Nghỉ hưu sớm: 'Ông trẻ, bà trẻ' với ván cờ một mất một còn

10/03/2024 04:08 GMT+7

Đi làm, có được một số tiền trong tài khoản, không ít 'ông trẻ, bà trẻ' đã bắt đầu tính đến chuyện nghỉ hưu sớm. Tưởng "dễ ăn" nhưng thực tế thì nghỉ hưu sớm chẳng khác gì ván cờ "một mất một còn".

Nghỉ hưu sớm ở tuổi 40, 45, sống cuộc đời bình yên, nhàn hạ, mỗi sáng dậy sớm thưởng trà đọc sách, dành thời gian cho bản thân, gia đình, đi du lịch khám phá đây đó. Mọi thứ sẽ thật hoàn hảo cho đến khi… tỉnh mộng.

Từng hoài nghi về quyết định nghỉ hưu sớm

"Có nhiều đêm tôi mất ngủ, không có tinh thần làm việc, òa khóc khi nghĩ đến cha mẹ, nghi ngờ về chính quyết định của bản thân mình. Tôi đã tự hỏi liệu nghỉ hưu sớm là đúng hay sai? Tôi có đang tự hủy hoại cuộc đời của mình?". Đó là tâm sự của chị Trần Thị Trang (32 tuổi) - cô gái đã nghỉ việc văn phòng để lui về sống nhẹ nhàng, làm điều mình thích.

Khi quyết định nghỉ hưu sớm, bản thân Trang đã phải đánh đổi và trả giá bằng rất nhiều nước mắt. Từ bỏ một công việc có thu nhập ổn định để về quê sống, rất nhiều lần chị rơi vào tình cảnh thiếu thốn tiền bạc. Vốn tưởng rời thành phố sẽ không còn áp lực công việc nhưng thật ra về quê lại có thêm những nỗi lo khác.

Nghỉ hưu sớm: 'Ông trẻ, bà trẻ' với ván cờ một mất một còn- Ảnh 1.

Trần Thị Trang đã không ít lần hoài nghi về quyết định nghỉ hưu sớm của mình

NVCC

"Từ một người ngồi máy lạnh ngày 8 giờ đồng hồ mỗi ngày làm việc, khi về hưu sớm tôi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giữa trưa nắng đổ lửa, tôi vẫn phải ra vườn làm việc. Tài chính thì không còn dư dả như trước, có buôn bán online thì khách cũng không bao nhiêu", chị Trang bộc bạch.

Là người trong cuộc, hơn ai hết, cô gái này hiểu được những thách thức mà bản thân mình và những bạn trẻ có ý định nghỉ hưu sớm phải đối mặt. Phải mất một thời gian, Trang mới quen được với nhịp sống mới. Tuy nhiên, ý định quay trở lại thành phố làm việc đâu đó vẫn ẩn hiện trong tâm trí của cô.

Từng là trợ lý cho giám đốc của một công ty ngoài, hưởng mức lương 200 triệu/tháng và chế độ đãi ngộ nhiều người mơ ước, anh Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi) đã quyết tâm từ bỏ, về nghỉ hưu sớm vì lý do "không muốn làm điều khiến mình mệt mỏi".

Thời gian đầu mới "nghỉ hưu", anh đã phải sống bằng trợ cấp thất nghiệp vì chi tiêu mất kiểm soát. Số tiền đầu tư của anh cũng ngày một ít đi bởi dịch Covid-19 ập đến, thị trường nhiều biến động không lường trước được.

Theo anh Bình, khi nghỉ hưu sớm, người trẻ phải chuẩn bị tinh thần cho việc không có nhiều tiền để tiêu xài, không thường xuyên tụ họp bạn bè vì ai cũng có công việc riêng… Hơn hết là phải chịu được sự cô đơn, nhiều lúc bình yên quá lại sinh ra áp lực!

"Cuộc sống tôi bây giờ ổn định hơn rồi, tự cung tự cấp, dùng rất ít tiền. Nhưng tôi nghĩ, nếu các bạn trẻ chưa trải nghiệm đủ trong môi trường lao động thì chưa nên nghỉ hưu sớm. Ít nhất cũng phải làm thử một thời gian, tích lũy đủ tài chính, kinh nghiệm, vốn sống mới có thể làm chủ cuộc đời sau khi nghỉ", anh Bình nói.

Phải tự chịu trách nhiệm

Nhiều ý kiến cho rằng, nghỉ hưu sớm là một lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với xã hội và ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu chẳng may xảy ra biến cố, người nghỉ hưu sớm sẽ trắng tay, đi không được mà ở cũng không xong.

Chia sẻ với Thanh Niên, TS Lê Thị Mai Liên (Trưởng khoa Tâm lý học - Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết việc người trẻ mong muốn nghỉ hưu sớm xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau.

Nghỉ hưu sớm: 'Ông trẻ, bà trẻ' với ván cờ một mất một còn- Ảnh 2.

TS Lê Thị Mai Liên

NVCC

Với một số người, họ quyết định nghỉ hưu sớm vì đã đạt được tự do tài chính, quay về để sống tự do, tập trung nhiều hơn vào những giá trị riêng của mình. Họ đã chủ động chuẩn bị thêm những khoản thu nhập thụ động để đảm bảo duy trì cuộc sống lâu dài.

Bên cạnh đó, cũng có một số bạn trẻ chưa đi làm hoặc chỉ mới đi làm một thời gian, tài chính còn bấp bênh nhưng đã muốn nghỉ hưu sớm. Có thể các bạn đang có những lo âu quá mức với công việc, rơi vào tình trạng "burn out" - suy kiệt năng lượng. Những người này cần có một quãng thời gian tạm nghỉ ngắn hoặc dài tùy nhu cầu để chăm sóc sức khỏe tinh thần chính mình. Họ nên tìm thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía bên ngoài thay vì đâm đầu chạy theo xu hướng nghỉ hưu sớm khi chưa đủ sức tự chủ tài chính.

Nghỉ hưu ở độ tuổi nào hoàn toàn là quyết định của cá nhân các bạn trẻ, nhưng TS Mai Liên cũng nhấn mạnh rằng: "Thế hệ trẻ ngày nay theo đuổi những giá trị sống có thể khác với trước rất nhiều. Nhưng một khi đã đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm hay muộn thì họ phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với chính bản thân".

TS Mai Liên nói thêm, giới trẻ là một thế hệ có tài năng, trí tuệ, sức lực để đóng góp cho xã hội. Họ còn là trụ cột, là chỗ dựa cho cả gia đình nhỏ của mình nên nếu có quyết định "về vườn" thì cần phải tính toán cẩn thận để đạt được sự tự do tài chính bền vững. Có như vậy mới giảm thiểu tác động xấu đến bản thân, gia đình trong trường hợp nghỉ hưu sớm "thất bại".

"Nghỉ hưu sớm không hoàn toàn là chuyện xấu, miễn là các bạn có được sự tự chủ, tiếp tục đóng góp giá trị cho xã hội thì lối sống đó vẫn đáng được hoan nghênh. Thậm chí có những bạn khi tìm thấy được sự tự do, thoải mái trong tinh thần, thời gian sẽ lao động tốt hơn, sức khỏe tinh thần còn được cải thiện thêm nữa", TS Mai Liên nói.

Cần phải quý trọng lao động

Theo TS Lê Thị Mai Liên, lao động để có được những thành tựu nhất định trong quá trình làm việc cũng là một yếu tố quan trọng để hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân. Đây cũng là cơ hội để người trẻ thể hiện, chứng minh năng lực của mình với xã hội.

Mỗi người chúng ta đều sống trong nhiều mối liên hệ, liên kết ràng buộc với người thân, gia đình, bạn bè nên ngoài việc theo đuổi những giá trị sống riêng thì sự đóng góp, chung tay, phụng sự vì lợi ích chung của cộng đồng cũng là điều vô cùng cần thiết.

Còn lối sống không lao động, chỉ muốn ăn bám, phụ thuộc vào người khác chắc chắn sẽ không được tán thành và cần phải xem xét lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.