Nghi án ổ rửa tiền ở Ngân hàng Trung Quốc

22/06/2015 06:14 GMT+7

Giới công tố Ý đề nghị truy tố chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Milan và gần 300 cá nhân về tội rửa tiền và các tội danh khác.

Giới công tố Ý đề nghị truy tố chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Milan và gần 300 cá nhân về tội rửa tiền và các tội danh khác.

Ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt khả năng ra tòa tại Ý vì cáo buộc rửa tiền - Ảnh: ReutersNgân hàng Trung Quốc đang đối mặt khả năng ra tòa tại Ý vì cáo buộc rửa tiền - Ảnh: Reuters
Ngày 21.6, Reuters đưa tin giới công tố vùng Tuscany, miền trung nước Ý, chính thức đề nghị truy tố chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở thành phố Milan cùng 297 cá nhân, phần lớn là người Trung Quốc sống ở Ý, về nhiều tội danh. BOC là ngân hàng thương mại quốc doanh lớn thứ tư của Trung Quốc. Theo văn bản gửi lên tòa án thành phố Florence do Reuters nắm được, các công tố viên Ý khẳng định hơn 4,5 tỉ euro (5,1 tỉ USD) đã được chuyển bất hợp pháp từ nước này về Trung Quốc trong giai đoạn 2006 - 2010 thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money (M2M) tại nhiều thành phố khác nhau. Trong đó, có tới 2,2 tỉ euro đi qua ngả chi nhánh BOC tại Ý.
Các thẩm phán tại Florence đang xem xét bằng chứng từ phía công tố trước khi đưa ra quyết định thụ lý hay bác bỏ vụ việc. Theo AP, quá trình này có thể mất nhiều tháng.
Câu kết với mafia
Reuters dẫn nguồn tin từ chính quyền vùng Tuscany cho biết số tiền được “rửa” là lợi nhuận phi pháp của các băng nhóm mafia Trung Quốc tại Ý kiếm được từ các hoạt động như buôn lậu, hàng giả, trốn thuế, mại dâm, bóc lột sức lao động công nhân nhập cư...
Từ năm 2008, công tố viên Pietro Suchan, nay đã trở thành thẩm phán, bắt đầu phát động chiến dịch điều tra quy mô lớn nhằm vào băng nhóm tội phạm Trung Quốc. Đến năm 2013, hoạt động của các băng nhóm này ở Tuscany trở thành tâm điểm chú ý sau vụ cháy tại một nhà máy ở Prato, khiến 7 công nhân thiệt mạng. Thành phố này là một trong số những khu vực tập trung nhiều người nhập cư Trung Quốc và bị cho là có nhiều nhà xưởng trái phép dính líu đến mafia Trung Quốc, theo Reuters.
Trong quá trình điều tra, giới chức phát hiện 4 cán bộ quản lý cấp cao thuộc chi nhánh BOC tại Milan có nhiều hoạt động đáng ngờ. Họ bị cáo buộc không báo cáo những giao dịch khả nghi đồng thời cố tình che giấu nguồn gốc và điểm đến của khoản tiền được chuyển cũng như hỗ trợ hoạt động rửa tiền của M2M. Phần lớn số tiền 2,2 tỉ euro được gửi từ nhiều công dân Trung Quốc sống chủ yếu ở 2 thành phố Florence và Prato mà không đề tên người gửi theo đúng quy định hoặc dùng tên giả. Tiền được chia nhỏ gửi làm nhiều lần để tránh nghi ngờ. Theo Hãng tin Ansa, trong giai đoạn 2006 - 2010, có hàng triệu giao dịch được cho là diễn ra ở chi nhánh Milan của BOC có giá trị dưới 2.000 euro, ngưỡng đòi hỏi phải kiểm tra nguy cơ rửa tiền. Sau đó, ngưỡng này được hạ xuống còn 1.000 euro.
Bắc Kinh “không hợp tác”
Về phần mình, BOC khẳng định họ “không làm gì sai” trong các giao dịch chuyển tiền và luật sư của M2M cũng tuyên bố khách hàng của mình “vô tội”. Sau khi kết quả điều tra sơ bộ được công bố hồi đầu tháng 6, Hoàn Cầu thời báo đăng bài chỉ trích “những thông tin không bình thường của truyền thông phương Tây” và nhấn mạnh BOC không có “trách nhiệm hợp tác với cảnh sát Ý”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố giới chức nước này không nắm rõ vụ việc, nhưng khẳng định “Trung Quốc luôn tăng cường hợp tác thực thi pháp luật với các nước khác, cùng truy quét và trừng trị tội phạm xuyên quốc gia”, theo AP. Trong khi đó, giới chức Ý cáo buộc chính quyền Bắc Kinh, vốn đang nhờ nhiều nước hỗ trợ điều tra và truy bắt tội phạm kinh tế và tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài, “không hợp tác trong cuộc điều tra rửa tiền”. “Dù rất nỗ lực, nhưng chúng tôi không thể liên lạc được với giới chức tư pháp và cảnh sát Trung Quốc”, AP dẫn lời thẩm phán Pietro Suchan nói.
Cũng theo văn bản đề nghị truy tố, hiện chưa xác định rõ đối tượng nào ở Trung Quốc nhận tiền “bẩn” gửi từ Ý. Tuy nhiên, bằng cách truy xuất dữ liệu từ máy tính của M2M, các nhà điều tra đã điểm mặt Công ty Wenzhou Cereals Oils and Foodstuffs Foreign Trade Corporation, tại thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Công ty này bị cho là đã nhận 3 triệu euro thông qua M2M vào năm 2007 để xuất hàng giả đến Ý. Bên cạnh đó, AP dẫn một số nguồn tin cáo buộc nhiều công ty kinh doanh hàng giả tại Trung Quốc dựa vào “bức tường lửa pháp lý” ở nước này và sử dụng các ngân hàng quốc doanh để che giấu những giao dịch mập mờ.
Lập ngân hàng giả lừa 32 triệu USD
Theo Tân Hoa xã, giới chức thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đã bắt 5 người với cáo buộc lập một ngân hàng giả để lừa đảo người gửi tiền lên tới gần 200 triệu nhân dân tệ (32 triệu USD) trong vòng khoảng một năm trước khi bị đóng cửa hồi tháng 1.2015.
Cơ sở này được cấp phép hoạt động ngành nghề là tư vấn nông nghiệp nhưng đã xây dựng mặt tiền giống hệt ngân hàng, cho chạy trên màn hình LED thông tin tài chính, chứng khoán và quảng cáo lãi suất tiền gửi hấp dẫn, khiến nhiều người mắc bẫy. Trước khi nhóm này bị triệt phá, đã có 200 người, phần lớn là tiểu thương, gửi từ 100.000 nhân dân tệ đến 20 triệu nhân dân tệ.
Vụ việc bị phanh phui sau khi một nạn nhân không được “ngân hàng” trả tiền lãi lẫn gốc nên đã báo cảnh sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.