Nghị trường nóng với 'uống rượu có văn hóa'

17/11/2018 06:39 GMT+7

Câu chuyện rượu là thức uống ngàn đời của dân tộc hay uống rượu có trách nhiệm là vấn đề gây tranh luận gay gắt khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vào sáng 16.11.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Quang Chiểu (Nam Định), rượu bia có tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sản phẩm không đảm bảo chất lượng. “Chúng ta nghĩ gì, trong những ngày giỗ tết, với người thân đã mất, tiễn năm cũ đón một năm mới với truyền thống văn hóa nghìn đời, mọi gia đình đều có bát cơm thơm, chén rượu cúng trên bàn thờ”, ông Chiểu đặt vấn đề và cho rằng đối tượng chịu tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng phải có ý thức. “Nếu có ý thức thì người sản xuất sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, đến cộng đồng”, ĐB Chiểu nói.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì cho rằng cần có những giải pháp khuyến khích "người sử dụng lành mạnh" để thay đổi những thói quen sử dụng rượu bia nhiều.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phản đối: "Không nên ngụy biện bằng cái gọi là "người uống có trách nhiệm" hay cổ súy nó bằng thứ gọi là “văn hóa uống”. Thậm chí, ông cho rằng việc dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là sự vô cảm. Dẫn số liệu từ các cơ quan chức năng như bia rượu làm mất 1,3% GDP (tương đương 65.000 tỉ đồng mỗi năm), hay mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỉ đồng… cùng các tác động xã hội khác, ông Nhân tha thiết: “Xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành, hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia, rượu gây ra… hẳn sẽ có sự sẻ chia nỗi đau thương với những người ở lại”.
Ông Nhân cũng bày tỏ, “thành tích” uống rượu bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ 3 châu Á của người VN là điều “thật khó để tự hào”. Chia sẻ với ý kiến này, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) dẫn thêm số liệu điều tra của Ủy ban Dân tộc về tuổi thọ để minh chứng.
Theo đó, năm 2015, tuổi thọ bình quân của người VN là 73,2 nhưng tuổi thọ bình quân của đồng bào một số dân tộc ở ngưỡng thấp hơn rất nhiều, như đồng bào Lao Gủ chỉ đạt 57,5, chênh lệch 15,7 năm. Đồng bào Xi La 61,2, chênh lệch 12 năm. “Do đó, khi nói rằng rượu, bia là nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thì càng phải nhấn mạnh rằng, chính thói quen sử dụng rượu, bia ở mức có hại là một nguyên nhân trực tiếp nhất đe dọa đến chất lượng dân số và tuổi thọ”, nữ ĐB chia sẻ.
Phát biểu sau đó, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu câu hỏi: “Chúng ta xếp thứ 3 ở châu Á, đó là đáng lo, nhưng Nhật Bản xếp thứ 2 thì Nhật Bản có phải nước phát triển hay không cả về kinh tế và văn hóa?”. Chưa hết, nhà sử học còn hướng về Bộ trưởng Y tế chất vấn: “Ngay khi luật được thông qua, Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽ mua rượu bổ về uống vậy”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù nước tiêu thụ bia rượu thứ 2 châu Á song luật của người Nhật rất nghiêm. “Họ có luật Dinh dưỡng xây dựng từ năm 1926 và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, văn hóa rượu của họ rất văn minh”, Bộ trưởng nói. Về rượu bổ, theo bà Tiến, ban đầu ban soạn thảo dự định những loại rượu thuốc có bổ đều đề nghị cấm, nhưng qua quá trình tiếp thu ý kiến, nội dung này không đưa vào dự thảo luật nữa. “Hơn nữa, không có nghĩa là khi luật này ban hành tất cả đều cấm rượu, bia. Trong luật này không có một từ nào là cấm uống rượu, uống bia”, Bộ trưởng Tiến nói thêm.
Chưa đồng tình nhiều đề xuất trong dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi
Nhiều chính sách mà Chính phủ đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi, từ việc nâng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ lên 35.000 tỉ đồng cho tới quy định cho phép thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư thay cho HĐND… không nhận được sự đồng tình của các ĐB tại phiên thảo luận về luật Đầu tư công sửa đổi chiều 16.11. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhiều chính sách nổi bật với mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhưng thực tế soạn thảo nhiều nội dung rắc rối, phức tạp, có nội dung không bằng luật hiện hành. “Việc điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỉ đồng trở lên để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng; dự án loại này phát sinh ít, việc trình Quốc hội không có vướng mắc gì và mức 35.000 tỉ là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách”, ĐB Hàm nói và đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc lại đề xuất này.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thì không tán thành quy định cho phép thường trực HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Theo ĐB Đắk Nông, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương, thường trực HĐND là một cấp không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND. Việc giao nhiệm vụ này dễ dẫn đến sự lạm dụng, vận dụng tùy tiện trên thực tế. Bên cạnh đó, HĐND hoàn toàn có thể họp hơn 2 kỳ/năm hoặc họp bất thường để quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.
Giải trình tại cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ KH-ĐT làm việc với các cơ quan liên quan, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của ĐB, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình QH xem xét tại kỳ họp tới. (L.H)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.