Tiếp xúc với Thanh Niên ngày 8.9, ông Đỗ Văn Thỏa (48 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, H.Tân Phú, Đồng Nai) trình bày: Năm 1990, ông cùng ông Hoàng Văn Hưởng được giao nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng thuộc Lâm trường 600 (H.Tân Phú, Đồng Nai). Chiều tối 18.5.1990, trong khi tuần tra, ông Thỏa và ông Hưởng bị hai người vận chuyển gỗ trái phép (tên là Tiến và Hùng, cùng ngụ xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) bắn trọng thương để tẩu tán gỗ rồi bỏ trốn. Hai bảo vệ rừng sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Kết quả giám định y khoa tỉnh Đồng Nai xác định ông Thỏa bị thương tích 55%, ông Hưởng là 25%. Sau khi được cứu sống, sức khỏe ổn định, ông Hưởng về quê Nam Định sinh sống, ông Thỏa tiếp tục về lại Lâm trường 600 công tác.
Ngày 25.5.1990, Công an H.Tân Phú ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Tiến về tội “giết người”. Tuy nhiên, Tiến đã trốn khỏi địa phương. Ngày 10.6.1990, Công an tỉnh Đồng Nai ra lệnh truy nã Tiến và mãi đến ngày 10.8.2015 (sau 25 năm) Tiến mới bị bắt giữ.
Sau khi bắt được Tiến, ông Thỏa và ông Hưởng được điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai (PC44) liên hệ lấy lời khai và đề nghị cung cấp tất cả giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ án. Tiếp đó, cả hai được PC44 hướng dẫn đi giám định lại tỷ lệ thương tật. Kết quả giám định ông Thỏa bị thương tích 60%, ông Hưởng 35%.
Tuy nhiên, ông Thỏa đợi một thời gian dài nhưng không có thông tin gì nên ngày 24.6 đã làm đơn khiếu nại. Ngày 17.8, ông Thỏa nhận được văn bản trả lời của PC44 giải thích cơ quan này đã ra lệnh tạm giam Tiến nhưng do hồ sơ bị thất lạc nên không đủ tài liệu, chứng cứ để xác định hành vi phạm tội của Tiến. Do thời hạn điều tra đã hết, ngày 14.3.2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can đối với Hoàng Văn Tiến về tội “giết người” theo điểm b, khoản 2, điều 164 bộ luật Tố tụng hình sự. “Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục truy tìm hồ sơ vụ án và củng cố tài liệu chứng cứ xác định hành vi phạm tội của Tiến, khi có đủ cơ sở sẽ phục hồi điều tra theo quy định của pháp luật”, văn bản của PC44 giải thích.
Ông Thỏa bức xúc: “Tôi thấy văn bản trả lời không hợp lý. Tất cả các nhân chứng của vụ án còn sinh sống tại địa phương, sự việc cũng đã rõ ràng thì phải đưa ra xét xử chứ không thể bao che”.
Thấy có lỗi với dân
Ngày 8.9, trả lời Thanh Niên, đại tá Lê Văn Hùng - Chánh văn phòng PC44 giải thích khi cơ quan tố tụng cấp huyện làm hồ sơ, thủ tục ban đầu thì Tiến bỏ trốn. Họ cũng không củng cố, tập hợp đầy đủ hồ sơ tiếp mà gác lại. Sau 25 năm truy nã, Công an tỉnh bắt được Tiến, phục hồi hồ sơ vụ án thì không thể truy tìm được hồ sơ do Công an H.Tân Phú đã làm thất lạc. “Công an tỉnh nhận hồ sơ bàn giao từ Công an H.Tân Phú chỉ có quyết định khởi tố và lệnh truy nã. Chúng tôi đã khởi tố vụ án, phục hồi điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh nhưng họ không dám phê chuẩn vì hồ sơ như thế không thể khởi tố được. Chúng tôi buộc phải xin ý kiến của Bộ Công an. Sau đó Bộ Công an cũng yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo, cá nhân dẫn đến làm thất lạc hồ sơ. Tuy nhiên, cán bộ thụ lý thời điểm đó người thì đã chết hoặc nghỉ việc lâu rồi nên khó xử lý được trách nhiệm”, đại tá Hùng nói.
Theo đại tá Hùng, dù có nhân chứng, người bị hại nhưng đó cũng chỉ là một nguồn thông tin để chứng minh. Còn các hồ sơ khám nghiệm hiện trường, biên bản thu thập đầu đạn, khẩu súng gây án... thì thất lạc nên không chứng minh được đối tượng phạm tội. “Chúng tôi đã nỗ lực 25 năm truy nã và bắt được Tiến. Nay hồ sơ bị thất lạc nên rất khó khăn trong việc xử lý. Việc này khiến chúng tôi cũng rất bức xúc và thấy có lỗi với người dân”, đại tá Hùng phân trần.
|
Bình luận (0)