Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thuốc mang nhãn mác của Công ty Health 2000 Inc Canada có mặt tại VN và nhiều bệnh viện sử dụng theo danh mục thuốc trúng thầu. Điều đáng nói, đầu mối nhập những loại thuốc này về đều liên quan đến Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc VN Pharma.
|
Sau khi báo đưa tin, ông P.V.P, từng là nhân viên Công ty TNHH MTV dược phẩm T.Ư 2 (nay là Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư Codupha) đã đến tòa soạn gửi đơn tố cáo Nguyễn Minh Hùng (Giám đốc Công ty VN Pharma) và Võ Mạnh Cường làm giả một số giấy tờ để nhập các mặt hàng thuốc mang nhãn mác của Công ty Health 2000 Inc Canada như: MGP Axinex, Kafotax, MGP Moxinase 625, Karedox 250, H2K Ciprofloxacine, H2K, Levofloxacine (5 loại kháng sinh) và Vipanzol (trị dạ dày) vào VN, sau đó mua bán lòng vòng để nâng giá đấu thầu đưa vào các bệnh viện (BV) tại TP.HCM.
Ông P. cho biết đã gửi đơn tố cáo này đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác; đồng thời khẳng định Công ty Health 2000 Canada và Health 2000 Inc Canada thực chất là một.
Loạn giá trúng thầu
Theo đơn tố cáo của ông P. và qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại TP.HCM có nhiều loại thuốc được bán từ năm 2011 - 2013 vào các BV với số lượng rất nhiều mang nhãn mác Health 2000 Inc Canada. Điều đặc biệt là cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi bán mỗi giá, có khi chênh lệch nhau đến 50%.
Điển hình, năm 2011 thuốc H2K Ciprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml, số ĐK VN-11531-10) trúng thầu tại BV Trưng Vương là 6.000 lọ, đơn giá 105.000 đồng/lọ; đơn vị phân phối là Công ty TNHH dược - trang thiết bị Mạnh Khang và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex. Cũng loại thuốc này, năm 2012 BV Trưng Vương trúng thầu 5.000 lọ, đơn giá là 103.000 đồng/lọ; đến năm 2013 BV tiếp tục dùng hết 2.300 lọ, tất cả do công ty phân phối là Vimedimex và Công ty TNHH thương mại mỹ phẩm dược phẩm Ái Vy.
|
Cùng loại thuốc H2K Ciprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100 ml), năm 2011 BV Nguyễn Tri Phương trúng thầu 9.000 chai với giá chỉ… 58.600 đồng/lọ và công ty phân phối là Vimedimex.
Năm 2011, trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế của BV Bình Dân có tên loại thuốc này, giá thanh toán là 87.500 đồng/lọ.
Loại thuốc H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500/100 ml, số ĐK VN-11532-10), năm 2011 BV đa khoa khu vực Củ Chi trúng thầu 1.500 lọ với giá 95.000 đồng/lọ, đơn vị phân phối là liên danh Công ty CP đầu tư và phát triển Tây Âu - Công ty CP dược phẩm Đại Nam và Vimedimex. Trong khi đó, cùng năm 2011 BV Trưng Vương trúng thầu 6.000 lọ nhưng với giá 135.000 đồng/lọ, đơn vị phân phối là liên danh Công ty TNHH dược - trang thiết bị Mạnh Khang và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex; năm 2012 BV tiếp tục trúng thầu đến 29.000 lọ trị giá gần 3,8 tỉ đồng và năm 2013 BV sử dụng thêm 3.200 lọ nữa. Còn BV Nguyễn Tri Phương trúng thầu năm 2011 là 9.400 lọ, giá 96.000 đồng/lọ; năm 2012 tiếp tục trúng thầu với số lượng 19.400 lọ với giá 125.000 đồng/lọ.
Hai loại thuốc H2K Ciprofloxacin 200, H2K Levofloxacin 500 cũng từng trúng thầu vào BV Chợ Rẫy với số lượng tổng cộng trên 30.000 lọ.
Thuốc MGP Axinex - 1000 (hoạt chất ceftriaxone 1g, số ĐK VN-8497-09) năm 2012 BV Nguyễn Trãi trúng thầu 20.000 lọ, giá gần 60.000 đồng/lọ, nhà phân phối là Công ty TNHH DP T.Ư 2 (Codupha). Năm 2011 BV Trưng Vương trúng thầu 9.000 lọ, giá 68.500 đồng/lọ; qua năm 2012 BV tiếp tục trúng thầu 11.485 lọ và năm 2013 trúng thầu, sử dụng sử dụng 4.231 lọ. Còn BV Phạm Ngọc Thạch năm 2012 trúng thầu 15.000 lọ nhưng giá chỉ bằng một nửa so với các BV trên: 32.000 đồng/lọ (?!).
Từ 2011 - 2013, Codupha nhập 138.160 lọ MGP Axinex - 1000 trị giá hơn 5 tỉ đồng. Số thuốc này được bán lại BV Trưng Vương, Nguyễn Trãi, BV 7A, BV Bưu Điện, BV đa khoa khu vực Long Khánh, một số trung tâm y tế huyện ở tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra còn xuất bán cho một số công ty.
Loại thuốc Kafotax-1000 (hoạt chất Cefotaxime 1000 mg, số ĐK VN-8496-09) BV Nhân dân Gia Định năm 2011 trúng thầu 600 lọ với giá 36.500 đồng/lọ.
Thuốc Vipanzon (hoạt chất Pantoprazol 40 mg, giấy phép nhập khẩu mang số 9991/QLD-KD), năm 2012 BV An Bình trúng thầu 4.000 ống, giá 92.000 đồng/ống. Sau đó, loại thuốc này được cấp số đăng ký VN-17965-14.
Ngoài những loại thuốc trên, kháng sinh MGP Moxinase 625 được xuất bán lòng vòng cho nhiều công ty trong hệ thống của Nguyễn Minh Hùng với tổng giá trị trên 700 triệu đồng.
Theo tố cáo của ông P., các loại thuốc trên ngoài bán cho địa bàn trọng điểm ở TP.HCM thì còn được bán cho các cơ sở y tế ở tỉnh thành khác từ bắc đến nam như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên…
|
|
Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý dược
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo tại Công ty dược phẩm Vimedimex tiết lộ Nguyễn Minh Hùng vào Vimedimex qua sự giới thiệu của một người quen. Khi đó, ông Hùng được đánh giá là một người năng động, phát triển doanh thu tốt. Năm 2009, ông Hùng được đề bạt làm Phó tổng giám đốc Vimedimex.
Ngày 25.10.2011, ông Hùng thành lập VN Pharma. Tuy nhiên, các loại thuốc trên được cấp số đăng ký từ năm 2009 - 2010 và mua bán sau khi VN Pharma thành lập.
tin liên quan
Vụ VN Pharma: Điều tra trách nhiệm của Cục Quản lý dượcĐề cập tới việc hàng loạt BV dính thuốc Health 2000 Inc, lãnh đạo một BV ở TP.HCM tiêu thụ khá nhiều thuốc của VN Pharma, cho biết BV đã báo cáo về số lượng sử dụng thuốc cho Sở Y tế TP từ nhiều năm trước. Theo vị này, một loại thuốc muốn trúng thầu ngoài giấy phép lưu hành của Bộ Y tế thì phải chấm điểm kỹ thuật và sau đó mới tính đến giá, BV sẽ chọn loại thuốc nào có giá thấp nhất.
“Khi thuốc có đủ điều kiện trúng thầu mà BV không cho vào thì BV sẽ bị công ty kiện. Khi nào thuốc không có giấy phép mà BV tổ chức đấu thầu thì BV mới sai”, vị này nói và cho rằng trường hợp nếu dính thuốc giả thì BV cũng là nạn nhân.
Trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia ngành dược bày tỏ tin tưởng sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, sự vụ sẽ sớm sáng tỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành dược.
“Nếu sau khi điều tra, cơ quan chức năng chứng minh là thuốc giả, thì trách nhiệm nhập thuốc giả thuộc về tổ chức cá nhân đã thực hiện hành vi sản xuất kinh doanh thuốc giả. Nếu thuốc giả nhưng có số đăng ký thật thì phải tính đến trách nhiệm của cơ quan cấp số đăng ký đã để lọt lưới thuốc giả”, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nói.
Về trách nhiệm, người này cho rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc những người liên quan, cần buộc bồi thường nạn nhân phải sử dụng thuốc giả, bởi người bệnh nếu sử dụng phải thuốc giả không chỉ không điều trị được bệnh mà bệnh sẽ tiến triển nặng thêm, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Thủ đoạn làm giả tương tự thuốc H-Capita 500 mg Caplet
Ngày 25.8.2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma), Võ Mạnh Cường cùng 12 năm và 8 đồng phạm khác từ 2 năm tù treo đến 12 năm tù về tội “buôn lậu”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa bệnh ung thư “không được sử dụng cho người”. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm sau đó bị dư luận phản ứng, rằng phải xét xử Hùng theo hướng VN Pharma nhập thuốc giả và làm rõ trách nhiệm quản Cục Quản lý dược.
Đến ngày 30.10.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử từ đầu theo hướng củng cố chứng cứ làm rõ H-Capita là thuốc giả, điều tra trách nhiệm của Cục Quản lý dược và cá nhân thẩm định, cấp phép thuốc H-Capita được lưu hành tại VN.
Ngoài việc làm giả hồ sơ thuốc H-Capita 500 mg Caplet, hồ sơ vụ án “VN Pharma” thể hiện, từ năm 2012 - 2014, Nguyễn Minh Hùng (cùng đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K-Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin) có nhãn mác Health 2000 Canada.
Thực tế lô thuốc này Công ty CP VN Pharma đã thông qua Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) đặt mua của một người tên Raymundo ở Philippines (không xác định được lai lịch) để làm thủ tục nhập khẩu.
Lô thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada cũng được Cường làm giả Invoice (hóa đơn thương mại), Packing list (phiếu đóng gói), COA (bảng phân tích thành phần sản phẩm), đóng dấu Công ty Health 2000 Canada để cung cấp cho VN Pharma.
Ngày 21.9.2014, Mai Thị Thu Nhật (vợ Cường) đã tự nguyện giao nộp con dấu Công ty Health 2000 Canada cho Cơ quan An ninh điều tra. Đến nay, do không thu giữ được đầy đủ tài liệu và tang vật nên Cơ quan An ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị thực của lô hàng này.
Về số tiền chênh lệch nâng khống giá thuốc trong việc nhập khẩu một số lô thuốc H2K-Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin có nhãn mác Health 2000 Canada đã được Bộ Công an làm rõ. Cụ thể, kết quả điều tra xác định được từ năm 2012 - 2014, Công ty CP VN Pharma đã chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tài khoản của Công ty Sa Chempha ở Campuchia do Ngô Anh Quốc (Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) và Nguyễn Trí Nhật thành lập. Đồng thời, VN Pharma cũng chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Auspicious Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp ở Hồng Kông.
Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của các cá nhân và công ty này thì được rút ra cho chi phí bán hàng và mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng đứng tên một số cán bộ chủ chốt của Công ty CP VN Pharma. Tổng số tiền các cá nhân này đứng tên sổ tiết kiệm là hơn 110 tỉ đồng. Những người này khai số tiền trong sổ tiết kiệm là của VN Pharma thu về bằng thủ đoạn nâng khống giá thuốc, để ngoài sổ sách kế toán và được sử dụng để chi phí “hoa hồng” cho bác sĩ nhằm bán thuốc vào các bệnh viện theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng.
Những vấn đề này, quá trình xét xử vụ án “VN Pharma”, TAND cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị phải làm rõ để đi về đúng quy mô, bản chất của toàn bộ vụ án. Đến nay, vụ án vẫn đang được điều tra lại.
Phan Thương
|
Bình luận (0)