Khi thiên tai dịch bệnh ập đến, ngành giáo dục có thể chủ động ứng phó, chứ không bỏ trắng trận địa như hiện giờ.
Vì dịch Covid-19 đang bùng phát, học sinh (HS) cả nước buộc phải nghỉ học ở nhà đến hết tháng 2. Thế là cả nước thực hiện “học tại nhà”. Một chuyện xa vời bỗng chốc trở thành lựa chọn duy nhất của phụ huynh và HS VN.
Học tại nhà bỗng nhiên trở thành thực tế, trong sự ngỡ ngàng và bị động về chính sách của cả phụ huynh, HS, nhà trường và các nhà quản lý giáo dục.
Trước hiện trạng này, chúng ta cần đặt câu hỏi: Tỷ như học tại nhà là một hình thức giáo dục được thừa nhận chính thức, có hướng dẫn thực hiện, có nội dung chương trình, có tài liệu hỗ trợ, có quy định kiểm tra đánh giá định kỳ thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Thêm lựa chọn cho phụ huynh, học sinh
Mọi chuyện chắc chắn sẽ tốt hơn việc homeschooling bị động và không chính thức như hiện thời rất nhiều. Do được chuẩn bị về tâm lý và hợp pháp về cách thức thực hiện, phụ huynh và nhà trường sẽ có thêm lựa chọn khi dịch bệnh ập đến. Khi đó, chỉ cần nhà trường hướng phụ huynh chuyển sang hình thức homeschooling, thì việc học của HS sẽ không bị gián đoạn. Cả nước sẽ không phải thấp thỏm về việc học như hiện giờ.
Chưa kể, khi tham gia học tại nhà, HS và phụ huynh sẽ có thêm cơ hội khám phá một hình thức học tập mới, rất gần với việc học tập suốt đời. Vì lẽ đó, lợi ích của việc tự tổ chức học tập tại nhà này sẽ rất lớn và kéo dài suốt cuộc đời.
Còn như hiện thời, vì không quen và không thừa nhận học tại nhà như một hình thức giáo dục hợp pháp, phụ huynh cả nước bỗng nhiên rơi vào thế bị động, hầu như không biết làm gì khác than thở và ngồi chờ… thông báo của nhà trường. Nhà trường lại ngồi chờ thông báo từ bên trên. Và trên thì chờ dịch tan để thông báo, trong tình trạng lúng túng không kém. Lý do là việc học chỉ có thể khôi phục khi dịch tan hoặc khi đảm bảo an toàn, nhưng khi nào dịch tan, hoặc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho HS ở trường thì không ai biết chắc.
Nhiều nước tiên tiến áp dụngHomeschooling là hình thức học tại gia khá phổ biến tại nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Rất nhiều bậc phụ huynh chọn vì nhiều lý do khác nhau, như gia đình di chuyển liên tục, nhà ở xa trường học, bố mẹ muốn tự dạy con cái theo ý mình, không hài lòng với cách thức giáo dục của nhà trường, hoặc đơn giản là… thích như thế.
|
Khi có chủ trương học tại nhà, tâm lý xã hội cũng sẽ tốt và ổn định hơn vì các gia đình vẫn còn lựa chọn ở trong tay. Thói quen học tập tại nhà được gia cố. Việc gia đình tham gia giáo dục được công nhận chính thức và được hỗ trợ.
Quan trọng hơn, học tại nhà sẽ mang lại một làn gió mới, tuy nhỏ nhưng mát mẻ, về tinh thần chủ động và tự do mà hình thức giáo dục này mang lại cho một nhóm nhỏ phụ huynh và HS. Khi thiên tai dịch bệnh ập đến, ngành giáo dục có thể chủ động ứng phó, chứ không bỏ trắng trận địa như hiện giờ.
Làm sao để trở thành hiện thực ?
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa học ở nhà vào thực tế?
Trước hết, Bộ GD-ĐT cần công nhận hình thức giáo dục này vì đó là một xu hướng giáo dục hiện đại và là nhu cầu có thật của xã hội. Sau đó, Bộ cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, Bộ cần ra văn bản xác lập vị trí pháp lý của hình thức giáo dục này và ban hành hướng dẫn phụ huynh và HS cách thức đăng ký tham gia hình thức giáo dục này với phòng giáo dục địa phương và nhà trường để quản lý, hướng dẫn phụ huynh sử dụng chương trình và hệ thống học liệu (sách giáo khoa, bài giảng trực tuyến, tài liệu ôn tập, tài liệu bổ trợ...), cách tham gia đánh giá thi cử cuối kỳ và cuối năm cho các HS học tại nhà, và cuối cùng cách sử dụng các kết quả học tập này khi HS muốn trở lại trường để tham gia học chính quy.
Như thế, HS có thể chuyển từ hình thức học tập này sang hình thức học tập khác khi có nhu cầu, khi gia đình di chuyển, hoặc khi gặp thiên tai dịch bệnh, đảm bảo việc học của HS không bị gián đoạn trong bất cứ tình huống nào.
Về mặt chính sách, đây là hình thức xã hội hóa giáo dục cao nhất, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước, lại đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.
Vấn đề còn lại là ngành giáo dục cần thừa nhận nó và đưa vào thực tế bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Ý kiếnGiáo viên chỉ cần thêm kỹ năng về công nghệ
Việc triển khai học tại nhà, học trực tuyến trên nền tảng công nghệ đã có sẵn, trang thiết bị cũng không yêu cầu gì phức tạp, chủ yếu chỉ vận dụng nên quan trọng nhất vẫn là kỹ năng sư phạm và kiến thức của giáo viên.
Về cơ sở vật chất, rất đơn giản chỉ cần một máy tính có kết nối internet, camera, micro và tai nghe, trong khi thường những phụ kiện này đã được tích hợp sẵn trong máy tính xách tay. Còn về giáo viên thì cần có bằng cấp, phương pháp giảng dạy và biết ứng dụng công nghệ vào giảng dạy là được. Cụ thể, điều kiện về giáo viên cũng y như giáo viên đứng lớp bình thường, chỉ cần thêm một số kỹ năng về công nghệ để áp dụng vào giảng dạy mà thôi.
Tiến sĩ Hoàng Thục Nhi (đang giảng dạy bậc ĐH tại Phần Lan)
Tự học là một trong những kỹ năng phát triển bản thân
Ý chí và tâm thế của người dạy và người học là điều cần thiết. Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận tự học là một trong những kỹ năng để phát triển bản thân. Nếu chúng ta có ý chí trên tâm thế sẵn sàng, xác định mục tiêu thì thực hiện khá đơn giản. Thế giới công nghệ quá phong phú, đa dạng tiện ích với hàng ngàn phần mềm, ứng dụng với hệ thống giảng dạy online miễn phí… có thể thực hiện trên nhiều giao diện. Chỉ cần điện thoại kết nối internet là có thể dạy, học mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, từ giáo viên đến HS, đừng thụ động, chờ người khác dạy thì lúc nào mình cũng đi sau họ. Cùng chủ động để tự tìm hiểu, tự khám phá không chỉ góp nhặt kiến thức mình đang tìm mà có thể mở rộng thế giới mênh mông.
Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục của Microsoft)
Cần năng lực giải quyết vấn đề và tư duy linh hoạt
Để thực hiện việc thay đổi hình thức tổ chức lớp học, quan trọng là giáo viên. Việc thiết kế bài học trực tuyến cần giáo viên có kinh nghiệm, có thể hình dung trước những tình huống mà HS có thể đề cập đến để đưa vào bài giảng, đồng thời với đó là kỹ năng thiết kế bài giảng. Trong đó, cốt lõi là năng lực giải quyết vấn đề và tư duy linh hoạt, còn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể học hỏi một cách dễ dàng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền (Phó hiệu trưởng Trường quốc tế Phần Lan - Việt Nam)
Bích Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)