Nghi án xung quanh tàu ngầm không người lái Trung Quốc ‘đi lạc’ ở Indonesia

30/12/2020 23:51 GMT+7

Một tàu ngầm không người lái Sea Wing của Trung Quốc , vừa được ngư dân Indonesia tìm thấy ở vùng biển thuộc cửa ngõ Ấn Độ Dương, ẩn chứa khả năng về kế hoạch do thám trên biển mà Bắc Kinh đang thực hiện.

Ngư dân tìm thấy tàu ngầm không người lái

Ngày 30.12, chuyên trang The Drive dẫn thông tin từ báo địa phương của Indonesia cho hay một ngư dân nước này đã mang theo một thiết bị trông giống tàu ngầm không người lái (UUV) đến trình báo cơ quan chức năng sở tại. Theo đó, đây là một UUV thuộc dòng Sea Wing của Trung Quốc và đã được tìm thấy ở vùng biển của Indonesia.

Theo trình báo từ người ngư dân, UUV trên được vô tình tìm thấy ở vùng biển gần quần đảo Selayar ngoài khơi Indonesia. Đây được xem là khu vực cửa ngõ có thể dẫn vào Ấn Độ Dương.

Giới chức Indonesia kiểm tra UUV Sea Wing được ngư dân tìm thấy ngày 20.12

The Drive

Mang thiết kế tương tự ngư lôi, chiếc UUV thuộc dòng Sea Wing được tìm thấy có hệ thống cảm biến nằm ở phía trước cùng với một ăng-ten phía đuôi và nhiều khả năng được sử dụng để thăm dò thông tin dưới lòng đại dương.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu, UUV Sea Wing được phát triển bởi Viện Tự động hóa Thẩm Dương và Học viện Khoa học Trung Quốc. Cuối tháng 12.2019, truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho hay tàu khảo sát của nước này đã triển khai 12 chiếc UUV vào vùng biển phía đông Ấn Độ Dương. Trước đó, vào tháng 3.2019, một ngư dân Indonesia cũng từng tìm thấy một chiếc Sea Wing ở vùng biển phía nam Biển Đông.

UUV Sea Wing có thể để thu thập dữ liệu về nhiệt độ, độ mặn, độ đục, nồng độ oxy… Những dữ liệu này không đơn thuần dùng để nghiên cứu khoa học, mà còn tạo ra nhiều giá trị để các chuyên gia quân sự hoạch định kế hoạch triển khai các khí tài hải quân.

“Núp bóng” dân sự

Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng bị giới chuyên gia quốc tế lo ngại đó chỉ là “núp bóng” dân sự nhằm che đậy các hoạt động quân sự.

Tháng 3.2020, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi. Đây là các bãi đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo thông tin trên, 2 cơ sở mới có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.

Một mẫu UUV Sea Wing được Trung Quốc giới thiệu trong một triển lãm

Ảnh: Jatosint

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên khi đó, Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự. Cụ thể, theo TS Nagao, Bắc Kinh cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Điển hình như việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật là nhằm đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà Trung Quốc đang đồn trú tại đây.

Hay nghiên cứu môi trường biển để thu thập thông tin nhằm ẩn nấp tàu ngầm tại những khu vực này. Ở trong lòng biển, nơi tàu ngầm hoạt động, Trung Quốc cần nắm rõ các điều kiện dòng nước để thiết lập hệ thống cảm biến phục vụ cho mạng lưới liên lạc, cập nhật thông tin của tàu ngầm.

Tương tự, Bắc Kinh cũng muốn cập nhật nhiều hơn thông tin về thời tiết vốn có vai trò quan trọng để triển khai máy bay quân sự. Ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có vai trò quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Chính vì thế, nhiều chương trình nghiên cứu biển của Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế phải quan ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.