Nghị lực mùa thi: Nữ sinh chạy bàn nuôi giấc mơ vào đại học

28/06/2019 07:40 GMT+7

'Con nhỏ đó hiền khô, ngoan lắm, ban ngày đi học, từ chiều tới khuya, có hôm 12 giờ đêm mới đi rửa chén đĩa, chạy bàn thuê cho người ta về...', người bán rau ở đầu ấp kể với chúng tôi về Nguyễn Ngọc Diệu.

Cha mẹ ly hôn từ năm Diệu 18 tháng tuổi, mẹ chăm em đến khi 4 tuổi rồi bỏ đi biệt xứ, bao năm qua không gặp lại, cha cũng có gia đình riêng, Diệu chỉ biết nương tựa vào bà nội.
Ấp 6, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM không còn xa lạ với hai bà cháu Nguyễn Ngọc Diệu, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Lê Minh Xuân.
“Con nhỏ đó hiền khô, ngoan lắm, ban ngày đi học, từ chiều tới khuya, có hôm 12 giờ đêm mới đi rửa chén đĩa, chạy bàn thuê cho người ta về. Nhà có hai bà cháu thôi, cái nhà ngày trước liêu xiêu, mái tôn, vách lá, giờ mới được giúp đỡ gian nhà nhỏ như thế đó”, người bán rau ở đầu ấp kể với chúng tôi về Diệu.

Em không oán trách mẹ em


Nguyễn Ngọc Diệu ít nói, mỗi khi ai hỏi chuyện đều gượng cười, nhưng bên trong nữ sinh 18 tuổi là những cô đơn, tủi thân khi phải xa vòng tay yêu thương của cha mẹ từ nhỏ.
“Ba em rất ít khi về, ba có gia đình, có con riêng, không khá giả gì. Còn mẹ, đến bây giờ em cũng không biết mặt mẹ em. Không biết bây giờ mẹ đang ở đâu, sống như thế nào, nhiều khi em chỉ cần được gọi “mẹ”, được mẹ ôm, được mẹ hỏi thăm như các bạn, nhưng không được. Em từng đi tìm mẹ, nhưng không thấy”, Diệu khóc.
Diệu nói: “Suốt đời này em không oán trách mẹ, không hận mẹ, có thể là vì hoàn cảnh nào đó, để mẹ phải xa em, không nhìn lại em, nhưng em vẫn mong có ngày mẹ đi về đây để tìm em”!
Từ nhỏ tới lớn, Diệu sống, đi học bằng tiền chu cấp của các cô, chú bên nội, mọi người đều có gia đình riêng, cuộc sống đều nhiều lo toan, khốn khó nên Diệu không dám đòi hỏi gì nhiều. Hai bà cháu rau cháo nuôi nhau trong gian nhà rộng chừng 10 m2.

Ba mẹ bỏ rơi, nữ sinh sống với bà U80 tuổi nuôi giấc mơ vào đại học

Bà nội Diệu 78 tuổi, không có lương hưu và trợ cấp, sức khỏe ngày càng yếu với bệnh giãn tĩnh mạch, bệnh tim, nhiều tháng trời phải điều trị trong bệnh viện, Diệu thương bà nội nhưng không biết làm sao, đành chỉ biết gạt nước mắt để học. Nhiều năm qua, Diệu đều là học sinh khá, giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến vì sự chăm chỉ, giàu ý chí. “Em chỉ còn con đường học. Không học, sẽ chẳng thể nào lo được cho bà và cho chính mình cuộc sống tốt hơn bây giờ”, Diệu vừa nói, vừa bóp vai cho bà nội. Thương bà cả một đời lo toan, vất vả với mình, khuya nào cũng thế, vừa ở chỗ làm thêm về, Diệu chong đèn học bài, vừa ôn bài lại bóp chân, đấm lưng cho nội. Ngôi nhà nhỏ, không có gì đáng giá ngoài tình yêu thương, đùm bọc của hai bà cháu.

Chạy bàn nuôi giấc mơ

Từ đầu năm học lớp 12, chi tiêu cho việc học phải lo nhiều hơn, Diệu xin làm phụ việc trong quán ăn trong xã Phạm Văn Hai. “5 giờ chiều đi học về là em đi làm luôn, ngày nào quán đóng cửa sớm thì được về sớm, nhưng thường phải 11 - 12 giờ đêm mới được về, có khi còn muộn hơn. Em bưng đồ cho khách, rửa chén, phụ đầu bếp nấu món ăn”, Diệu kể.
Tôi nhìn con đường xa lắc, heo hút, vắng lặng người trong ấp 6 mà ngày nào Diệu cũng phải đạp xe đi làm buổi tối về thì ái ngại hỏi Diệu, em đáp: “Đi về khuya cũng lo và sợ lắm. Có một mình đạp xe, vừa đi vừa thấp thỏm, nhưng có việc làm là tốt rồi. Phải ráng”. 3 triệu đồng/tháng Diệu kiếm được, một phần để lo chi phí việc học, một phần đưa cho bà nội để mua đồ ăn cho hai bà cháu. Mỗi ngày, bà nội của Diệu nấu một nồi cơm, kho ít thịt hay cá mặn để bà cháu ăn cả ngày. Kể với chúng tôi, bà của em ngậm ngùi: “Con Diệu thiệt thòi, không cha mẹ ở bên, thiếu thốn kinh tế, khổ sở đủ đường khi không có yêu thương, bảo ban của cha hay mẹ. Ngày bé nó ốm suốt, nhà thì mưa dột tứ tung, cứ một bà một cháu ôm nhau, nghĩ sao mà nó khổ quá. Tôi chỉ mong sao, lúc tôi còn sống được nhìn thấy nó vào ĐH, có công ăn việc làm, tự lo được thân nó, lúc đó tôi chết cũng an lòng”.
Diệu phấn đấu thi đậu ngành ngôn ngữ tiếng Trung, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngôi trường mà em mơ ước từ lâu. Bà nội Diệu thì âu lo, kể cả khi Diệu trúng tuyển, không biết có đủ tiền để cháu gái đến trường hay không. Nhưng Diệu thì bộc bạch: “Chỉ cần em đậu, em sẽ đi làm thêm, phụ quán, rửa chén, giống như em đang làm để đến trường. Em ước sẽ có một công việc tốt, để tiết kiệm được tiền đưa nội đi mổ tim. Bà bị bệnh tim lâu lắm rồi mà không có tiền. Với em, nội quan trọng nhất thế giới này, nội là cha, mẹ, là bạn của em, em thương bà nhiều lắm…”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước.
Nội dung ghi: giúp đỡ em Nguyễn Ngọc Diệu.
Chúng tôi sẽ chuyển đến em Diệu trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.