Ngày 5.2, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khuyến khích các trường đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, khuyến khích các hình thức, phương pháp dạy học nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học.
Cụ thể, Sở yêu cầu xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, có phương án hỗ trợ, giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản khi nhập học trở lại sau thời gian nghỉ hoặc cách ly.
Ngay sau khi Sở hướng dẫn và để nhanh chóng giúp học trò có thể tự học ở nhà, nhiều trường, nhiều giáo viên đã lên phương án học tập. Chẳng hạn thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên vật lý Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) viết lên nhóm Facebook lớp 10A2 "Chúng ta học online vậy. 8 giờ tối nay thầy post bài kiểm tra phần này, thời gian làm bài là một tiếng. Học online nhưng kiểm tra thật nhé cả lớp".
Kèm theo lời nhắn là bài giảng về động lượng và định luật bảo toàn động lượng trên YouTube thì thầy Tùng còn cho biết, hoàn thành xong đề kiểm tra cho lớp 10, thầy Tùng làm đề cho lớp 11 để kịp cho các em học buổi tối. Một số lớp cần giảng thêm lý thuyết, tôi sẽ quay video rồi đưa lên YouTube..
Theo giáo viên Phạm Thư Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng có tính tương tác, học sinh dễ dàng trao đổi với nhau. Do đó, việc đặt câu hỏi cũng phải khác trên lớp để kích thích các em xem lại bài cũ. Trước đây thầy và trò cũng thường trao đổi trên Facebook nên mọi việc không mấy lạ lẫm. Học sinh làm bài xong, giáo viên sẽ livestream trên mạng xã hội để sửa bài.
|
Tương tự, tại hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc, cô Nguyễn Thị Liễu, quản lý một số cơ sở của trường này, cho biết các giáo viên ở khối trung học tận dụng phần mềm Office 365 để giao bài tập cho các em trong thời gian nghỉ học do virus corona. Theo đó, mỗi học sinh có một tài khoản truy cập, giáo viên chủ nhiệm tạo nhóm trao đổi theo lớp với thành viên là học sinh và giáo viên bộ môn. Ngoài ra, theo cô Liễu, thầy trò cũng có thêm các kênh tương tác để giải đáp các câu hỏi qua mạng xã hội như Facebook, hoặc dùng Skype.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus corona, các trường hạn chế tổ chức các hoạt động có tập trung học sinh, có nguy cơ lây nhiễm. Việc thực hiện có ứng dụng CNTT cần được xây dựng khoa học, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định, vì lợi ích của người học. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức của hoạt động dạy học có ứng dụng CNTT. Và tất cả các nội dung học tập, điều chỉnh phải đăng tải trên trang thông tin chính thức của trường.
Bình luận (0)