“Mái nhà” ở bên đường
16 giờ hơn, mẹ vừa đón về từ trường học, Ngân dọn sách vở ra bộ bàn ghế nhựa bên lề đường, vừa trông hàng cho mẹ vừa học bài. Tận dụng chút ánh sáng từ bên ngoài, Ngân học tới khoảng 18 giờ thì vào trong “nhà”. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là mái lều lụp xụp che nắng che mưa chắp vá từ mấy tấm bạt, thanh sắt bên quốc lộ 1A (đoạn ấp Long Bình, xã Long Hiệp, H.Bến Lức, Long An).
Ngân học bài trong túp lều bên quốc lộ |
Thúy Hằng |
Loay hoay tìm một chỗ trống, tôi ngồi cạnh Ngân quan sát em ngồi học bài trên chiếc võng mắc ở giữa lều. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn, muỗi bay nhiều vô kể. Ngân giơ cho tôi xem 2 cánh tay em, nốt muỗi chích chi chít. Có chỗ em gãi mạnh quá, bật máu, phải lấy băng keo dán lại. “Tối em ngồi học ở cái võng này. Ngồi ăn cơm rồi ngủ cũng ở đây. Mẹ thì nằm ở ghế dựa. Mẹ không dám ngủ say vì đêm vẫn có tài xế xe tải ghé mua nước”, Ngân kể.
“Những ngày mưa dông, tôi với nó đứng tim luôn cô ơi. Gió thổi như muốn bứng luôn cái lều, còn nước mưa từ trên lọt xuống, bên ngoài tạt vào”, cô Võ Thanh Thủy, mẹ của Ngân, rưng rưng kể.
Cô Thủy bán nước giải khát, thẻ điện thoại và áo mưa, khẩu trang… cùng mấy thứ lặt vặt khác trong túp lều bên quốc lộ đã 5 năm, kể từ sau biến cố khiến gia đình phải bán ngôi nhà của mình và đi ở thuê. Cha của Ngân, chú Lê Tài Hoa làm công nhân trong một nhà máy ở Long An. Cô Thủy bán hàng ngày đêm ở bên đường, mong có thêm chút tiền nuôi con ăn học và mua thuốc thang, cho con đi trị bệnh. Gian nhà trọ nhỏ xíu ở trong hẻm chỉ là nơi về tắm giặt và để cha của Ngân nghỉ lưng sau giờ đi làm. Mẹ Ngân gần như suốt ngày ở ngoài lều, vừa trông con gái, vừa bán hàng.
Ngân có giấy xác nhận khuyết tật, dạng khuyết tật là thần kinh tâm thần, mỗi tháng được nhà nước trợ cấp khoảng 500.000 đồng. Trường học cũng cấp học bổng cho em và thường xuyên tặng các phần quà động viên học sinh khó khăn học giỏi. Mang ra một bọc ni lông lớn đựng đủ các loại thuốc của con gái, cô Thủy giãi bày: “Khổ lắm cô ơi. Bệnh của con bé ngày nào cũng phải uống 2 cữ thuốc, uống phải đúng giờ và phải uống suốt đời”.
Không muốn được đặc cách tốt nghiệp
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, giáo viên toán Trường THPT Bình Chánh, cũng là thầy chủ nhiệm lớp 12A1 của Ngân, xúc động kể với chúng tôi: “Gia đình Ngân là hộ nghèo. Từ lúc Ngân phát bệnh, gia đình em càng chồng chất khó khăn. Tuy sức khỏe Ngân không được tốt như các bạn nhưng ý chí, nghị lực học tập của em khiến người khác phải nể phục”.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Lê Võ Thanh Ngân, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai; Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Lê Võ Thanh Ngân; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Lê Võ Thanh Ngân trong thời gian sớm nhất.
Thầy Tuấn cho hay Ngân rất chăm ngoan, siêng năng, lễ phép. Các thầy cô từ ban giám hiệu, cô y tế, cô thủ quỹ… đều quý Ngân và giúp em hết sức trong khả năng của mình. Cuối năm lớp 12 em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đáng chú ý, em thuộc diện có thể được xét đặc cách tốt nghiệp nhưng em không muốn.
Cô học trò nghị lực chia sẻ với chúng tôi: “Em cũng đã xét học bạ vào Trường ĐH Văn Hiến, em muốn học ngành kế toán hoặc ngôn ngữ Anh”. Mẹ của Ngân bộc bạch: “Tôi chỉ mong con nó được đi học, có cái nghề để sau này có thể tự nuôi thân khi tôi và cha nó không còn. Nhưng lo là chưa biết lấy tiền đâu cho con đi học...”.
Bình luận (0)