Nghị lực mùa thi: Ngày đi học, đêm đi bốc vác mong viết tiếp ước mơ

20/06/2023 07:00 GMT+7

"Mẹ ơi con muốn đi học thì mẹ có cố gắng nuôi con được không?", cậu học trò nghèo Lê Văn Phúc (H.Thanh Chương, Nghệ An) nói với mẹ, khiến bà rơi nước mắt vì không biết lấy đâu ra tiền để cho con học tiếp.

GIA CẢNH NGẶT NGHÈO

Lê Văn Phúc là học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (TT.Thanh Chương, H.Thanh Chương), có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mẹ Phúc là bà Hoàng Thị Tám (47 tuổi), chia sẻ gia đình bà là hộ nghèo, lại gặp nhiều biến cố trong cuộc sống. Bà có hai con trai là Lê Văn Trường (22 tuổi) và Lê Văn Phúc, trong đó Trường bị bệnh động kinh từ nhỏ.

"Lúc sinh ra cháu hoàn toàn bình thường, nhưng sau một lần bị ngã, cháu bị di chứng chấn động não. Hiện cháu cứ điên điên, dại dại, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật và còn đánh đập mọi người xung quanh", bà Tám buồn rầu kể.

Bà Tám đã lặn lội đưa Trường đi điều trị từ Nam ra Bắc, nên gia đình rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Hiện Trường vẫn phải duy trì thuốc thường xuyên với chi phí hơn 2 triệu đồng/tháng, bởi nếu ngừng thuốc anh lại lên cơn điên dại. Trong khi đó, hai vợ chồng bà đều làm công nhân bốc vác theo thời vụ tại nhà máy sản xuất sắn ở H.Thanh Chương, với thu nhập chỉ từ 1 - 3 triệu đồng/tháng/người.

Nghị lực mùa thi: Ngày đi học, đêm đi bốc vác mong viết tiếp ước mơ - Ảnh 1.

Lê Văn Phúc khát khao được đi học để sau này có tiền phụ giúp gia đình

Không chỉ vậy, vào năm 2022 một tai họa lại ập đến. Khi chồng bà đang ngồi chờ bốc vác ở nhà máy thì đống tinh bột sắn đổ ập vào người, đẩy ông vào băng chuyền đang hoạt động, khiến ông bị dập nát chân phải. Ông được đưa đi cấp cứu, điều trị ở bệnh viện tỉnh mất hơn 6 tháng, tốn 134 triệu đồng. Số tiền này bà Tám được anh em, bạn bè và cộng đồng quyên góp hỗ trợ.

"MẸ CÓ CỐ GẮNG NUÔI CON ĐƯỢC KHÔNG ?"

Gia cảnh khó khăn nhưng Phúc rất hiếu học, kết quả học tập luôn đứng nhất, nhì lớp và em chỉ có một mong ước là được học đại học. Thương mẹ vất vả nên ngày đi học, đêm Phúc lại đi bốc vác ở chợ đầu mối TP.Vinh (Nghệ An) để có tiền trang trải cho gia đình.

"Em học bài đến 22 giờ và từ đó đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau thì đi bốc vác ở chợ, ai thuê việc gì làm việc đó. Mỗi buổi, tùy vào lượng công việc, em được trả công 100.000 - 200.000 đồng, nhưng việc cũng không có đều nên mỗi tháng em chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng", Phúc chia sẻ.

Vì lao động vất vả, Phúc gầy gò và xanh rớt. Em cao 1,72 m nhưng chỉ nặng có 47 kg và thường xuyên bị thiếu máu. "Gia cảnh nhà tôi như rứa (thế - PV) nên không nuôi cháu được đầy đủ. Bữa cơm chỉ có rau thôi, thức ăn thì không có tiền mua, ai cho gì ăn nấy", bà Tám nghẹn ngào kể.

"Cháu ngoan lắm, nhưng quá vất vả. Cháu đi làm thêm nhưng giấu tôi, không dám nói", bà Tám ứa nước mắt nói. Rồi bà khóc nghẹn khi kể có lúc Phúc bị anh mình cầm sào đập chảy máu đầu khi anh lên cơn dại. "Hôm ấy, Phúc vừa đi học về thì gặp đúng lúc anh lên cơn nên bị anh đập vào đầu chảy máu. Vậy nhưng hắn không bao giờ giận mà rất thương anh. Có lần được bác hàng xóm cho mấy con cá bống, hắn kho lên để dành cho anh, còn mình chỉ ăn rau", bà Tám vừa kể vừa khóc vì thương con.

Bà Tám cũng cho biết Phúc rất khát khao được đi học tiếp nên có lần hỏi: "Mẹ, con hỏi thật, con muốn học tiếp thì mẹ có cố gắng nuôi con được không?". "Nghe con hỏi mà tôi đau thắt lòng. Nó còn bảo: "Mẹ ơi, cho con đi học để sau này con kiếm tiền nuôi anh". Nhưng gia cảnh tôi như rứa thì lấy răng (đâu - PV) mà chi trả", bà Tám lại khóc.

Nghị lực mùa thi: Ngày đi học, đêm đi bốc vác mong viết tiếp ước mơ - Ảnh 2.

Tâm sự về mong ước của mình, Phúc cho biết em chỉ khát khao được đi học. "Mẹ em vừa bị tai nạn lao động dập gót chân nhưng vẫn gắng gượng đi làm để lo cho gia đình. Thấy bố mẹ vì lao động vất vả mà bị tai nạn nên em càng cố gắng học, để sau này kiếm được tiền phụ giúp gia đình", Phúc chia sẻ.

Nhận xét về Phúc, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm của em, cho biết em rất nghị lực và ham học. "Phúc học chăm lắm, giờ học luôn chăm chú nghe giảng nên thầy cô rất thương. Kết quả học tập của Phúc bao giờ cũng đứng thứ nhất, nhì của lớp. Nhưng tội cho hoàn cảnh của em quá. Phúc muốn học tiếp nhưng không biết lấy tiền đâu ra… Mong cộng đồng giúp đỡ để em viết tiếp ước mơ của mình", cô Nhung trải lòng.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ em Lê Văn Phúc, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (TT.Thanh Chương, H.Thanh Chương, Nghệ An), quý độc giả vui lòng gửi về chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: giúp đỡ em Lê Văn Phúc; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền của bạn đọc đóng góp đến em Lê Văn Phúc trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.