Nghi án lộ mật chấn động Washington

17/05/2017 00:00 GMT+7

Chính giới và cộng đồng tình báo Mỹ như “ngồi trên lửa” sau khi Tổng thống Donald Trump bị tố tiết lộ thông tin tình báo cho phía Nga.

Trong lúc những đồn đoán theo sau vụ sa thải đột ngột Giám đốc FBI James Comey vẫn chưa dịu xuống, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đối mặt với các cáo buộc gây sốc. Ông đã để lộ tin tình báo cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trong cuộc gặp ở phòng Bầu dục tại Nhà Trắng vào ngày 10.5. Đó là tin tức chấn động do tờ The Washington Post loan tải đầu tiên vào ngày 15.5 (giờ Mỹ), trước khi được tờ The New York Times, trang tin Buzzfeed lần lượt xác nhận.
Thông tin tối mật
Trong bài báo khởi đầu cho làn sóng chất vấn liệu ông Trump có can tội “phản quốc” hay không, tờ The Washington Post dẫn lời hai quan chức giấu tên cho biết chủ nhân Nhà Trắng đã mô tả chi tiết về một âm mưu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) biến laptop thành vũ khí tấn công khủng bố khi gặp các vị khách Nga.
Điều đáng ngại nhất là thông tin tình báo mà ông Trump tiết lộ đến từ một đối tác trong cuộc chiến chống IS trong khuôn khổ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Theo tờ The Washington Post, đối tác của Mỹ không cho phép Nhà Trắng cung cấp tin tức cho Nga, và do vậy hành động bất cẩn của ông Trump có thể khiến chính quyền Washington phải trả giá đắt là làm lung lay mối quan hệ hợp tác với đồng minh đóng vai trò then chốt trong nỗ lực thu thập tin tức tình báo tại Trung Đông, có khả năng tiếp cận những hoạt động bí mật trong nội bộ IS. Thông tin bị tiết lộ nhạy cảm đến nỗi sau khi cuộc gặp kết thúc, các phụ tá Nhà Trắng đã gấp rút thực hiện các biện pháp hạn chế tổn hại, gọi điện cho Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cục An ninh quốc gia (NSA) thông báo tình hình.
Nhà Trắng đã lập tức phản hồi một cách mạnh mẽ rằng bài báo trên The Washington Post là “tin thất thiệt”. “Câu chuyện trên hoàn toàn dối trá”, Reuters ngày 16.5 dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster trong cuộc họp báo khẩn cấp về vụ việc. Ông cho biết Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Lavrov chỉ đề cập đến những mối đe dọa chung, bao gồm nguy cơ tiềm tàng ở lĩnh vực hàng không dân dụng. “Trong toàn bộ cuộc tiếp xúc, không có một phút giây nào nội dung thảo luận lại dính líu đến các nguồn tin tình báo hoặc những biện pháp đang được áp dụng. Tổng thống chẳng hề tiết lộ bất kỳ chiến dịch quân sự nào mà chưa được công bố trước đó”, ông McMaster nói. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng lên tiếng khẳng định cuộc gặp vào ngày 10.5 chủ yếu xoáy vào đề tài chống khủng bố. Phó cố vấn an ninh quốc gia Dina Powell chốt lại bằng cách gọi thẳng bài báo của The Washington Post là tin vịt. Bản thân ông Trump sau đó cũng tuyên bố trên Twitter rằng ông có toàn quyền chia sẻ với phía Nga “các thông tin liên quan đến khủng bố và an toàn hàng không” vì lý do nhân đạo và vì muốn Nga đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và khủng bố. Đến hôm qua, Hãng thông tấn Interfax dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga rằng không có chuyện ông Trump chia sẻ tin tức tình báo mật cho giới chức Nga.
Vượt “lằn ranh đỏ” ?
Theo các cựu quan chức tình báo Mỹ được Đài CNN dẫn lời, dù Tổng thống Trump không tiết lộ danh tính nguồn tin, phương pháp thu thập hoặc quốc gia đối tác như khẳng định của ông McMaster, nhưng bằng các kỹ thuật đẳng cấp của mình, phía Nga không khó để truy ra tận gốc nguồn tin, đặc biệt khi nhà lãnh đạo Mỹ còn để lộ tên thành phố thuộc quyền kiểm soát của IS mà nguồn tin của đối tác thu thập được tin tức. Chính vì lý do này mà Washington giữ bí mật nội dung tin tình báo với cả các đồng minh và chỉ một số ít quan chức cấp cao trong chính quyền mới được tiếp cận. Trang Politico dẫn lời cựu quan chức tình báo Mỹ Wayne White nhấn mạnh có những “lằn ranh đỏ” mà thậm chí tổng thống cũng không nên vượt qua, và những gì diễn ra thật sự “kinh khủng” cho giới chức tình báo Mỹ.
Các nghị sĩ lưỡng viện ở Đồi Capitol cũng lên tiếng bày tỏ sự bất an trước hành vi “hớ hênh” của chính quyền Washington. Theo CNN, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan lên tiếng yêu cầu Nhà Trắng phải có trách nhiệm giải trình cặn kẽ toàn bộ vụ việc. “Chúng tôi chẳng thể nào biết được họ đã nói chuyện gì, nhưng bảo vệ bí mật quốc gia là điều quan trọng nhất”, văn phòng ông Ryan đưa ra tuyên bố. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho rằng nếu thực sự xảy ra thì đây là hành động cực kỳ gây quan ngại, nhưng thừa nhận tổng thống Mỹ có toàn quyền chia sẻ tin tức tình báo nếu muốn. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cho rằng đã đến lúc Nhà Trắng “cần phải nhanh chóng hành động để đưa cơ quan đầu não của Mỹ quay về trạng thái được kiểm soát và trật tự”.
Trang tin Vox cho hay sau bài báo của The Washington Post, số lượt tìm kiếm với từ khóa “ông Trump phản quốc” đột ngột tăng mạnh trên Google. Cũng như ông McCain, các chuyên gia pháp lý khẳng định tổng thống Mỹ không vi phạm luật hình sự khi tiết lộ tin tức. Tuy nhiên, trong một bài viết trên trang Lawfare, Giáo sư Jack Goldsmith tại Trường Luật Harvard cùng các chuyên gia pháp lý khác cho rằng hành động của ông Trump có thể cấu thành vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức, vốn không nhất thiết phải là vi phạm hình sự. Và chỉ riêng với việc vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức, quốc hội Mỹ có thể xúc tiến luận tội tổng thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.