Chúng tôi tới nhà của Thoại ở 135/3 Nguyễn Thị Rành, ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi, TP.HCM vừa lúc trời sắp chuyển mưa. Những miếng tôn lợp trên ngôi nhà ọp ẹp của Thoại đập rầm rầm trong cơn giông. Thoại và các em sấp ngửa chạy đi nhặt củi mang vào. Nhìn bờ tường nứt vỡ loang lổ, cô Nguyễn Thị Ái Diễm, mẹ của Thoại, âu lo: “Nhà dột tứ tung cả. Dột chỗ nào thì lại chạy chỗ đó, nửa đêm nằm cũng vác chăn đi chạy mưa”.
Thoại và bà ngoại em đan liếp tre. Bà ngoại luôn khóc khi nói chuyện với phóng viên |
Thúy Hằng |
Cái chết đau lòng của em trai
Thoại đang học lớp 12A5 Trường THPT Củ Chi. Dưới Thoại có 6 người em: Thảo (17 tuổi), Trà (15 tuổi), Trí (11 tuổi), Thơ (10 tuổi), Thái (9 tuổi) và Uyên (7 tuổi). Thảo và Trà bị ảnh hưởng chất độc da cam. Thảo bị nhẹ hơn, vẫn có thể đến trường và đi làm thêm nhưng Trà bị bại não từ khi mới sinh ra, cho tới nay vẫn không ý thức được gì, kể cả việc vệ sinh cá nhân.
Cha của Thoại quanh năm làm mướn, từ vác phân bón, cám chăn nuôi tới thợ hồ, trồng cây... Mẹ của Thoại nhặt nhạnh từng đồng lẻ với việc đan liếp cho người ta phơi bánh tráng, vì sớm phải bươn chải để nuôi đàn con đông đúc nên người phụ nữ này quanh năm bệnh tật.
Những tháng giãn cách xã hội vì dịch bệnh năm 2021, gia đình Thoại càng túng thiếu. Thoại, Thảo và em Trí may mắn được nhà trường tặng cho chiếc điện thoại thông minh để học bài trực tuyến. Nhưng cũng bởi quá khó khăn, Trí theo ba đi vác cám thuê, kiếm thêm khoản tiền mua đồng phục, sách vở và mong có tiền dán kính cường lực cho chiếc điện thoại mới. Thế rồi ngày 4.10.2021, khi mới vừa hết giãn cách, Trí ngồi phía sau máy cày, đang chạy trên quốc lộ 22 thì bị xe tải tông trúng, em tử vong ngay sau đó.
Thương đứa cháu trai vừa lên lớp 6, chưa được mặc bộ đồng phục một lần, chưa được tới trường THCS một ngày, bà Đỗ Thị Kết, bà ngoại của em khóc tới mờ cả hai mắt. Bà nghẹn ngào kể: “Thằng bé lanh lợi, hiếu thảo, chịu thương chịu khó vô cùng. Nó thấy tôi ngồi đan liếp thì chạy tới “để con phụ ngoại”. Mấy tháng dịch, mẹ nó đi xin được ít rau muống rau cải, nó đạp xe khắp xóm bán, mang về đưa mẹ mua gạo cho cả nhà”.
Nữ sinh kể: “Mỗi ngày em mang 4.000 đồng đi học, để gửi xe 2 lần. Khát nước cũng không dám uống vì xót tiền. Ngày nào em cũng nhịn đói đi học, không có cả cơm nguội ăn vì tối nào cả nhà cũng ăn nồi cơm hết sạch. Nhiều lần trong nhà hết sạch gạo, mì gói, không còn một đồng nào, mẹ em đi chợ may quá có ai cho được 10 gói mì, mang về cho tụi em ăn”.
“Em mong được đi học”
Chúng tôi không thể cầm lòng trước bàn thờ em Trí, bên cạnh đó là cuốn học bạ và chiếc điện thoại em chưa được học lấy một ngày. Kế đó, bé Trà ngơ ngác khóc cười giữa gian nhà ngổn ngang không có đồ đạc nào giá trị. Thoại không có bàn học riêng, mấy chị em ngồi chung một chiếc bàn, làm bài dưới ánh sáng vàng ệch từ bóng đèn cũ.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Thoại, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Trang Thanh Thoại; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thoại trong thời gian sớm nhất.
Nhà trường biết hoàn cảnh của Thoại, những năm học trước em được giảm 50% học phí. Năm lớp 12 được miễn 100% học phí. Cô trò nhỏ cũng nhận được học bổng “nuôi heo đất” từ nhà trường. Những dịp có chương trình Chuyến xe yêu thương tặng rau củ quả, nhu yếu phẩm cho người khó khăn trong dịch, các thầy cô Trường THPT Củ Chi cũng ưu tiên để Thoại được nhận.
Hoàn cảnh khó khăn không ngăn được nghị lực của Thoại. 12 năm học, em đều là học sinh khá, giỏi. Lớp 12, điểm trung bình của em là 8,5. Trong đó môn hóa học và sinh học đều trên 9,0. Năm lớp 9, Thoại còn được giải nhì học sinh giỏi cấp huyện môn sinh học.
Thoại xét học bạ vào Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường, đồng thời thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế - Luật. Nhưng cô Diễm, mẹ của Thoại, thì liên tục khóc khi nói về tương lai của con: “Mẹ nào cũng mong con đậu ĐH. Nhưng con đậu rồi, tôi biết lấy đâu tiền cho con đến trường”. Cô còn cho hay khoản tiền học phụ đạo ở trường trước ngày thi tốt nghiệp, mỗi bạn đóng 1.080.000 đồng, đến nay Thoại vẫn nợ lại các thầy cô. 475.000 đồng học phí lớp 11 của Thoại vẫn còn thiếu cô giáo…
Nhắc đến Thoại, cô Trần Thị Thanh Quang, giáo viên ngữ văn Trường THPT Củ Chi, xúc động: “Tôi thương Thoại và rất quý nghị lực của cô học trò luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Thoại từng nói với các thầy cô rằng em mong ước đậu ĐH và sẽ được đi học vì biết chỉ có con đường cố gắng học tập thành tài thì sau này khi ra trường em mới có thể thay đổi cuộc đời của mình, giúp cha mẹ lo cho các em, nhất là người em bị chất độc da cam nặng”.
Bình luận (0)