Nghỉ học tránh Covid-19: Có nên hợp thức hóa quy định học online và tại nhà ?

19/02/2020 09:01 GMT+7

Trong những ngày học sinh nghỉ học kéo dài để tránh dịch Covid-19, các trường tăng cường dạy học online , là một cơ hội để bàn đến việc hợp thức hóa học online và tại nhà (homeschooling) ở Việt Nam.

Cơ hội tốt cho phép học online

Trong thời gian nghỉ, giáo viên (GV) chuyển sang dạy online, học sinh (HS) học tại nhà. Từ hiện tượng này, đặt ra vấn đề có nên quy định cho phép thành lập trường học online, học tại nhà?
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Trường học trực tuyến Thinking School, cho biết việc ra đời của trường là một minh chứng rất rõ cho sự khuyết thiếu trong luật. Để thành lập trường online, ông Dũng phải qua Thụy Sĩ để xin phép thành lập. Sau đó, để kiểm định trường và chương trình đào tạo, ông liên hệ Tổ chức kiểm định quốc tế FIBAA.
Theo tiến sĩ Dũng, cuối năm 2019, theo ông biết Bộ GD-ĐT có bàn về việc biên soạn dự thảo kiểm định chất lượng về học online, nhưng hiện tại vẫn chưa hoàn tất. Hệ thống luật giáo dục hiện nay vẫn đang xây dựng dựa trên giả thuyết là HS sẽ đến học tại trường. Cụ thể là thành lập một trường học thì cần đảm bảo cần có bao nhiêu héc ta đất, quy định về HS, GV, cơ sở vật chất... Nhưng khi chuyển sang trường học online thì mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, trường học online có thể có 1.000 phòng nhưng là “phòng học ảo”; GV khắp nơi trên thế giới...
“Trường dạy online là một thực thể mới hoàn toàn, thay đổi giả thuyết truyền thống của giáo dục. Bộ GD-ĐT không quen vì tiêu chuẩn thay đổi hết nên khá lúng túng khi xây dựng luật, dù cũng rất cầu thị. Về bản chất, ở Việt Nam cũng chưa có thực tiễn về trường online nên cơ quan quản lý khá lúng túng. Do đó luật cần có quy định riêng về vấn đề này”, tiến sĩ Dũng chia sẻ.
Theo tiến sĩ Dũng, học online có nhiều lợi ích. Như có một chương trình rất tốt của một trường nhưng những HS ở vùng sâu vùng xa làm sao tiếp cận? Nếu tổ chức tốt dạy online thì sẽ giải quyết được vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cũng cho rằng luật giáo dục hiện nay chưa cho phép thành lập trường học online. Bộ GD-ĐT đang biên soạn quy chế kiểm định chương trình, sau đó mới tiến tới bước cao hơn là thành lập trường học online.
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho biết rất ủng hộ việc quy định cụ thể trong luật về dạy và học online. “Có những sự cố như hiện tại thì HS học online như thế nào? Có những môn học mà HS không muốn đến lớp học thì làm sao? Tại Mỹ, ở cấp tiểu học thì khó triển khai học online nhưng từ THCS đến ĐH đã triển khai từ rất lâu và hết sức linh hoạt”, ông Cảnh thông tin.

Cần luật hóa quy định về học tại nhà

Ông Trần Đức Cảnh cũng cho biết ở phương Tây, chuyện cha mẹ không cho con đến trường mà lập nhóm tại gia đình để dạy con (homeschooling) không phải là hiếm. Nhưng học tại nhà thường ở cấp tiểu học và THCS, ít có ở bậc THPT.
Theo ông Cảnh, ở Việt Nam hiện nay rất khó triển khai học tại nhà. Luật Giáo dục hiện nay vẫn hơi cứng, chưa rõ. Hệ thống gần như chưa mở, chưa có sự chuẩn bị cho học tại nhà hay online. “Để quy định về học tại nhà, trong luật nên có nội dung: cha mẹ được quyền dạy con ở nhà hay một nhóm phụ huynh có thể dạy HS ở nhà. Cũng cần có quy định nhất định, chẳng hạn cho phép đăng ký từ lớp 1 - 5…”, ông Cảnh nói.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng cũng cho rằng trong xã hội phát triển, nhu cầu học tại nhà sẽ phát triển. “Học tại nhà sẽ bỏ đi độc quyền giáo dục, bỏ chuyện chỉ có một bộ SGK, một cách học cho mọi người... Xã hội hiện đại là đa dạng hóa lối sống của mọi người. Tuy nhiên, để có quy định về luật đối với học tại nhà thì vấn đề đầu tiên là phải thay đổi tư duy. Đừng sợ việc người khác làm sai. Phụ huynh rất khôn ngoan, họ sẽ chọn cho con học trường uy tín chứ không bao giờ cho con học trường tệ hại. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là cho phép, đưa ra khung pháp lý để vận hành cho tốt”, tiến sĩ Dũng chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng thì cho rằng hiện nay luật chưa cho phép chuyện học tại nhà vì homeschooling là tách bạch giữa thi cử và học hành, trong khi luật hiện nay vẫn gắn liền hai điều này. Ở Việt Nam không học phổ thông, không học thời gian thường xuyên thì không thi được.
“Có những hình thức như học tại nhà thì mới xã hội hóa, thúc đẩy những hình thức đào tạo khác như học online. Hãy xem việc học và thi khác nhau như cách đào tạo chứng chỉ và thi tiếng Anh theo chuẩn châu Âu hiện nay. Tất cả các trường ĐH có thể dạy nhưng chỉ có một số ít trường được tổ chức thi và cấp bằng. Tách bạch việc học và thi như vậy thì mới triển khai học tại nhà được”, tiến sĩ Tùng cho biết.
Vì vậy, theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, để triển khai học tại nhà hay online, chỉ cần sửa điều khoản quy định về thi tốt nghiệp THPT. Đó là người học theo bất kỳ hình thức nào cũng có thể tham gia dự thi tốt nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.