Nghị lực của chàng thạc sĩ nông nghiệp mất hai tay

10/09/2024 08:00 GMT+7

Khi đang làm việc tại Nhật Bản, anh Tô Hữu Sỹ (35 tuổi, ngụ xã Lâm Hợp, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không may gặp tai nạn lao động khiến hai tay bị cắt cụt. Với nghị lực mạnh mẽ, chàng thạc sĩ nông nghiệp đã tiếp tục sống, làm việc bằng đôi tay giả.

Anh Sỹ sinh ra trong một gia đình thuần nông, có nhiều anh chị em. Dù gia đình còn nhiều vất vả nhưng anh vẫn luôn cố gắng chăm chỉ học tập. Bằng sự nỗ lực của bản thân, anh trúng tuyển vào Học viện Nông nghiệp VN, chuyên ngành khoa học cây trồng. Năm 2012, anh tốt nghiệp và tiếp tục học lên cao học. Đến năm 2015, sau khi có tấm bằng thạc sĩ trong tay, anh trở về quê nhà lập nghiệp và cưới vợ, rồi họ có với nhau 1 bé trai và 1 bé gái.

Nghị lực của chàng thạc sĩ nông nghiệp mất hai tay- Ảnh 1.

Anh Sỹ sử dụng tay giả để làm việc

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Khi công việc ở quê nhà đang bấp bênh thì vào năm 2020, anh Sỹ sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp theo chương trình hợp tác của Học viện Nông nghiệp VN. "Với tôi, đây là cơ hội tốt nhất kể từ khi ra trường. Khi sang đây, tôi được làm việc trong một nhà máy chế biến nông sản với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng", anh nói.

Ở xứ người, anh Sỹ chăm chỉ làm việc, cố gắng chi tiêu hạn chế để có tiền gửi về cho vợ con. Làm ở đây được 1 năm 3 tháng thì biến cố ập đến, khiến anh bị mất hai tay. "Hôm đó, tôi đang làm việc tại máy sấy rau củ, do sơ suất nên bị cuốn hai tay vào dây chuyền. Tai nạn lao động này khiến tôi mất đi tất cả", anh Sỹ nhớ lại.

Được vợ động viên, anh Sỹ quyết tâm khởi nghiệp lại từ đầu. Anh bảo rằng để "bắt" đôi tay giả làm việc quả không hề dễ dàng chút nào, cái khó là không thể dùng lực để cầm nắm, nâng hạ hay đẩy kéo vật có trọng lượng lớn như người bình thường.

Nghị lực của chàng thạc sĩ nông nghiệp mất hai tay- Ảnh 2.

Anh Sỹ bị mất hai tay sau tai nạn lao động tại Nhật Bản

ẢNH: PHẠM ĐỨC

"Đây là trở ngại lớn nhất đối với tôi. Tuy nhiên, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, vào cuối năm 2023, vợ chồng tôi quyết định thuê một mảnh đất rộng khoảng 300 m2 ở TP.Hà Tĩnh để mở vườn ươm cây cảnh. Đây cũng là công việc giúp tôi thỏa niềm đam mê theo đúng chuyên ngành mà mình đã được học", anh Sỹ chia sẻ.

Với Sỹ, mọi trở ngại của anh trong công việc hiện tại đã được người vợ san sẻ. Vợ anh (chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, 32 tuổi) tốt nghiệp chuyên ngành về nông nghiệp đã trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ chồng.

Vợ chồng anh Sỹ đặt tên cho vườn ươm cây cảnh là "Happy Garden", nghĩa là "Khu vườn hạnh phúc". Khu vườn với đủ loại cây cảnh được anh cùng vợ sớm hôm vun trồng phát triển tươi xanh. Ở đó, vợ chồng anh hằng ngày cùng nhau làm việc để xây dựng tổ ấm.

"Thời gian đầu, việc kinh doanh của vợ chồng tôi cũng gặp khó khăn do khách hàng chưa có nhiều nên thiếu đầu ra. Mặc dù thu nhập chưa đáng kể nhưng vợ chồng vẫn động viên nhau cố gắng duy trì. Mưa dầm thấm lâu, giờ ngoài trồng và bán cây cảnh các loại, tôi còn được khách hàng thuê thi công cảnh quan sân vườn. Nhờ vậy mà doanh thu đã tăng lên, giúp hai vợ chồng thu về mỗi tháng trung bình khoảng 20 triệu đồng", anh Sỹ cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.