Nghi 'bắt cóc' học sinh: Để kẻ mạo danh phụ huynh không thể làm liều

27/12/2023 16:11 GMT+7

Gần đây ở một số địa phương có tình trạng người lạ đến trường, mạo danh phụ huynh để đón học sinh trong giờ tan trường.

Nghi 'bắt cóc' học sinh: Để kẻ mạo danh phụ huynh  không thể làm liều
- Ảnh 1.

Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM tự đi bộ về nhà khi tan trường

THÚY HẰNG

Như vụ việc mới xảy ra tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), trong giờ học sinh trường tiểu học tan học, một người đàn ông nghi mạo danh phụ huynh tới đón một em học sinh lớp 1. Bác bảo vệ đã phát hiện, chặn đầu xe, bế được em học sinh xuống. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Theo thông tin ban đầu từ Công an TP.Phan Thiết, đây là người chạy xe ôm được phụ huynh nhờ đi đón học sinh nhưng do người này chạy lòng vòng, khiến mọi người sợ và nghi ngờ có dấu hiệu bắt cóc trẻ em.

Tuy nhiên, trước nghi ngờ này của phụ huynh và nhà trường thì vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để nhà trường, phụ huynh cùng phối hợp, đảm bảo an toàn cho học sinh trong giờ tan học? Đâu là những kỹ năng an toàn cần dạy cho học sinh, đặc biệt các bé mầm non, tiểu học để những kẻ mạo danh phụ huynh với ý đồ xấu không có cơ hội làm liều?

Nếu nhờ người thân đón con, cần thông báo cho thầy cô

Ngay từ khi mới bắt đầu năm học mới 2023-2024, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM, đã ra thông báo, đăng tải rộng rãi trên website nhà trường về vấn đề tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn trong giờ đón học sinh tại trường.

Theo thông báo: "Để tránh tình trạng người tự xưng người nhà để rước học sinh tan học, nhà trường đề nghị các thầy cô giáo, bảo mẫu và cha mẹ học sinh tăng cường nâng cao cảnh giác trong giờ tan học và đón trẻ tại trường".

Cụ thể, đối với phụ huynh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 đề nghị cha/mẹ cố gắng sắp xếp thời gian để trực tiếp đón con. Trong trường hợp nhờ người thân đón, cha mẹ cần báo cho cô bảo mẫu của lớp và dặn dò học sinh chỉ được đi theo người thân đã có báo trước.

Nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu chỉ giao trả học sinh cho cha/mẹ hoặc người thân (đã được cha mẹ học sinh báo trước) và học sinh phải nhận biết được người thân đến đón. Tuyệt đối không giao học sinh cho người lạ.

"Trường hợp không phải cha mẹ trực tiếp rước học sinh, để bảo đảm an toàn cho trẻ, các cô bảo mẫu sẽ ghi nhận lại thông tin như thời gian đón, số xe, số điện thoại của người đón (người đón trẻ vui lòng hợp tác với nhà trường)", theo thông báo của Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3.

Nghi 'bắt cóc' học sinh: Để kẻ mạo danh phụ huynh  không thể làm liều
- Ảnh 2.

Các trường học đều khuyên cha, mẹ, người thân nên bố trí thời gian để có thể đón con khi tan học

THÚY HẰNG

Đồng thời, trường tiểu học này cũng cho biết nhà trường tăng cường nhân viên bảo vệ giám sát trong giờ tan học và có giám sát qua camera an ninh, để đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt trong giờ tan học.

Giáo dục kỹ năng an toàn cho học sinh

Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, thành viên hội đồng bộ môn giáo dục công dân, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là trong giờ tan học, tránh nguy cơ người mạo danh phụ huynh làm việc xấu là trách nhiệm gia đình, nhà trường và bản thân học sinh. Vì vậy rất cần thiết phải giáo dục kỹ năng an toàn cho các em.

Về phía gia đình, theo thạc sĩ Thanh Tuấn, phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình trong việc không được tiếp xúc với người lạ; không được đi với người lạ nếu chưa có sự đồng ý của phụ huynh. Phải luôn nhắc con chờ cha, mẹ, ông bà hoặc người thân quen đến đón, không được tự ý nghe và tin theo lời của người lạ.

"Phụ huynh có thể làm các thẻ tên có số điện thoại cá nhân, để khi cần thiết học sinh có thể nhờ thầy cô, hoặc nhân viên nhà trường gọi liên hệ trực tiếp để xác nhận thông tin", thạc sĩ Thanh Tuấn, cũng đang là tổ trưởng chuyên môn Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM gợi ý.

Nghi 'bắt cóc' học sinh: Để kẻ mạo danh phụ huynh  không thể làm liều
- Ảnh 3.

Phụ huynh chờ rước con tan học

THÚY HẰNG

Theo thạc sĩ Thanh Tuấn, việc thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề giáo dục kỹ năng cho học sinh như: xử lý tình huống khi gặp người lạ, giữ bình tĩnh trong trường hợp nguy hiểm… là việc rất thiết thực, hữu ích. Thông qua các chuyên đề này, thầy cô tạo ra các tình huống thực tế để các em tự xử lý và đưa ra cách xử lý phù hợp.

"Đồng thời với việc giáo dục kỹ năng cho học sinh, nhà trường cần thông tin cho các bậc cha mẹ nắm rõ thông tin về giờ đưa, rước các em. Bên cạnh đó, phải đảm bảo, nâng cao công tác an ninh, an toàn trong trường học và cổng trường thông qua việc thường xuyên cử bảo vệ, giáo viên kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp bất thường...", thạc sĩ Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Đâu là những bài học cần dạy trẻ em?

Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn chỉ ra những bài học an toàn mà cha mẹ, thầy cô cần dạy cho trẻ em, từ độ tuổi mầm non, tiểu học:

  1. Không nghe theo lời người lạ; Không nhận tiền, quà bánh, đồ chơi... từ người lạ.
  2. Nhanh chóng đi đến nơi có thầy cô, nhân viên nhà trường để được hỗ trợ, giúp đỡ.
  3. Chủ động nhờ thầy cô, nhân viên nhà trường liên hệ với phụ huynh để biết thông tin chính xác; và biết từ chối không nghe điện thoại của người lạ yêu cầu.
  4. Cần giữ bình tĩnh khi gặp các trường hợp nguy hiểm, hãy nhờ những người đáng tin cậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.