Đấy là câu chuyện của cô gái đầy nghị lực Nguyễn Thị Huyền, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Huyền sinh ra trong gia đình 7 anh chị em ở vùng núi cao Đắk Nông, từ khi sinh ra đã không may mắn khi mang trong mình dị tật bẩm sinh, hai chân bị dính liền, tay bị teo lại khiến việc sinh hoạt và học tập của Huyền vô cùng khó khăn.
Cuộc sống không ngừng thử thách
Vượt lên trên tất cả, Huyền vẫn nghị lực để bước vào giảng đường ĐH như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cuộc sống vẫn không ngừng thử thách cô gái nhỏ, 3 năm gần đây, Huyền phải thường xuyên chịu những trận đau như trời giáng của những lần mổ chân vì căn bệnh đau áp-xe.
|
“Mỗi lần đi mổ là mổ ngay xương nên thuốc tê không có tác dụng. Em đau như trời giáng, như là mổ sống. Mỗi lần như vậy em mất cả tháng để chân lành. Trong thời gian đó, em phải đưa xe lăn vào phòng. Có hôm em còn té vì chân người bình thường khi bị băng bó còn khó sinh hoạt huống gì chân em bị khuyết tật, trong khi đó em còn phải mổ một chân nữa. Ba năm nay em đã phải mổ như vậy đến 4, 5 lần rồi”, Huyền kể về những lần phải chịu những trận đau vì mổ chân.
Không dừng lại ở đó, căn bệnh đau dạ dày hành hạ cùng với những triệu chứng nôn ra máu khiến Huyền cứ phải “ghé thăm” bệnh viện thường xuyên.
|
Mới đây Huyền bị đau tiền đình và phải nhập viện để chữa trị. Khi xuất viện về, ở phòng trọ một mình, nhưng do bệnh rối loạn tiền đình không ổn định nên đêm đến lại đau đầu chóng mặt, cộng với đôi chân yếu dần sau nhiều lần mổ nên Huyền không đi lại được. Mà cửa phòng không có cách nào để đóng lại được, sợ trộm vào nên Huyền phải gọi bạn chạy xe cách chỗ Huyền ở hơn 5km để sang chỉ đóng giúp Huyền cái cửa.
Thấy thương bạn, 2 người bạn của Huyền đã nghĩ ra cách cột dây vào cửa để Huyền có thể ngồi một chỗ mà đóng cửa được.
|
Dù khá vất vả và khó khăn nhưng khi đăng video lên trang cá nhân, Huyền chia sẻ rất lạc quan: “Ngôi nhà thông minh của Huyền. Khi con nhỏ bị rối loạn tiền đình không thể nào đóng cửa được vì choáng thì hôm nay 2 người bạn đã sáng chế ra ngôi nhà thông minh này cho Huyền để có trường hợp mệt quá thì không cần đi lại cũng đóng được cửa, tiện thể tập thể dục luôn (cười)”.
Video đã nhận được sự chia sẻ và cảm phục của nhiều bạn trẻ, kèm những lời động viên để cô gái nhỏ chóng hồi phục sức khỏe và vững bước trong cuộc sống.
Chim cánh cụt vẫn có thể bay
Cũng giống như trước đây, khi phải nhập viện để mổ chân, những chia sẻ của Huyền đều rất lạc quan: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên. Lâu lâu có chút sóng gió để ta cảm nhận được giá trị của những ngày bình thường là những ngày hạnh phúc. Đôi chân nhỏ vốn đi lại khó khăn vậy mà bây giờ phải sống chung với lũ. Lâu lâu phải mổ vì bị áp-xe. Đau lắm. Những ngày trước và sau mổ nhỏ sẽ không đi lại được. Nhưng tất cả sẽ không vì thế mà dừng lại. Cuộc sống thì vẫn trôi và chim cánh cụt vẫn bay về phía trước”.
Huyền ví mình như loài chim cánh cụt, nhưng Huyền tin chim cánh cụt vẫn có thể biết bay được: “Là loài chim thiếu đôi cánh nhưng vẫn tự sống giữ thời tiết khắc nghiệt. Như em cũng vậy em không đi bằng chân mà em đi bằng niềm tin và ý chí”.
|
Nhớ lại những ngày đầu khi được tiếp xúc với những con chữ đầu tiên tại lớp học tình thương, Huyền phải làm quen với việc cầm bút bằng cách dùng miệng cắn rồi đưa lên tay. Dù khó khăn, dù để tập được từng nét chữ đầu tiên thì đôi tay sưng vù, đau buốt nhưng Huyền chưa bao giờ bỏ cuộc.
Với Huyền, khi mỗi lần nhắc về những khó khăn , Huyền cho rằng cuộc đời ai cũng vậy và nghị lực của mỗi người 10% là do hoàn cảnh nhưng 90% là cách mình đối mặt như thế nào. “Em thấy cuộc sống ai cũng vậy thôi, có lúc này lúc kia. Ai cũng sẽ có những khó khăn chứ không phải riêng em. Những lúc cuộc sống muốn thử thách thì em sẽ cố gắng để thích nghi cho tốt để ngày mai tốt hơn hôm nay. Em luôn tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn và ngày mai sẽ dế dàng hơn hơn hôm nay”, Huyền giãi bày.
|
Từ lúc còn sinh viên, Huyền đã sáng lập ra câu lạc bộ tình nguyện Ánh Trăng để cùng những người bạn tổ chức các hoạt động giúp đỡ các mái ấm, nhà mở, trung tâm khuyết tật. Huyền còn lập Fanpage để kết nối cộng đồng người khuyết tật và hỗ trợ công việc cho họ.
Khi được hỏi “nếu có một điều muốn nhắn gửi, Huyền muốn nói điều gì?”, Huyền không ngại ngần gửi gắm: “Cuộc sống này luôn có cái gọi là ngày mai. Không có nỗi buồn nào là bất hạnh cả. Bất hạnh là khi mình không đủ bản lĩnh, nghị lực để vượt qua mà thôi. Chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta có đủ niềm tin và nghị lực. Em làm được thì mọi người cũng làm được, vì em luôn tin chim cánh cụt vẫn có thể bay được”.
Bình luận (0)