Có những bạn trẻ chủ động chọn lối đi khác biệt để hướng đến những điều tốt đẹp, dù rằng đôi lúc họ bị “ném đá” tơi bời.
Thành viên CLB FACE tham gia hoạt động “Đối mặt với chuyện vặt” - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Là điều phối viên Câu lạc bộ (CLB) FACE (For a clean education - Vì một nền giáo dục sạch), anh Phạm Văn Anh cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng những chuyện như quay cóp, đi phong bì, xin điểm, đạo văn đã là chuyện bình thường trong xã hội, không thể thay đổi được nữa. Do đó, khi chúng tôi chia sẻ về những giá trị mà FACE hướng đến, bạn bè tỏ vẻ không tin và hơi khinh khinh. Thậm chí, có khi chúng tôi bị xa lánh, bị xem là khác người”.
|
Đỗ Thị Hải Yến, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, hiện là thành viên của dự án “Nào ta cùng buýt” kể rằng khi cô cùng các bạn tham gia nhặt rác ở núi Dinh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), có những người cắc cớ hỏi: “Vừa nhặt xong, đã có người vứt rác ra thì nhặt làm gì? Tại sao các em lại tự rước khổ vào thân như vậy?”. Thế nhưng, cô gái này vẫn không ngừng lạc quan: “Hy vọng hành động của tụi mình sẽ đập vào mắt những người chứng kiến, từ đó họ sẽ không xả rác bừa bãi nữa”. Những câu slogan xuất hiện khá thường xuyên trên áo Hải Yến và nhóm bạn của cô là: Đừng để lại gì ngoài những dấu chân. Đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh!
Những năm học ĐH, thấy quỹ lớp liên tục giảm nhưng không được báo cáo minh bạch, Khoa Nguyễn (hiện đang sinh hoạt trong CLB Phóng viên trẻ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) đã mạnh dạn đứng lên chất vấn. Khoa tâm sự, thời gian đó anh đã bị… cách ly với ban cán sự lớp, đồng thời điểm rèn luyện của anh cũng bị sụt giảm rõ rệt. Dẫu vậy, đến tận bây giờ, Khoa Nguyễn vẫn không hề hối tiếc với những gì mình đã dám làm lúc còn là sinh viên.
Thay đổi trước hết ở chính mình
Theo anh Nguyễn Minh Trí (điều phối viên nhóm “Đen hay Trắng” miền Nam), từ nhỏ đến thời học THPT, anh luôn giữ được sự trung thực trong học tập. Thế nhưng có một giai đoạn, nhìn ra xung quanh thấy hầu như ai cũng quay cóp, chàng trai này bị… lung lay nên cũng tham gia lật tài liệu. “Khi đọc những điểm số, mình thấy không vui trong lòng bởi chúng không phải điểm của mình. Thế là mình áy náy và đấu tranh tư tưởng về nhiều mặt, sau đó quyết định sẽ không quay cóp nữa. Đối với mình bây giờ, trung thực trong việc học như là thước đo của năng lực, còn trung thực trong xã hội chính là thước đo của phẩm giá”, anh Trí đúc kết.
Nhiều thành viên của FACE cho hay sau khi tham gia CLB, họ luôn dặn mình càng phải cố gắng thực hiện những hành vi đúng đắn. Phạm Văn Anh nói: “Tụi mình hay chia sẻ những câu chuyện đời thường với nhau để tiếp thêm sức mạnh, thấy rằng thật ra không khó để sống tử tế. Chủ yếu là thực sự mình có muốn sống tử tế hay không mà thôi”. Đó là tình huống khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt thì phải xuất trình giấy tờ và xin luôn cái biên bản để đi nộp phạt, nhất quyết không kỳ kèo đến độ người xử phạt cũng khá bất ngờ. Trường hợp đi taxi, dù tài xế có nói: "Em muốn ghi hóa đơn bao nhiêu?” thì cũng phải nói lại: “Dạ đi bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu”. Anh tài xế có vẻ kinh ngạc, hỏi: “Em mới đi làm hả? Anh thấy nhiều người hay ghi khống lên cao lắm"…
Thay đổi trước hết ở chính bản thân mình và học hỏi những điều trước giờ chưa từng biết, đó là những gì mà Đỗ Phương Dung (thực tập sinh ngành điều dưỡng tại TP.HCM) thu nhận được từ những hoạt động của dự án “Nào ta cùng buýt”. Chưa dừng lại, cô gái này và bạn bè của mình luôn đeo đuổi mục tiêu lớn hơn: Góp phần thúc đẩy cộng đồng sử dụng những phương tiện giao thông công cộng và có ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là việc tiếp tục lên tiếng để đơn vị quản lý và điều hành xe buýt có những cải thiện cụ thể, nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.
Bình luận (0)