Nghỉ tết sớm để thuận lợi cho người lao động

18/09/2022 06:11 GMT+7

Dự kiến trong tuần tới Bộ LĐ-TB-XH sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phương án lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Xung quanh vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến của dư luận xã hội.

Đề xuất 3 phương án nghỉ tết

Theo thông lệ, cuối tháng 8, đầu tháng 9 hằng năm, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) - cơ quan tham mưu lịch nghỉ tết của Bộ LĐ-TB-XH, sẽ xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan liên quan về phương án lịch nghỉ tết để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, cho biết quy định của bộ luật Lao động 2019, người lao động (NLĐ) được nghỉ tết âm lịch là 5 ngày (2 ngày trước tết, 3 ngày sau tết hoặc 1 ngày trước tết, 4 ngày sau tết). Do lịch nghỉ tết không cố định qua các năm nên cơ quan chuyên môn phải căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó đề xuất phương án nghỉ lễ linh hoạt, hài hòa nhất.

Người lao động, doanh nghiệp và các chuyên gia ủng hộ phương án nghỉ tết sớm để thuận lợi hơn khi về quê

Ngọc Dương

Năm nay, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến 16 bộ, ngành. Phương án 1, công chức, viên chức nghỉ 5 ngày chính thức (2 ngày trước tết và 3 ngày sau tết), cộng 2 ngày nghỉ bù. Tổng cộng số ngày nghỉ dịp này là 7 ngày, từ thứ sáu - ngày 20.1.2023 đến hết thứ năm - ngày 26.1.2023 (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão).

Phương án 2, công chức, viên chức nghỉ 5 ngày chính thức (1 ngày trước tết và 4 ngày sau tết), cộng 2 ngày nghỉ bù và 2 ngày nghỉ hằng tuần. Tổng cộng số ngày nghỉ là 9 ngày, từ thứ bảy - ngày 21.1.2023 đến chủ nhật - ngày 29.1.2023 (tức ngày 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão).

Theo phong tục truyền thống của VN, nhất là lao động xa nhà bao giờ cũng muốn sum họp bên gia đình những ngày trước tết. Chúng ta hãy tạo điều kiện tốt nhất để họ về quê ăn tết.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH

Trong 2 phương án trên, Bộ LĐ-TB-XH chọn phương án 1, với quan điểm: “Nghỉ tết 7 ngày là hợp lý, bởi đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, đồng thời đảm bảo hài hòa thời gian nghỉ trước và sau tết”.

Với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp (DN), Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích áp dụng lịch nghỉ như trên và đề nghị chủ sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch nghỉ của công chức, viên chức để bố trí cho phù hợp. DN thông báo phương án nghỉ tết công khai ít nhất 30 ngày trước khi thực hiện.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Việt Nam chia sẻ lý do lựa chọn phương án nghỉ tết 8 ngày

Cho rằng cả 2 phương án của Bộ LĐ-TB-XH đưa ra chưa hợp lý, đại diện cho phía NLĐ, Tổng liên đoàn Lao động VN đã đề xuất thêm một phương án mới, đó là cho NLĐ được nghỉ 8 ngày. Đáng chú ý, phương án của Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất nghỉ từ 28 tết, thay vì nghỉ sát tết như 2 phương án của Bộ LĐ-TB-XH. Thời gian nghỉ bắt đầu từ thứ năm - ngày 19.1.2023 đến hết thứ năm - ngày 26.1.2023 (tức từ 28 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão). NLĐ sẽ đi làm vào thứ sáu - ngày 27.1.2023 (tức mùng 6 tháng giêng) và làm bù thêm vào thứ bảy - ngày 28.1.

Trong khi Bộ Nội vụ, Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT ủng hộ phương án 1 của Bộ LĐ-TB-XH, thì mới đây Bộ Tài chính lại bất ngờ chọn phương án 2, nghỉ tết 9 ngày. Lý giải về lựa chọn này, Bộ Tài chính nêu rõ: “Việc lựa chọn phương án trên đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa”.

Hành khách đi máy bay về quê ăn tết tại sân bay Tân Sơn Nhất

Độc Lập

“29 - 30 tết mới nghỉ thì quá gấp gáp”

Được về quê ăn tết là mong mỏi của hầu hết NLĐ xa quê, đặc biệt là các công nhân đang làm việc tại các tỉnh phía nam. Hai năm dịch bệnh Covid-19, nhiều người chưa được đoàn tụ với gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai, quê ở H.Nam Đàn (Nghệ An), công nhân đang làm việc ở Bình Dương, chia sẻ: “Hai năm dịch bệnh, công việc bấp bênh, tôi không có điều kiện về thăm nhà. Năm nay, tôi mong muốn có một cái tết đoàn viên bên gia đình, nếu 29 - 30 tết mới được nghỉ thì quá gấp gáp, vé tàu xe đắt gấp đôi, gấp ba, những lao động khó khăn như chúng tôi làm sao có điều kiện để về quê. Gấp gáp như vậy, nếu có về cũng chẳng còn gì là không khí tết”.

Tàu xe ngày tết đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều lao động. Chị Lã Hương Lan, quê Đoan Hùng (Phú Thọ), hiện đang làm tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), bộc bạch: “Tàu xe ngày tết cực kỳ khó khăn, năm ngoái tôi đã phải đặt trước nửa tháng, nhưng đến ngày về nhà xe báo quá tải, không thể nhận thêm người. Tôi và một số công nhân cùng quê tất tả ra đường vẫy xe từ sáng sớm, chờ đến nửa ngày mới có xe về. Tôi chưa lập gia đình thì còn đỡ, nhiều cặp vợ chồng mỗi người một quê, chỉ việc đi lại thôi đã đủ mệt rồi. Chúng tôi mong muốn được nghỉ dài trước tết cho đỡ cập rập, còn sau tết đi làm sớm từ mùng 4 là được rồi”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, nước ta có địa hình trải dài từ Bắc đến Nam, việc di chuyển là yếu tố rất cần thiết và cần phải quan tâm, nhất là khi các điều kiện về hạ tầng giao thông, đi lại còn nhiều khó khăn, đó là lý do phải tìm giải pháp tốt nhất, thuận lợi nhất cho NLĐ.

“Hai năm qua do dịch bệnh, hầu hết công nhân lao động, công chức, viên chức có những cái tết không trọn vẹn khi họ phải hạn chế đi lại. Không ít người phải ở lại địa phương nơi làm việc, trong khi đối tượng lao động di cư tương đối nhiều. Việc nghỉ tết sớm không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn giúp cho NLĐ, nhất là lao động nữ, có thời gian chuẩn bị tết chu đáo, về thăm quê nhà. Với 8 ngày là phù hợp, nhưng cũng đồng thời chia sẻ tình hình chung với đất nước”, ông Hiểu chia sẻ.

Bên cạnh khảo sát ý kiến của NLĐ, Tổng liên đoàn Lao động VN đồng thời lắng nghe ý kiến của nhiều DN. Đáng chú ý, theo ông Hiểu, chính các DN cũng muốn cho NLĐ nghỉ tết sớm bởi nếu không cho NLĐ nghỉ sớm, không về tết được thì họ cũng không yên tâm làm việc, còn gây khó khăn cho DN.

Bộ Nội vụ đồng ý phương án nghỉ 7 ngày tết Nguyên đán 2023

Nghỉ sớm, làm bù

Dẫn chứng từ kỳ nghỉ lễ 30.4 và 2.9 vừa qua, NLĐ ồ ạt đổ về quê tắc đường cả 2 miền Nam - Bắc, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá cả 2 phương án Bộ LĐ-TB-XH đưa ra có những ưu điểm riêng, song về thời gian nghỉ nên có sự điều chỉnh hài hòa như đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN.

Cụ thể, kỳ nghỉ tết sẽ kéo dài 8 ngày, từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng (19 - 26.1.2023). Công chức, lao động đi làm trở lại vào mùng 6 tháng giêng và làm bù vào mùng 7. “Phương án này cân đối được số ngày nghỉ trước và sau tết, không chỉ giảm áp lực giao thông cuối năm, người dân được tận hưởng không khí mua sắm, chơi tết, kích cầu tiêu dùng, du lịch và đặc biệt là sau dịch Covid-19, nhiều người có xu hướng dành thời gian bên gia đình, người thân”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, phương án này có hạn chế là sẽ phải làm bù cuối tuần, nhưng đây không phải là vấn đề lớn. “Nếu chọn phương án nghỉ 9 ngày sát tết, NLĐ cũng sẽ tự xin nghỉ trước một vài ngày, DN cũng khó cản do tránh tranh chấp và tránh tình trạng lao động không trở lại nhà máy sau tết. Việc cho NLĐ đi làm bù vào thứ bảy, 2 ngày đi làm liên tiếp giúp NLĐ trở lại guồng quay tốt hơn”, ông Lộc đánh giá.

Ủng hộ phương án nghỉ 9 ngày, nhưng ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, lại đề nghị đẩy thời gian cho NLĐ nghỉ sớm từ ngày 28 tết, thay vì nghỉ vào 29 hoặc 30 tết như phương án 2 Bộ

LĐ-TB-XH đề xuất. Ông Huân chia sẻ: “Theo phong tục truyền thống của VN, nhất là lao động xa nhà bao giờ cũng muốn sum họp bên gia đình những ngày trước tết. Chúng ta hãy tạo điều kiện tốt nhất để họ về quê ăn tết. Nếu không cho NLĐ nghỉ sớm, họ vẫn xin nghỉ phép để về quê, chi bằng chúng ta tính toán lại cho phù hợp để họ đi lại đỡ vất vả”.

Về phía DN, ông Huân cho rằng DN có thể tính toán cho NLĐ làm bù sau tết, việc này hoàn toàn không khó, bởi năm nay tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp không còn căng thẳng như các năm trước, đơn hàng cũng giảm. “Lịch nghỉ tết phải linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Nếu chọn phương án 7 ngày, ngày đầu tiên đi làm trở lại vào thứ sáu, sau đó lại nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần sẽ dẫn tới hiệu quả công việc không cao, thậm chí chỉ hình thức”.

Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho hay hiện cơ quan này đã nhận được hầu hết ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Dự kiến ngày mai (19.9), phương án lịch nghỉ tết sẽ được trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH xem xét cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.