Tục treo quan tài trên vách đá xuất hiện cách đây hơn 2.000 năm, bắt nguồn từ các dân tộc bản địa cổ đại. Tục lệ này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Người xưa quan niệm rằng thân gần với bầu trời hơn, họ sợ chó hoặc bộ tộc săn đầu người sẽ đào xác; do đó việc treo quan tài nhằm để người chết có thể tiếp tục nhìn trời và cảm nhận gió, người chết có thể hướng về người thân và không xâm phạm không gian canh tác.
Những quan tài treo ở Sagada, Philippines |
Kok Leng, Maurice Yeo |
Trong tiếng Trung Quốc, huyền quan (懸棺) có nghĩa là quan tài treo, một nghi lễ an táng truyền thống của người Bách Bộc cổ đại sống ở Vân Nam, Quý Châu và những nơi khác ở tây nam Trung Quốc, ngoài ra còn có người Nam Đảo ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Phi.
Ở Trung Quốc, nghi thức treo quan tài có từ thời xa xưa. Hơn 1.700 năm trước, Thẩm Oánh, tướng lĩnh Đông Ngô thời Tam Quốc (220-280) đã viết về cách an táng này trong tác phẩm Lâm hải thủy thổ dị vật chí (臨海水土異物志) của ông. Một tài liệu thời Nam triều cho biết “có hàng nghìn chiếc quan tài treo trên vách đá” với nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu làm từ một khối gỗ. Người ta thường treo chúng trên vách đá, đặt trên dầm gắn vào vách núi hay phía ngoài hang động…
Giới khảo cổ tìm thấy quan tài treo rải rác khắp Trung Quốc, kể cả Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên và cao nguyên Vân Nam-Quý Châu. Loại quan tài treo nổi tiếng nhất là quan tài trên núi Long Hổ ở ngoại ô phía nam thị trấn Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây. Đây là quan tài treo của người Yue cổ thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Ngoài ra còn những quan tài treo ấn tượng khác như trên núi Vũ Di (Phúc Kiến), núi Long Hổ (Giang Tây); Đông Lan (Quảng Tây) hay những quan tài treo ở tỉnh Vân Nam.
Những quan tài đặt trong hốc đá nhân tạo ở Lemo (đảo Toraja), Sulawesi, Indonesia |
travel.mongabay.com |
Thuật ngữ huyền quan táng (悬棺葬) - "chôn cất trong quan tài treo" được nhà nhân chủng học Nhuế Dật Phu đề xuất lần đầu tiên vào năm 1948 và được sử dụng kể từ đó.
Ở Philippines, treo quan tài là một trong những tục lệ của người Kankanaey ở Sagada, trên đảo Luzon của Philippines. Người ta vẫn chưa xác định được niên đại của những chiếc quan tài này, có lẽ cũng hàng thế kỷ. Quan tài nhỏ vì thi thể bên trong đều ở tư thế bào thai. Điều này là do niềm tin rằng mọi người nên rời khỏi thế giới ở tư thế giống như khi họ bước vào đời, một truyền thống phổ biến trong các nền văn hóa tiền thuộc địa khác nhau của Philippines.
Đối với người Kankanaey, việc sử dụng quan tài treo chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo xuất sắc hoặc danh dự của cộng đồng. Chiều cao quan tài tương ứng với địa vị xã hội của người đã mất. Hầu hết những người trong quan tài là thành viên nổi bật nhất của amam-a, hội đồng các trưởng lão nam trong dap-ay truyền thống (khu tập thể nam và trung tâm dân sự của làng). Cũng có một trường hợp được ghi nhận về một phụ nữ được trao danh dự khi được treo cổ trong quan tài.
Người Kankanaey tin rằng việc đặt quan tài người chết trong hang động hoặc trên vách đá đảm bảo rằng linh hồn của họ có thể đi loanh quanh và tiếp tục bảo vệ người sống.
Ở Indonesia, treo quan tài là một trong những phong tục an táng của người Toraja trên đảo Sulawesi. Dân địa phương làm những chiếc quan tài có hình dáng khá đặc biệt, giống như chiếc thuyền, gọi là erong. Họ đặt quan tài trên những phần nhô ra của mặt vách đá hoặc trên những lỗ mở của hang động, chung quanh là những bức tượng khắc gỗ dùng để bảo vệ người chết, gọi là tau-tau. Những bức tau-tau đời cũ có vẻ trừu tượng, không giống người lắm, còn những tau-tau hiện đại thì khá giống người thật.
Hang động Londa Nanggala với những hình nộm tang lễ bằng gỗ và quan tài treo (đảo Sulawesi) |
Rhett A. Butler |
Quan tài treo ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc |
web.archive.org |
Nhìn chung, quan tài treo của người Toraja được dành riêng cho những người "sáng lập" ngôi làng, đó là những quan tài có niên đại lâu đời nhất, khoảng năm 780 sau khi Chúa Jesus ra đời.
Tùy theo tộc người, khi chết, thi hài của người quá cố có thể được quấn bằng vải màu, buộc vào ghế gỗ ở tư thế ngồi. Người trong gia đình sẽ xông khói thi thể bằng một hỗn hợp cây cỏ và thảo mộc để ngăn mùi hôi thoát ra khỏi thi thể. Vài ngày sau, thi thể được trưng bày ở lối vào nhà để các thành viên trong cộng đồng tỏ lòng thành kính với người đã khuất, sau đó mới thực hiện nghi thức huyền quan táng.
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao người cổ đại lại treo quan tài trên vách đá, vì việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực, kể cả việc đào hang nếu cần. Giới khảo cổ đoán rằng đây là hình thức tang lễ của giới quý tộc thời xưa vì khá tốn kém (phải cúng nhiều heo, gà). Bên cạnh những hình nộm bằng gỗ, trên một số quan tài người ta có thể trang trí những vật có hình dáng con thằn lằn, biểu tượng của khả năng sinh sản và tuổi thọ.
Bình luận (0)