" ôn thi môn tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ.
Sau lớp tiếng Anh, cháu lại được ba mẹ chở về nhà lúc 21 giờ. Thời gian còn lại, cháu "khóa" mình trong phòng để tiếp tục "hành trình" ôn thi vào lớp 10 tới 1, 2 giờ sáng là chuyện bình thường...
Gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng, vô tình tạo áp lực cho con cái
Tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe cũng như tinh thần của cháu khi nhìn thấy lịch học, lịch ôn thi vào lớp 10 "quay cuồng" đến nỗi không có nhiều thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi.
Ba mẹ của cháu kể, cố gắng lo hết mức cho con gái bởi cả nhà cháu là người thông minh và học giỏi nhất. Em trai tôi nói rằng, từ trước đến nay, gia đình chưa có ai thi đậu vào trường THPT công lập nổi tiếng của tỉnh nên tất cả niềm tin, hy vọng đều dành hết cho con gái. Bên cạnh đó, em trai tôi hứa hẹn sẽ thưởng một chuyến du lịch đến Huế, Đà Nẵng và một bữa tiệc "nho nhỏ" nếu cháu gái thi đỗ vào lớp 10.
Trước kỳ vọng của ba mẹ và người thân gia đình, cháu gái càng phải cố gắng nhiều hơn. Trong những ngày về thăm nhà, thăm quê, tôi thật sự chưa có nhiều dịp để trò chuyện với cháu gái vì cháu quá bận rộn với việc học.
Bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con cái học hành thành tài. Thế nhưng, kỳ vọng của gia đình có thể tạo ra áp lực rất lớn cho con cái trong việc học hành và thi cử.
Hãy để con trẻ trong mỗi gia đình được phát triển một cách tự nhiên nhất. Đừng quá đặt nặng chuyện thành tích, thi cử khi con chuẩn bị thi vào lớp 10. Không đậu vào lớp 10 trường THPT công lập, con trẻ có thể tiếp tục việc học hành, viết tiếp ước mơ của mình ở các trường tư thục hoặc học nghề.
Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra để chào đón con trẻ. Cánh cửa của các trường đào tạo nghề vẫn luôn sẵn sàng, vẫn luôn rộng mở để chào đón các em nếu biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy, nhiều em là những người con trong gia đình không thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập, không đậu ĐH nhưng lại thành đạt sau khi tốt nghiệp trường nghề, trở thành ông chủ các cửa hàng, nhà xưởng, doanh nghiệp với hàng trăm ngàn lao động, đóng góp rất nhiều cho kinh tế-xã hội.
Bình luận (0)