Chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng
Chia sẻ về bản thân, Thanh cho biết năm 1990, anh cất tiếng khóc chào đời trong niềm hy vọng và sự mong chờ của bố mẹ, bởi anh trai anh đã bị khiếm thị từ khi sinh ra.
"Nhưng số phận thật trớ trêu là tôi cũng khiếm thị. Cuộc sống của gia đình tôi lúc bấy giờ rất vất vả. Nhà có ba anh em trai, mà đến hai người bị mù bẩm sinh, bố mẹ tôi vô cùng phiền muộn và bế tắc", anh Thanh chia sẻ.
Dù chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Thanh vẫn "nhìn" thế giới xung quanh bằng sự cảm nhận của các giác quan còn lại và luôn nghĩ tất cả mọi người đều giống như mình.
"Tôi có thể nhìn thấy hình ảnh cánh cò bay lả bay la trên cánh đồng lúa xanh bất tận qua lời hát ru của mẹ. Tôi cảm nhận được vẻ đẹp của mùa xuân qua âm thanh của tiếng chim hót líu lo vào mỗi buổi sớm mai... Cuộc sống của tôi và anh trai cứ hồn nhiên và bình lặng trôi qua như thế, cho tới một ngày tôi nhận ra sự khác biệt giữa mình và các bạn", anh chia sẻ.
Đó là khi đến tuổi đi học, tất cả các bạn bè cùng trang lứa đều nô nức cắp sách tới trường, thì anh và anh trai mình phải ở nhà với nỗi tủi thân và mặc cảm. "Từ đó, tôi luôn sống khép mình và cô lập với mọi người. Với tôi, lúc đó cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày đơn điệu và nhàm chán", anh Thanh trải lòng.
Nghe tiếng bạn bè cùng xóm tập đánh vần, tập đọc thì khát khao được đi học của anh càng trở nên mãnh liệt. Thương con, mẹ anh đã xin cho anh được đi học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội dành cho học sinh khiếm thị. Lần đầu tiên trong đời một đứa trẻ 7 tuổi mù lòa phải xa nhà, xa vòng tay yêu thương, bao bọc của gia đình, anh cảm thấy vô cùng chới với. Tuy nhiên, được mọi người giúp đỡ, anh đã quyết tâm khắc phục những khó khăn để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống xa nhà và việc học tập tại trường.
Ngoài việc học văn hóa, anh còn đăng ký tham gia các lớp học âm nhạc do nhà trường tổ chức. Qua những lớp học đó, các thầy cô đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của anh. Từ đó, anh thầm ấp ủ giấc mơ được trở thành một nghệ sĩ trong tương lai.
Tốt nghiệp bằng cử nhân loại xuất sắc
Tuy có sẵn khả năng về âm nhạc nhưng vì là người khiếm thị nên việc học đàn của anh gặp không ít khó khăn.
"Những ngày đầu tôi bấm dây đàn tứ làm bằng kim loại, đau tới rớm máu. Rồi cảm giác hoang mang với những nút chức năng và phím bấm của đàn organ. Đặc biệt là cây đàn nguyệt với 2 dây tơ, 10 phím. Tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cầm móng, di chuyển ngón tay giữa các phím đàn một cách chính xác", anh Thanh kể.
Nhưng khó khăn không hề khiến anh nao núng. "Tôi hiểu được rằng muốn thành công thì phải biết nuôi dưỡng ước mơ và kiên trì rèn luyện", anh nói. Không phụ lại những cố gắng, nỗ lực của bản thân và sự tận tình chỉ dạy của các thầy, cô giáo, kỹ năng chơi đàn của anh ngày một tiến bộ.
"Tôi được lựa chọn tham gia các ban nhạc, đội hợp ca của nhà trường, tham gia nhiều buổi biểu diễn lớn nhỏ trong và ngoài nước; nhiều cuộc thi, liên hoan âm nhạc và nhiều lần giành được huy chương vàng, huy chương bạc cùng nhiều giải thưởng khác", anh Thanh tự hào chia sẻ.
Tốt nghiệp lớp 9, anh đã thi đỗ Khoa Nhạc cụ truyền thống (chuyên ngành đàn nguyệt) của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Việc học tập của anh tại đây cũng gặp không ít khó khăn, thử thách vì không thể đọc được giáo trình của tất cả các môn từ chuyên ngành cho tới các môn về kiến thức.
Nhưng những trở ngại đó chẳng làm anh nản chí. Vừa học, vừa tham gia các nhóm nhạc để có thêm kinh nghiệm và trang trải cuộc sống. Anh còn tham gia biểu diễn tại những chương trình giao lưu văn nghệ từ thiện do các cấp hội người mù tổ chức, để gây quỹ giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2014, anh được Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội mời dạy nhạc cụ cho học sinh khiếm thị của trường. Dưới sự hướng dẫn của anh, nhiều học sinh khiếm thị đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, có em giành được điểm tối đa khi thi chuyên ngành đầu vào.
"Thành tích của các học sinh do mình trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn từ những ngày đầu, đặc biệt đó là các học sinh khiếm thị, khiến tôi thấy thật tự hào và xúc động. Qua một chặng đường tìm kiếm tri thức với bao chông gai, thử thách, năm 2016, tôi đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với tấm bằng cử nhân loại xuất sắc", anh Thanh tự hào chia sẻ.
"Người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh"
Vì sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, năm 2017, anh được cán bộ, hội viên Hội Người mù TP.Bắc Ninh tín nhiệm bầu tham gia Ban Chấp hành và giữ nhiệm vụ phó Chủ tịch Hội. Anh đã mở nhiều lớp dạy nghề massage cho cán bộ, hội viên trong tỉnh. Rất nhiều học viên sau khi kết thúc các khóa học đã có được việc làm để tự chủ cuộc sống.
Năm 2018, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là dấu mốc rất quan trọng, giúp anh có thêm điều kiện để tiếp tục rèn luyện và đóng góp cho xã hội. Anh đã tham gia giảng dạy các kỹ năng cho người khiếm thị để họ hòa nhập với cộng đồng.
"Tôi cùng ban chấp hành quản lý tốt các cơ sở tẩm quất của tập thể hội và cá nhân trên địa bàn thành phố, tạo việc làm cho người mù, giúp họ có thu nhập ổn định", anh Thanh chia sẻ.
Trải lòng về những việc làm của mình, anh nói: "Người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không hề bất hạnh và sự kiên cường đã giúp tôi vượt qua tình trạng khuyết tật của bản thân, để chủ động vươn lên và tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội".
Anh Thái Quốc Thanh là một trong 38 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2024 vào ngày 7.10 tới, tại Hà Nội.
Chương trình do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh, tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Bình luận (0)