Khảo sát của người viết với 10 bạn trẻ trong độ tuổi từ 19 - 25, có 7 bạn đồng ý với xu hướng nghỉ hưu sớm. Trong đó, có 3 người đã lên kế hoạch tự do tài chính từ lúc còn học đại học, 4 người vừa mới "nhập cuộc" khi biết đến trào lưu này thông qua mạng xã hội. Số còn lại thì "nửa tin nửa ngờ".
Dù chọn lựa thế nào, thì việc người trẻ ngày càng mưu cầu nghỉ hưu sớm cũng là một vấn đề cần được quan tâm, làm rõ để tránh những hệ lụy về sau.
Coi chừng bị... "dắt mũi"
Nghỉ hưu sớm để rời xa áp lực công việc, chọn một lối sống an nhàn, tự tại nhưng sự thật không đơn giản là thế! Đằng sau câu chuyện nghỉ hưu sớm là một chuỗi câu hỏi được đặt ra. Nghỉ hưu "sớm" là khi nào? Năm bao nhiêu tuổi thì được xem là nghỉ hưu sớm? Tại sao những tỉ phú trên thế giới giàu có như vậy mà họ lại không nghỉ hưu? Trong khi "ông trẻ, bà trẻ" mới chân ước chân ráo vào đời, chưa làm được gì thì lại muốn sớm "về vườn"?...
Chia sẻ với Thanh Niên, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho biết, trong hình dung và quan sát của nhiều bạn trẻ, các thế hệ đi trước phải tất bật làm việc trong suốt thời gian dài, thậm chí khi về già vẫn phải lao động. Do đó họ hầu như không đủ thời gian để chăm lo sức khỏe, tận hưởng cuộc sống.
Trong khi đó, với sự giao thoa văn hóa, tiếp cận nguồn tri thức mở như hiện nay, người trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của đời sống tinh thần, từ đó dẫn đến ý niệm nghỉ hưu sớm để có điều kiện tận hưởng thành quả của mình đã tạo ra.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cung cấp số liệu thống kê năm 2018 của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ như sau: có 77% người trưởng thành thuộc Gen Z đang gặp áp lực trong công việc, trong khi đó con số này ở nhóm người trưởng thành nói chung chỉ là 64%. Như vậy, có thể nhận ra người trẻ hiện nay có tình trạng không chấp nhận thỏa hiệp với vòng lặp hy sinh sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để kiếm tiền một cách bất chấp.
Với những ai đặt mục tiêu số tuổi nghỉ hưu sớm càng trẻ thì càng phải làm việc năng suất gấp nhiều lần, tìm mọi phương án để tối ưu hóa thu nhập, có chiến lược quản lý tài chính hiệu quả…
"Để làm được điều này không hề dễ dàng, bên cạnh việc khiến bản thân phải ép mình cố gắng nhiều hơn những người xung quanh thì bạn còn dễ bị "dắt mũi" bởi những khóa học làm giàu nhanh chóng. Như vậy, mục tiêu về hưu sớm nhằm giúp bạn giải phóng khỏi áp lực công việc lại vô tình trở thành nguồn cơn gây nên khủng hoảng vào giai đoạn lập nghiệp - vốn đã rất bấp bênh và khiến nhiều người mới ra trường bị sốc", chuyên viên tâm lý Tâm An nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chuyên viên Tâm An, một trong các giá trị quan trọng của cuộc đời là phát triển sự nghiệp và phát triển bản thân, nên khi đột ngột ngưng làm sẽ gây ra những xáo trộn nhất định trong cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến động trong đời sống tâm lý của những người ở tuổi về hưu, khi họ cảm thấy mình vô dụng hoặc trống rỗng, phải tìm kiếm một công việc gì đó để làm giết thời gian.
Muốn nghỉ hưu sớm cần biết lượng sức
Ông Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) cho rằng nghỉ hưu sớm thực chất không phải là vấn đề đáng lên án hay bài xích trong xã hội.
Qua quan sát và kinh nghiệm làm việc 40 năm trong ngành lao động, ông Tuấn cho hay: Hiện nay nghỉ hưu sớm cũng là nhu cầu thực tế, phù hợp với những người trẻ có năng lực, thu nhập tốt, biết cách quản lý và kế hoạch chi tiêu. Nếu nhìn nhận từ nhiều phía thì nghỉ hưu sớm cũng mang lại điều tích cực trong cuộc sống của người trẻ.
Lựa chọn nghỉ hưu ở độ tuổi nào hoàn toàn là quyền tự do quyết định của mỗi cá nhân. Nhưng ông Tuấn cũng lưu ý rằng: "Với những người trẻ có nhu cầu nghỉ hưu sớm, nên biết tự lượng sức mình để tạo được sự hài hòa, hạnh phúc trong cuộc sống. Không nên vì áp lực kiếm tiền, chi tiêu quá tiết kiệm, khắt khe mà làm giảm năng suất và sự sáng tạo trong lao động, không chú trọng nâng cao trình độ tri thức, chất lượng nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống về lâu về dài. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy khó cứu chữa về sau".
Song song với đó, ông Tuấn nói thêm, các bạn trẻ cần nhìn nhận vấn đề nghỉ hưu sớm một cách toàn diện, đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, nhu cầu của mình. Nhất là không nên nhìn vào những chia sẻ chủ quan trên internet rồi nhắm mắt làm theo.
"Xã hội ngày càng phát triển theo xu hướng hội nhập và cạnh tranh, kết nối với nhân lực trên toàn cầu nên nguồn lao động là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tiến bộ, nâng cao vị thế đất nước. Lớp trẻ chính là những người "làm giàu" cho nguồn lao động của xã hội nên càng cần phải cân nhắc, soi xét kỹ lưỡng trước xu hướng nghỉ hưu sớm này", ông Tuấn chia sẻ.
Nên hiểu cụm từ "nghỉ hưu sớm" như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng trong thời đại này việc nghỉ hưu chỉ là một thuật ngữ chung dùng cho những người kết thúc giai đoạn lao động có sự ràng buộc trách nhiệm với một tổ chức kinh tế, xã hội nào đó. Khi nghỉ hưu sớm, họ có thể vừa hưởng thụ cuộc sống an nhàn vừa cùng lúc tham gia nhiều loại hình tự do lao động khác để duy trì đời sống kinh tế.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cũng có lời khuyên, cụm từ "nghỉ hưu sớm" nên được hiểu rộng ra. Nghỉ hưu là lúc mà chúng ta không dành quá nhiều tâm sức cho việc kiếm tiền nhưng mục tiêu phát triển bản thân như cập nhật thông tin kiến thức, hoặc trải nghiệm để mở rộng thế giới quan… vẫn nên được chú trọng.
Ngoài ra, kế hoạch về hưu sớm cũng nên chia thành từng giai đoạn cụ thể nhằm làm quen với một lối sống mới, tránh để bản thân sa đà vào những thói quen xấu, có hại cho sức khỏe.
Bình luận (0)