Nghỉ học vì dịch Covid-19: Để năm sau dạy bù nếu không tinh giản hết !

26/03/2020 07:32 GMT+7

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT cần có giải pháp cho tình huống xấu hơn, trong đó có đề xuất để lại nội dung chưa dạy được sang năm học sau dạy bù.

Sáng 25.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tinh giản chương trình và hướng dẫn dạy học qua truyền hình và trực tuyến.

Giảm 5 - 7 tuần so với chương trình

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đang chỉ đạo các tiểu ban tinh giản chương trình khẩn trương rà soát để có hướng dẫn trong tháng 3 cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện. “Hướng dẫn tinh giản này chỉ áp dụng trong học kỳ 2 của năm học này, khi học sinh (HS) phải nghỉ học quá dài”, ông Độ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị không nên tinh giản theo hướng cắt giảm chương trình mà theo hướng hạ thấp mức độ yêu cầu với từng nội dung cụ thể trong chương trình của tất cả các lớp; từ lớp 1 - 11 có thể bù đắp những nội dung cần thiết vào năm sau.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, nêu ý kiến Bộ cần nhiều phương án tinh giản ứng với thời gian thực học khác nhau, vì chưa biết bao giờ dịch bệnh kết thúc để HS trở lại trường. Thời gian kết thúc năm học là ngày 15.7, nhưng nếu tháng 4 tới HS chưa thể đi học thì cần có phương án tinh giản nhiều hơn.

Không kiểm tra định kỳ khi học từ xa

Đối với việc đánh giá kết quả học tập của HS học qua trực tuyến, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng, ông Độ khẳng định: “Bộ thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các trường khi HS đi học trở lại. Trước đó, khi HS mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học trực tuyến, trên truyền hình”.
Cũng theo ông Độ, chậm nhất trong hôm nay 26.3, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn việc dạy học, kiểm tra, đánh giá qua internet, trên truyền hình.
Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cho rằng dự kiến kết thúc năm học vào ngày 15.7 của Bộ là hết sức khó khăn với tình hình hiện nay. Ngành GD-ĐT với hơn 20 triệu HS, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên đang chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, chất lượng giáo dục không thể đòi hỏi được như các năm học bình thường. Do vậy, ông Truyền đề nghị hướng dẫn tinh giản của Bộ phải dựa vào điều kiện dạy học tối thiểu để có thể thực hiện thống nhất trên cả nước. Có thể áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình cho HS lớp 9, lớp 12 hoàn thành chương trình, còn các lớp khác để năm học sau…
Xung quanh các đề nghị trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để đến ngày 15.7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho HS, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Theo ông Độ, Bộ sẽ phải đưa ra một “mức trần” thấp nhất trong phương án tinh giản chương trình trong điều kiện có thể, bởi phải tính đến tình huống thời gian học trực tiếp còn quá ít. “Mong muốn đặt ra của Bộ là HS vẫn hoàn thành chương trình năm học này ở mức tối thiểu. Những phần nội dung còn thiếu hụt sẽ được bổ trợ vào năm học sau”, ông Độ nêu quan điểm.

Dạy trên truyền hình tất cả các lớp: Không khả thi !

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết khi việc nghỉ học còn tiếp tục kéo dài sang tháng 4, thì việc dạy học trên truyền hình là giải pháp mà Bộ dự kiến áp dụng rộng rãi trên cả nước cho tất cả các cấp học, trong đó có cả tiểu học. Bộ đang phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông và các địa phương bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi HS. Ví dụ, HS THPT học vào buổi sáng, THCS học buổi chiều và HS tiểu học học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên theo dõi và hỗ trợ cho con vì lứa tuổi tiểu học chưa thể tự học bằng hình thức từ xa được.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết HS của tất cả các cấp ở Hà Nội nghỉ hoàn toàn từ ngày 3.2 đến dự kiến hết ngày 5.4. Tuy nhiên, có thể với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, còn phải nghỉ học kéo dài thêm. Hà Nội đã chủ động học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho HS từ lớp 4 - 12, với thời lượng phát sóng là 88 chương trình/tuần ở cả 2 kênh của Đài truyền hình Hà Nội.

Tập hợp đủ bài giảng 120 môn các khối lớp để phát sóng

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với việc dạy học trên truyền hình, quan điểm chỉ đạo của Bộ là phải kết hợp với hỗ trợ trực tiếp HS để kiểm soát được việc học tập của các em, cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học. Các thầy cô cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn HS học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho HS thực hiện sau giờ học trên truyền hình. Khi HS đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em.
Theo ông Độ, do khối lượng bài giảng cho các môn học của các khối lớp là rất lớn (120 môn), nên Bộ đã có công văn đề nghị các sở cung cấp các bài giảng trên truyền hình để Bộ tổng hợp, lựa chọn phát sóng miễn phí trên các kênh truyền hình để HS tiện theo học.
Tuy nhiên, nhiều địa phương mới chỉ bắt đầu dạy qua truyền hình cho HS lớp 9 và 12, tập trung vào các môn thi. Lãnh đạo các sở GD-ĐT đều có chung nhận định: Nếu dạy đủ các môn cho tất cả các lớp qua đài truyền hình địa phương là không khả thi, do không đủ thời lượng phát sóng và các vấn đề liên quan về điều kiện, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng dự thảo hướng dẫn của Bộ chỉ phù hợp áp dụng mang tính giải pháp tình thế, hoàn cảnh bất thường của năm nay. Còn về lâu dài, nếu công nhận dạy học từ xa thì Bộ phải ban hành bằng thông tư hướng dẫn. Theo ông Hiếu, cơ sở và điều kiện của các nhà trường để dạy qua internet không đồng đều, do đó mức độ đảm bảo chất lượng rất khác nhau. Với việc dạy học qua truyền hình, TP.HCM cũng mới chỉ áp dụng với lớp 9 và lớp 12, không dạy theo nội dung tuần tự trong chương trình, mà Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng thành các chủ đề dạy học khác nhau. Tuy nhiên, nếu áp dụng cho tất cả các lớp thì không thể thực hiện được trên truyền hình địa phương.
Ông Hiếu cũng chỉ ra thực tế, dù 1 tháng qua thực hiện dạy trên truyền hình cho 2 đối tượng cần ưu tiên nhất để ôn thi là lớp 9 và lớp 12, nhưng trên thực tế, tỷ lệ tham gia của HS không cao như mong muốn, khoảng 70% HS tham gia; có trường con số này chỉ khoảng 60%, dù 100% các trường đã phổ biến kế hoạch dạy học này cho HS. Do vậy, TP.HCM xác định khi HS quay trở lại trường, vẫn phải rà soát và tổ chức dạy học bù, học lại những nội dung đã dạy trên truyền hình để tránh thiệt thòi cho những HS vì nhiều nguyên nhân chưa theo kịp.
Về việc dạy trực tuyến, ông Thái Văn Thành nói: “Nghệ An cũng như nhiều tỉnh thành khác là ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện thực hiện. Có những nơi trong thời gian này phụ huynh phải đến trường lấy bài về cho HS làm rồi lại mang bài đến nộp cho giáo viên, chứ chưa triển khai dạy học qua internet được”. Riêng với tiểu học, theo ông Thành, nên tăng cường giảm tải, vì việc yêu cầu HS tiểu học học trên truyền hình, học trực tuyến là khó khả thi vì không phù hợp với tâm lý lứa tuổi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.